Tình yêu thương - bổ trợ quý giá trong trị trầm cảm

19/03/2018 - 19:26

PNO - Trầm cảm là căn bệnh của xã hội hiện đại nhưng không phải người bệnh nào hay người thân của họ đều có hiểu biết đầy đủ để tránh làm bệnh nặng hơn, dẫn đến sự cố đau lòng.

Chúng tôi đã trao đổi với thạc sĩ sức khỏe tâm lý Nguyễn Thanh Hà - đại diện tại Việt Nam của Beautiful Mind Vietnam (Dự án Tình nguyện vì cộng đồng người có vấn đề về sức khỏe tâm lý tại Anh, Singapore và Việt Nam) - xung quanh vấn đề nhận diện bệnh và các phương pháp có thể hỗ trợ.

Tinh yeu thuong - bo tro quy gia  trong tri tram cam
 

- Hiện nay, rất nhiều gia đình xáo trộn khi có người mắc bệnh trầm cảm và càng trầm trọng hơn khi họ không nhận diện đó là một rối loạn tâm lý (RLTL) mà xem như một sự thay đổi tính cách của người thân. Theo chị, sự nhầm lẫn này tác động thế nào đến người bệnh? 

- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà: Trường hợp nhầm lẫn này xảy ra rất phổ biến và khá tai hại. Nếu bị nhầm lẫn là một sự thay đổi tính cách, người mắc trầm cảm sẽ không được chữa trị kịp thời. Khi bị xem là đã “đổi tính”, người mắc trầm cảm có thể sẽ càng cảm thấy bất lực hơn với tình trạng của mình, cảm giác không ai hiểu mình sẽ khiến họ tự cô lập bản thân hơn. Từ đó, tình trạng bệnh có thể trầm trọng hơn.

- Thưa chị, khi xã hội nhận thức về trầm cảm như một căn bệnh thực sự thì việc phát hiện mình mắc bệnh trầm cảm có làm tình trạng của người bệnh xấu đi?

- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà: Theo kinh nghiệm tiếp xúc với các bệnh nhân mắc trầm cảm, tôi thấy việc hiểu ra rằng mình bị trầm cảm giúp cho một số người cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn. Điều kỳ lạ này là do hoàn cảnh ở Việt Nam, nhận thức và kiến thức về RLTL hay trầm cảm vẫn chưa phổ biến.

Do trước đây, các bạn không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, cũng như xã hội Việt Nam thường kỳ thị những người hay buồn rầu vì cho rằng, đó là người yếu đuối; vô hình trung làm cho các bạn mắc trầm cảm hay rối loạn lo âu hiểu nhầm rằng, mình là người yếu đuối và tự oán trách bản thân mình. Khi các bạn nhận ra mình đang mắc phải một chứng bệnh cụ thể, các bạn sẽ bớt hoang mang hơn, cũng như hiểu được tình trạng bản thân mình hơn. 

- Theo tìm hiểu của chúng tôi, trầm cảm tác động tiêu cực đến người thân của bệnh nhân. Tâm lý trị liệu hiện đại có phương án hỗ trợ (hoặc chữa trị) tâm lý nào cho thân nhân người bệnh không? 

- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại trên thế giới có khá nhiều phương án hỗ trợ cho người thân của người mắc RLTL. Một trong những chương trình được biết tới nhiều nhất là Al-Anon nhằm giúp đỡ người thân của người mắc chứng nghiện rượu bia. Chương trình tạo không gian cho người tham gia chia sẻ với nhau các vấn đề khi sống chung hoặc tiếp xúc thường xuyên với người mắc chứng nghiện rượu bia, cũng như trao đổi cách giải quyết và nâng đỡ tinh thần lẫn nhau. 

Ở Việt Nam, thân nhân của người bệnh chưa được chú ý hỗ trợ nhiều. Đây cũng là điều Beautiful Mind Vietnam quan tâm. Chúng tôi đang nỗ lực nâng cao nhận thức và kiến thức cho thân nhân về RLTL mà người nhà họ mắc phải. 

- Có ranh giới nào để nhận ra hành xử thái quá của người có thể là RLTL chứ không phải biểu hiện tính cách bất thường?

- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà: Để có thể biết được mình có mắc RLTL hay không, cần tới các chuyên gia như bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý lâm sàng (xin lưu ý là “bác sĩ tâm thần”, không có bác sĩ tâm lý như nhiều người vẫn lầm tưởng). Câu hỏi đặt ra là làm sao biết khi nào nên tham khảo ý kiến chuyên gia để tìm hiểu xem mình có mắc RLTL hay không.

Trong 45 năm qua, tỷ lệ những vụ tự tử tăng tới 60% trên toàn cầu. Hơn 90% người tự tử đều có nguyên nhân từ rối loạn tâm thần. Tự tử cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trong độ tuổi 15-44. 

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một người có thể có vấn đề tinh thần và tâm lý, khác với tâm trạng tiêu cực thông thường (như lo âu trước kỳ thi, hay buồn khi gặp chuyện không may). 

Một số dấu hiệu thường thấy như: buồn rầu, lo âu kéo dài, hay tâm trạng thay đổi liên tục, không có khả năng tập trung, không thể suy nghĩ tỉnh táo và cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp như dễ nổi cáu hay không muốn gặp ai. Một người không nhất thiết phải có toàn bộ những dấu hiệu trên thì mới gọi là có vấn đề về tâm lý.

Để nhận ra chúng ta có nên tham khảo chuyên gia hay không, nên nhìn nhận và đánh giá xem các triệu chứng tiêu cực này đã kéo dài chưa, có vì lý do gì không, có làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc và giao tiếp của chúng ta không.

Đối với những người mắc RLTL, thậm chí những công việc đơn giản nhất như ngồi dậy, đánh răng, rửa mặt cũng trở nên cực kỳ khó khăn. Những triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể là xuất hiện ý muốn làm đau bản thân hoặc tự sát.

- Trầm cảm có thể tự chữa lành bằng tình yêu thương không, thưa chị?

- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà: Tình yêu thương là một sự bổ trợ rất quý giá cho người bệnh trong quá trình chữa trị. Nếu có hiểu biết, quan tâm đúng cách từ người thân, người bệnh có thể khá hơn rất nhiều. Nhưng đáng buồn, người thân của những người mắc các bệnh tâm lý thường không có hiểu biết đúng về những bệnh này, dẫn đến gánh nặng và gây đau khổ không đáng có cho người bệnh.

Nhiều người bệnh hoặc gia đình người bệnh vẫn còn mê tín dị đoan nên khi mắc bệnh không đi khám hoặc tư vấn kịp thời. Tôi biết có những người bệnh vẫn âm thầm chịu đựng hàng năm trời và chất lượng cuộc sống bị phá hủy nghiêm trọng - tất cả chỉ vì không có đủ thông tin và không có cộng đồng hỗ trợ. Họ quá xấu hổ và sợ hãi để tâm sự cho bất cứ ai vì sợ bị trách móc, định kiến... 

Khi nhận ra người thân mình có những biểu hiện khác thường như im lặng không muốn nói chuyện, hay tỏ ra bực bội, cáu gắt hoặc có vấn đề trong việc ăn ngủ, công việc/học tập thì tốt nhất ta nên hỏi thăm nhẹ nhàng và chân tình. Không nhất thiết phải là do RLTL, những người có biểu hiện như vậy khả năng lớn là đang gặp vấn đề trong cuộc sống. Việc ta hỏi thăm và chia sẻ có thể giúp ngăn ngừa, cũng như giúp sự căng thẳng, lo âu, buồn rầu của họ không trở nên nghiêm trọng, kéo dài và phát triển thành RLTL. 

Điều đáng nói là, nhận thức, định kiến về bệnh tâm lý của xã hội lên người bệnh còn nặng nề. Trong khi về mặt bản chất, bệnh tâm lý cũng như những chứng bệnh khác của con người và đều có đặc điểm chung: không ai muốn vậy, nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 450 triệu người mắc các rối loạn tâm lý khác nhau trên toàn thế giới. Tâm thần phân liệt, trầm cảm, khủng hoảng tinh thần và các rối loạn lạm dụng chất kích thích khác chiếm tới 13% tổng số bệnh dịch trên toàn thế giới, vượt qua cả ung thư và các bệnh về tim mạch.

Vào năm 2030, trầm cảm sẽ trở thành gánh nặng lớn thứ hai cho các nước có thu nhập trung bình và lớn thứ ba ở các nước có thu nhập thấp. Tại Mỹ, những người bị các rối loạn tâm lý, tâm thần dạng nặng có tuổi thọ trung bình thấp hơn 25 năm so với những người bình thường.

Thanh Tân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI