“Chủ nghĩa tiêu thụ đang ảnh hưởng giá trị sống giới trẻ”

01/05/2016 - 07:37

PNO - Về lý tưởng sống, tôi cho rằng, không phải giới trẻ thời nay không có lý tưởng sống, mà chỉ là họ đang xa rời lý tưởng sống của thế hệ trước.

Tốt nghiệp kiến trúc sư tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, từng có 10 năm du học ở Ý rồi quay về Việt Nam làm giảng viên đại học; chị Đặng Tố Nga chia sẻ với bạn đọc báo Phụ Nữ một góc nhìn về đề tài người trẻ và lý tưởng sống.

Phóng viên: Là giảng viên đại học, thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, chị thấy lý tưởng sống của giới trẻ ngày nay, thái độ của họ với thời cuộc, với vẻ đẹp (văn hóa, tinh thần cũng như vẻ đẹp thiên nhiên) của đất nước có khác gì so với thời của chị không?

Kiến trúc sư Đặng Tố Nga: Hiện nay, giới trẻ có nhiều điều kiện để hiểu, để yêu và quảng bá vẻ đẹp của non nước Việt. Những chuyến du lịch tự do, tự phát ngày càng nhiều, mà tôi tin là càng đi như vậy, các bạn sẽ càng yêu đất nước mình hơn. Về lý tưởng sống, tôi cho rằng, không phải giới trẻ thời nay đang xa rời thời cuộc, không có lý tưởng sống, mà chỉ là họ đang xa rời lý tưởng sống của thế hệ trước. Lý tưởng của thế hệ cha ông là độc lập tự do, đấu tranh giải phóng dân tộc, còn lý tưởng sống của giới trẻ hiện nay là làm giàu. Mọi xu hướng giải trí, mọi biểu hiện được cho là xa rời những giá trị văn hó a truyền thống của giới trẻ đều thuộc về sự dời chuyển lý tưởng sống đó.

“Chu nghia tieu thu dang anh huong gia tri song gioi tre”
KTS Đặng Tố Nga

* Theo quan sát của chị, sự dời chuyển này có phải là xu hướng tự nhiên - tất yếu không? Và lẽ nào, gia đình và giáo dục đều đứng ngoài nó?

- Theo tôi, vấn đề này không nằm ở gia đình, giáo dục; mà là ở xã hội nói chung. Sự dịch chuyển của xã hội đã tạo ra sản phẩm là một thế hệ sống theo chủ nghĩa tiêu thụ. Tôi không chắc rằng sự dời chuyển sang lý tưởng làm giàu của giới trẻ là tất yếu, nhưng “phải dời chuyển, phải khác đi” - đó là lẽ tất yếu của mọi việc, kể cả lý tưởng sống. Thực tế là do xã hội thay đổi thì con người cũng thay đổi theo, nhất là thế hệ thanh niên. Có điều, thời nào cũng vậy, khi người lớn nhìn về giới trẻ thì luôn nhận xét: bọn trẻ bây giờ không được như mình ngày xưa.

* Theo chị thì chủ nghĩa tiêu thụ chính là cách lý giải cho những biểu hiện vị vật chất ở giới trẻ, nhưng nó lại không đến từ giáo dục hay nếp sống của gia đình. Vậy, chủ nghĩa này đến từ đâu, thưa chị?

- Nó đến từ cách mà người ta diễn đạt giá trị con người ở khắp mọi nơi, trên truyền thông và trong những đám đông. Bạn có thể thấy, hiện nay, người ta dễ dàng ghi nhận “đẳng cấp” của một người thông qua những thứ họ khoác lên người, như là cái túi LV, cái khăn Hermes hơn là việc người ta hiểu biết, giỏi giang. Sâu xa hơn, xã hội này đang diễn biến theo những nước cờ của nền kinh tế thị trường - mà sự tiêu thụ, chảy trôi của hàng hóa chính là lẽ tồn tại.

Những đoạn quảng cáo, những bộ phim thần tượng đều cho thấy cái hào quang của cuộc sống giàu sang. Người tiếp nhận tin và theo đuổi hào quang đó cũng là điều dễ hiểu và chính đáng. Nhưng khi xem nó là giá trị sống, lý tưởng sống, thì cuộc theo đuổi đó sẽ đưa đến một cuộc sống mất cân bằng, lệch lạc.

Dễ thấy nhất là hiện nay, có những người trẻ làm việc quần quật cả năm trời, chỉ để được ở vài ngày trong resort năm sao. Có người, vì cần uy tín trong công việc mà buộc phải xài sang, để khẳng định đẳng cấp. Điều đó sẽ khiến họ bỏ mất những giá trị giản dị và có thật trong cuộc sống hàng ngày. Và dĩ nhiên, không có vị trí nào cho những giá trị văn hó a, lịch sử hay bản sắc dân tộc trong cuộc theo đuổi đó.

* Từng trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài, theo chị, lòng yêu nước và những hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc có ý nghĩa như thế nào với một người trẻ?

- Chỉ cần ra nước ngoài, bạn sẽ cảm thấy mình rất tệ nếu không hiểu về sử Việt. Lạ một điều là mọi người bạn nước ngoài, khi biết tôi là người Việt, đều rất hay hỏi về lịch sử Việt Nam, họ nhận thức rất rõ giá trị của những trang sử Việt. Có cô bạn người Venezuela vừa gặp tôi đã reo lên: “Việt Nam là dân tộc thông minh nhất thế giới đấy!”, rồi cô tự kể ra những sự kiện lịch sử để dẫn chứng cho điều đó. Một lần, tôi chứng kiến sinh viên Ý xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Iraq. Khi thấy sinh viên xứ người giương cao khẩu hiệu: “Iraq sẽ là một Việt Nam thứ hai!”, tôi đã bật khóc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI