Lợn giống ''lạc'' nhà Bí thư xã: Đúng là hơi tham một tý

04/03/2016 - 07:29

PNO - Theo lãnh đạo Chi cục Thú y Tuyên Quang, việc nhiều cán bộ được nhận lợn giống là do sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải là cố tình sắp đặt.

Như đã thông tin, một số người dân tại xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bức xúc về việc có khuất tất trong phân bổ lợn giống trong Dự án hỗ trợ lợn giống tại thôn An Thịnh. Theo sự phản ánh, 52 con lợn giống tốt được cung cấp từ trại giống Trung ương khi về đến xã không được giao cho các hộ dân có nhu cầu, mà lại chỉ được cấp cho người nhà và cán bộ xã Đông Lợi.

Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Đông Lợi thông tin: "Sau khi nhận được đơn của người dân thì các cơ quan chức năng cũng đã về làm việc với xã. Tất nhiên là có những cái nó trùng lặp ngẫu nhiên. Các đồng chí lãnh đạo có trong tổ hợp tác đó, người ta đang chăn nuôi trên địa bàn thì đương nhiên là người ta có thể đăng ký. Trong đề án này không quy định là lãnh đạo hay con em của cán bộ không được chăn nuôi."

Lon giong ''lac'' nha Bi thu xa: Dung la hoi tham mot ty
Lợn giống dự án được cấp về xã Đông Lợi. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Dự án này không phải là chuyển vốn về địa phương, mà là Sở yêu cầu giới thiệu cho một tổ hợp tác phát triển chăn nuôi ở xã để thực hiện. Ông Thu cho biết, qua đánh giá 3 năm hoạt động của 11 tổ hợp tác tại địa phương thì tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn An Thịnh hoạt động tốt hơn các tổ còn lại nên xã đã lựa chọn để giới thiệu.

Lý giải về việc một số cá nhân phản ánh việc phân lựa chọn họ cấp lợn giống, ông Thu cho rằng: "Hiện nay tại xã thì cũng có một số đối tượng phản cảm với chính quyền, vừa qua xã phải xử lý về cờ bạc. Anh Sáu đánh bạc, rồi nuôi lợn không được xã cấp lợn giống theo chương trình vì anh ở tổ khác nên anh bức xúc làm đơn lên huyện. Vấn đề này đã được giải quyết".

Để hiểu rõ hơn quy trình lựa chọn để cấp lợn giống cho các hộ trong tổ, PV tiếp tục liên hệ với anh Lê Mạnh Hà - Tổ trưởng Tổ chăn nuôi lợn siêu nạc thôn An Thịnh. Theo anh Hà: "Đầu tiên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh về thẩm định, tập huấn cho các tổ hợp tác của xã, sau đó được sự giới thiệu của xã Sở đã chọn tổ của thôn chúng tôi để thực hiện dự án này."

Anh Hà thông tin thêm, tổ chăn nuôi thôn An Thịnh có 16 hộ, khi Sở về thẩm định có 2 hộ mổ lợn nên không đủ điều kiện tham gia. Có 12 hộ nộp đơn đăng ký, về sau 3 hộ xin rút vì không có đủ tiền để xây trại theo quy chuẩn và nộp tiền đối ứng để lấy con giống. Còn lại tất cả 9 hộ được nhận lợn giống.

"Sau khi làm chuồng, Sở cho người về thẩm định chuồng trại, quy chuẩn sau đó nộp tiền đối ứng và đi lấy con giống", anh Hà cho hay.

Hộ nghèo không đáp ứng tiêu chuẩn... chuồng lợn

Về phần mình, ông Đỗ Minh Quý - Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tuyên Quang khẳng định rằng, đây là một chương trình Dự án hỗ trợ Tam nông, không phải là một chương trình cấp cho hộ nghèo và làm theo phương thức hỗ trợ cho các tổ hợp tác chứ không hỗ trợ riêng cho các thành viên.

"Số lợn này cũng chỉ có 50 con lợn cái và 2 con lợn đực. Khi xuống triển khai cho xã Đồng Lợi có 11 tổ hợp tác nên chúng tôi xác định là chọn 1 tổ để thực hiện vì nếu giải ra 11 tổ hợp tác thì số lợn ít quá không trở thành mô hình được", ông Quý cho hay.

Theo đó, xã Đông Lợi đã giới thiệu tổ hợp tác An Thịnh. Xã đã lựa chọn với tiêu chí là có những người khá, có nhiều kinh nghiệm để dìu dắt những hộ khác. Thứ 2 là cái này không phải là cho không mà dự án chỉ hỗ trợ 60% lợn giống còn 40% dân phải bỏ ra và toàn bộ kinh phí làm chuồng trại, công chăm sóc, thức ăn. Thứ 3, vì đây là con lợn ngoại siêu nạc nên không phải một con lợn địa phương hoặc lợn Móng Cái mà hộ nào cũng nuôi được, vì vậy phải lựa chọn những hộ đủ điều kiện để mô hình thành công.

"Trên cơ sở danh sách đăng ký chúng tôi đi kiểm tra và thẩm định điều kiện của từng hộ một xem số lượng của hộ này như thế thì có khả năng nuôi được bao nhiêu con thì là hợp lý", ông Quý cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Quý thông tin về các tiêu chuẩn để lựa chọn các hộ: "Chuồng trại phải cao ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, nuôi lợn siêu nạc phải có chuồng sắt, không thể nuôi như lợn móng cái, hệ thống uống nước tự động bằng van, phải có gần như một cái lò sưởi cho lợn con,... các hộ phải đáp ứng các điều kiện đó thì chúng tôi mới đồng ý cho họ làm".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI