Vụ 18 tàu thép hỏng nặng: Tàu không đúng tiêu chuẩn vẫn ‘lọt cửa’ đăng kiểm?

23/06/2017 - 11:47

PNO - “Hầm đá không đủ lạnh mới ra khơi mấy ngày mà tan hết 1.200 cây đá, máy thủy nhưng đơn vị đóng tàu lại lắp máy bộ… Như vậy cũng được đăng kiểm cho qua rồi giao cho ngư dân", ông Khanh bức xúc.

Chiều 22/6, Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép nằm bờ tại Bình Định công bố kết quả làm việc sau thời gian 16 ngày kiểm tra thực tế tại các con tàu này. Việc thẩm định nguồn gốc xuất xứ, chất lượng các sản phẩm đã được xác định và chỉ rõ những hư hỏng…

Vu 18 tau thep hong nang: Tau khong dung tieu chuan van ‘lot cua’ dang kiem?
Một trong những tàu vỏ thép hỏng nặng, không thể ra khơi của ngư dân Bình Định.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân, khắc phục sự cố được Tổ công tác đề xuất rõ ràng. Cùng với đó là trách nhiệm của Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) mà cụ thể là Trung tâm đăng kiểm tàu cá cũng được đặt ra.

Hầu hết tàu bị hư hỏng đều thuộc Tổ đăng kiểm số 3

Kết quả từ Tổ công tác thẩm định công bố 12 đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu được đóng từ thép loại A của Hàn Quốc bị rỉ sét tự nhiên,  5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) được đóng từ thép Trung Quốc bị rỉ sét nghiêm trọng.

Về máy chính có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (05 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 04 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết: bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt.

Vu 18 tau thep hong nang: Tau khong dung tieu chuan van ‘lot cua’ dang kiem?
Hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ tại Bình Định đều được Tổ số 3 đăng kiểm.

Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy. Hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định.

3 máy chính tàu hiệu DOOSAN 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên trong quá trình hoạt động không ổn định, động cơ bị nóng. Trong 03 máy, có 01 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ-99245-TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston). Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 03 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Tổ thẩm định dã nhận được thư của hãng Doosan xác nhận 2 model trên là giống nhau.

5 máy chính của 5 tàu hiệu Mitsubishi S6R-MPTK công suất 811 HP, qua kiểm tra thực tế, các máy chính và các bộ phận liên quan là khối đồng nhất, thông số kỹ thuật ghi trên nhãn mác máy trùng khớp với thông số do hãng Mitsubishi công bố. Hiện các máy chính lắp trên các tàu đều hoạt động ổn định.

Vu 18 tau thep hong nang: Tau khong dung tieu chuan van ‘lot cua’ dang kiem?
Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Đào Hồng Đức thừa nhận trong quá trình đăng kiểm có sai sót và nhận trách nhiệm, kiểm điểm. Tuy nhiên chịu trách nhiệm thế nào với thiệt hại của ngư dân ông Đức chưa trả lời được.

Trang thiết bị hàng hải, khai thác trên nhiều tàu không đáp ứng yêu cầu. Mày dò ngang hoạt động không ổn định, hệ thống đèn không đúng công suất, hầm bảo quản không đạt chất lượng.

Tàu không đạt chuẩn vẫn dễ dàng "qua cửa" đăng kiểm?

Ngư dân Lê Văn Thải (Cát Khánh, Phù Cát), chủ tàu BĐ 99016 TS, nói: “Phần vỏ tàu, thân tàu không bị rỉ sét như các tàu khác. Tuy nhiên, máy chính hiệu Mitsubishi model S6R2 – MPTA công suất 940HP được lắp trên tàu của tôi không phải là máy thủy Mitsubishi chính hãng và hoạt động không ổn định. Tàu thiết kế lưới vây nhưng khi đánh lưới toàn bị cuốn chân vịt. Từ khi nhận tàu vỏ thép đến giờ thời gian đa phần toàn nằm bờ vì sự cố, lúc ra biển cũng không thể kéo lưới phải quay về”.

Bức xúc vì còn tàu tiền tỷ nhanh hư hỏng, hệ thống máy, trang thiết bị hàng hải, khai thác không đảm bảo chất lượng, ngư dân Đinh Công Khánh (Phù Cát), chủ tàu BĐ 99086 TS nói: “Hầm đá không đủ lạnh mới ra khơi mấy ngày mà tan hết 1.200 cây đá. Máy chính trên tàu không phải chính hãng của Mitsubishi, mà máy thủy nhưng đơn vị đóng tàu lại lắp máy bộ. Giàn đèn lắp trên tàu cũng không đúng công suất thiết kế…

Vu 18 tau thep hong nang: Tau khong dung tieu chuan van ‘lot cua’ dang kiem?
Ngư dân Đinh Công Khánh bức xúc với hệ thống máy và bóng đèn trên tàu liên tục bị hư hỏng.

Như vậy mà cũng được đăng kiểm cho qua rồi giao cho ngư dân. Chúng tôi là dân thường không am hiểu kỹ thuật mới tin vào đơn vị thiết kế, đơn vị đóng tàu và dưới sự bảo hộ của cơ quan nhà nước là Trung tâm đăng kiểm. Cuối cùng thứ ngư dân nhận được là một con tàu hỏng hóc”.

“Con tàu mới đóng chưa tới năm mà hư hỏng, rỉ sét nặng không chấp nhận được”, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99567 TS nói về con tàu gần 18 tỷ đồng được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đang nằm bờ ở cảng Đề Gi suốt thời gian qua.

Trùng hợp 12/17 tàu cá nằm bờ của ngư dân Bình Định đều do Tổ đăng kiểm số 3 Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) đăng kiểm. Phía Tổng cục thủy sản cho biết, Tổ đăng kiểm số 3 được Trung tâm đăng kiểm giao trách nhiệm kiểm tra an toàn kỹ thuật trong đóng mới tàu cá tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu là những đăng kiểm viên có chuyên môn về chế tạo máy, về vỏ tàu, về máy tàu… và đủ năng lực làm việc.

Ngư dân đặt nghi vấn cán bộ đăng kiểm viên đủ năng lực, chuyên môn… nhưng không phát hiện ra việc các máy thủy bị cải hoán từ máy bộ, hay chất lượng thân tàu, vỏ tàu, thiết bị hàng hải không đảm bảo yêu cầu? Trước vấn về này, ông Đoàn Hồng Đức – Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) thừa nhận đăng kiểm viên trong quá trình đăng kiểm có sai sót.

“Trong quá trình kiểm tra mà đăng kiểm viên có gây khó khăn thì yêu cầu bà con ngư dân phản ánh tới Trung tâm. Riêng sự cố tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định, cơ quan đăng kiểm phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra an toàn kỹ thuật con tàu. Đăng kiểm viên có sai sót trong quá trình kiểm tra, ví dự kiểm tra máy tàu trên hồ sơ, kiểm tra thực tế… Chúng tôi đã kiểm điểm vấn đề này, đồng thời tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đăng kiểm viên”, ông Đức cho biết.

“Ngư dân ra khơi bám biển ngoài kế sinh nhai còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chiếc tàu vỏ thép là hành trang cho họ vững tin nơi đầu sóng ngọn gió, mà chất lượng của nó như những chiếc tàu vừa qua ở Bình Định thì không chấp nhận được.

Sau hội nghị này, tôi kiến nghị lên Bộ phải có biện pháp sớm giải quyết để ngư dân vươn khơi. Trong thời gian ngư dân không thể ra khơi vì tàu hư hỏng, đơn vị đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngư dân. Tôi cũng chỉ đạo công an tỉnh báo cáo Bộ công an vào cuộc điều tra”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu phát biểu tại Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ –CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ 

Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI