Dừng 3 đường dây mua điện từ Trung Quốc: Vẫn mua nhưng giảm

19/04/2016 - 07:42

PNO - Ông Vũ Xuân Khu xác nhận, đến thời điểm hiện tại, VN vẫn mua điện từ Trung Quốc nhưng đã giảm rất nhiều.

Tại cuộc tọa đàm về cung ứng điện mùa khô năm 2016 ở EVN, ông Vũ Xuân Khu, phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã khẳng định, sẽ dừng 3 tuyến đường dây mua điện từ Trung Quốc.

Dung 3 duong day mua dien tu Trung Quoc: Van mua nhung giam
Việt Nam dừng 3 đường dây mua điện từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo ông Khu, hiện nay tổng công suất lắp đặt hệ thống điện VN đạt khoảng 38.000MW, trong khi dự kiến nhu cầu điện cao nhất trong mùa khô 2016 chỉ khoảng 28.000MW.

Như vậy, xét tổng thể là đã có dự phòng, dù mỗi miền khác nhau, nên năm nay không có chuyện cắt điện luân phiên, mà sẽ đảm bảo các nhu cầu về điện.

Trả lời cho câu hỏi, tại sao có dự phòng vẫn mua điện Trung Quốc, ông Vũ Xuân Khu xác nhận, đến thời điểm hiện tại, VN vẫn mua điện từ Trung Quốc nhưng đã giảm rất nhiều.

Ông Khu cho hay, trước đây VN phải mua qua 5 đường. Kể từ 1/1/2016 đã dừng hai đường dây 110kV ở Hà Giang, Lào Cai.

Tới tháng 3-2016 dừng tiếp một tuyến đường dây ở Móng Cái.

Giải thích về lý do nước ta vẫn duy trì việc mua điện từ Trung Quốc, ông Khu cho biết, khi hệ thống điện gặp khó khăn, việc mua là hiệu quả, giúp giảm cắt điện.

Việc tiếp tục mua điện nhưng ở mức thấp, theo ông Vũ Xuân Khu, là để kết nối hệ thống điện khu vực trong tương lai, cũng để dự phòng khi hệ thống điện có sự cố, nhằm đảm bảo cung cấp điện một cách tốt nhất.

Ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết điện lực, cũng khẳng định hệ thống điện năm nay dù hạn hán, nhiều thủy điện chỉ phát để đảm bảo nước cho hạ du, nhưng do đã có tính toán nên điện sẽ không thiếu.

Được biết, giai đoạn 2011-2015,  Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng, mua 14,7 tỷ kWh của Trung Quốc. Giá mua điện Trung Quốc khoảng 6,08 cents/kWh. Giá điện này thấp hơn giá phát điện của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy chạy khí nhưng cao hơn giá của nhà máy thuỷ điện.

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, trước đây, tốc độ tăng trưởng rất nhanh của nền kinh tế khiến sự phát triển của ngành điện lực Việt Nam không theo kịp. Do vậy, phải mua điện từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam chững lại nên ngành điện mới có cơ hội đáp ứng đủ nhu cầu điện trong nước.

Chính điều này đã khiến cho dư luận rất bức xúc, đó là việc tại sao nước ta đã có thể tự đáp ứng được nhu cầu điện trong nước mà vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá cao, trong khi lại mua điện tại các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở mức giá thấp hơn rất nhiều.

Giải thích về vấn đề này, ông Long cho hay "Việc EVN mua điện từ Trung Quốc là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Do các hợp đồng trước đây là mua có thời hạn, hai bên thống nhất ký đến hết 2015 nên về nguyên tắc giao thương quốc tế, EVN không thể phá vỡ hợp đồng dù dư luận có nhiều bức xúc"

Nhưng theo ông Trần Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM thì  không thể xảo biện do ràng buộc hợp đồng. Đó là lỗi quản lý, khả năng dự báo tình trạng sử dụng điện không chính xác.

Ở đây, đòi hỏi phải vào cuộc điều tra rõ ràng vì sao thừa điện vẫn nhập? Có lợi ích nhóm ở hay có vì lợi nhuận nào khác hay không? Hơn nữa, dù đang phải đi nhập điện nhưng nguồn cung cấp điện hiện nay vẫn chủ yếu là từ các thủy điện trong nước. Vì vậy, không thể lấy giá điện mua của Trung Quốc để tính mức giá bình quân dựa trên mức giá thành bán trong nước.

Huy Bách (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI