Trung Quốc làm đường nước sông Đà: Gang dẻo có thể nhiễm chì hại trẻ em

23/03/2016 - 13:42

PNO - "Cần phải có một quá trình kiểm định hết sức chặt chẽ, không nên tiếc tiền với những công trình liên quan đến sức khỏe con người".

Ngày 22/3, Công ty CP Nước sạch Vinaconex – Viwasupco (đơn vị trực thuộc Tổng công ty CP Vinaconex) đã có thông cáo báo chí về "Kết quả triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp ống Gang dẻo - Dự án Nước Sông Đà - Giai đoạn II".

Cụ thể sau quá trình đấu thầu, đến nay Công ty Viwasupco đã lựa chọn Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (địa chỉ: Lạc Dương Bắc, thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.

Trao đổi với Phụ nữ TP.HCM, ngày 23/3, giáo sư Nguyễn Trọng Giảng - (chuyên gia luyện kim, Nguyên hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội) đặt vấn đề.

Thứ nhất về khoản tiền đầu tư: "Liệu chúng ta có đảm bảo được chuyện giá trúng thầu đó nó có đứng được như thế cho đến khi dự án kết thúc không hay là cuối cùng lại trục trặc, lại tăng giá, trượt giá... như tiền lệ bao nhiêu vụ Trung Quốc đứng thầu đã xảy ra. Cần làm việc phải có luật của nó, phải có cam kết rõ ràng."

Trung Quoc lam duong nuoc song Da: Gang deo co the nhiem chi hai tre em
Đường ống nước sông Đà liên tiếp bị vỡ giai đoạn 1

Thứ hai, về nguyên vật liệu, theo GS Giảng chúng ta luôn phải cảnh giác vì đường ống dẫn nước là rất quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, con người.

Nói riêng về công nghệ gang dẻo "rất có thể có một số yếu tố nào đó không có lợi cho sức khỏe thì điều này hết sức nguy hiểm, hàm lượng chì có thể có, hàm lượng một số chất phóng xạ khác có thể có thì sao?", ông Giảng đặt vấn đề.

Thừa nhận gang dẻo Trung Quốc khá mạnh và tốt, song theo vị giáo sư ĐH Bách khoa Hà Nội cần hết sức lưu ý với nhà thầu Trung Quốc khi vào Việt Nam "đặc biệt liên quan đến sức khỏe theo tôi là không nên", GS Giảng nhận định.

 Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có một quá trình kiểm định hết sức chặt chẽ, "không nên tiếc tiền với những công trình liên quan đến sức khỏe con người và cộng đồng".

Cùng quan điểm, ông Đào Quốc Hương, Trưởng phòng Hóa Hữu cơ (Viện Hóa học) khẳng định "Nếu phát hiện trong mẫu gang ấy có thành phần của chì thì đó là thành phần không cho phép".
 
Theo đó, ông Hương phân tích: "Ống nước dùng ở thời Pháp người ta thường dùng là ống kẽm, cần bẻ cong thì người ta thường dùng ống chì dù sao còn đỡ hơn chì nguyên chất, chì kim loại. Bây giờ, chì phải cấm phải dừng lại hoàn toàn.

Ống thép bằng kẽm, tôn gì đó giờ người ta đã cho là không hợp vệ sinh nữa. Chủ yếu họ dùng ống nhựa loại mới, những chương trình nước hiện đại người ta thường dùng ống nhựa hết đảm bảo được độ bền đến 100 năm, chịu nhiệt độ cao, chịu áp lực lớn và an toàn".

Về việc Trung Quốc thắng thầu lần này, theo quan điểm của ông Hương "Vì chúng ta đang sống trong thời kinh tế thị trường, vậy nên theo luật pháp quốc tế nói chung nên việc đấu thầu không được phép hạn chế cho những người tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, bắt buộc mình phải đặt ra điều kiện, đặt ra bài toán về giá cả; về chất lượng. Nếu như các vật liệu đảm bảo đúng quy chuẩn mình đưa ra (quy chuẩn hiện đại được quốc tế công nhận) thì trúng thầu.

Theo ý kiến chủ quan của tôi không nên cho nhà thầu Trung Quốc vào làm bởi vì Trung Quốc bởi những dự án trước đó đã minh chứng, thường lúc vào hứa rất nhiều nhưng làm lại ít, chẳng hạn như đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một minh chứng".

"Theo tôi là nên chỉnh thầu hoặc ban làm việc, kiểm định phải hết sức nghiêm túc. Làm ăn công tâm, vì lợi ích dân tộc chứ đừng vì lợi ích gì đó", chuyên gia hóa học Đào Quốc Hương đề xuất.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI