Tỉnh ủy chỉ đạo điều tra dấu hiệu tiêu cực vụ tuyển dụng dôi dư hơn 600 giáo viên

16/03/2018 - 16:30

PNO - Trước những phản ánh của nhiều giáo viên, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đang chỉ đạo điều tra, lãm rõ dấu hiệu tiêu cực trong vụ tuyển dụng dôi dư hơn 600 giáo viên.

Trước những thông tin, phải mất “phí” để được dạy hợp đồng mà nhiều giáo viên huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) phản ánh những ngày gần đây, sáng 16/3, ông Ê Ban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Bên cạnh đó, ông Ê Ban Y Phu, cũng cho biết vẫn đang tích cực chỉ đạo xử lý tình trạng dôi dư giáo viên tại huyện Krông Pắk.

Trước đó, từ năm 2011-2016, dù không có chỉ tiêu biên chế nhưng Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vẫn liên tục ký hợp đồng lao động đối với 605 giáo viên ở ba cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non.

Trong số hơn 600 giáo viên được tuyển dôi dư nói trên, không ít người phản ánh về việc phải tốn “phí” để được dạy hợp đồng nhưng vẫn không thoát khỏi nguy cơ mất việc.

Thậm chí, gần chục giáo viên tại trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) còn bức xúc, phản ánh về việc bị “chia sẻ” tiền lương. Sự việc này chỉ được phát hiện khi các giáo viên so sánh số lương nhận được tại trường và bảng lương thực nhận tại Kho bạc nhà nước huyện Krông Pắk.

Tinh uy chi dao dieu tra dau hieu tieu cuc vu tuyen dung doi du hon 600 giao vien
Trường THCS Ngô Mây.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thanh Diệu (giáo viên trường THCS Ngô Mây) không giấu được sự phẫn nộ của mình: “Theo như tìm hiểu của chúng tôi thì tình trạng lương của giáo viên hợp đồng bị “bớt xén” diễn ra từ năm 2015 chứ không phải đến nay mới có.

Vậy con số chênh lệch tiền lương giữa bảng lương tại nhà trường và kho bạc đã đi đâu? Khi chúng tôi phản ánh về việc này thì theo lời hiệu trưởng và kế toán, do thiếu ngân sách nhưng rõ ràng nhìn bảng danh sách lương thì không hề thiếu ngân sách.

Mặt khác, họ lại trả lời, cắt lương của chúng tôi để trả cho những giáo viên hợp đồng khác không có lương và biên chế mới về chưa được hưởng lương. Sau đó, khi thầy hiệu trưởng hứa sẽ trả lại số tiền chênh lệch đó cho chúng tôi nhưng đến nay qua một thời gian dài số tiền đó vẫn “không cánh mà bay”.

Ở một diễn biến khác, có thông tin cho rằng nhân viên kế toán của trường THCS Ngô Mây làm theo chỉ đạo của ông Huỳnh B. (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây) là rút toàn bộ tiền của các giáo viên hợp đồng có quyết định của huyện về rồi chia đều cho các giáo viên hợp đồng do hiệu trưởng tự tuyển.

Vào sáng 16/3 phóng viên liên hệ với nhân viên kế toán của trường THCS Ngô Mây để làm rõ thông tin phản ánh nói trên thì nhận được câu trả lời: “Hiện thanh tra và công an đã vào cuộc, tôi đang làm việc với họ nên không trao đổi được. Đúng, sai gì thì đợi kết luận của các cơ quan chức năng thì biết, ai sai người ấy chịu”.

Tiếp tục liên hệ với ông B. nhiều lần nhưng không nhận được câu trả lời.

Theo ông Dương Đăng Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, ông B. đang nghỉ ốm, còn việc chi lương cho các giáo viên này Ban giám hiệu và công đoàn ngành đã nắm từ trong năm và đang xác minh.

Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk, cho biết khi phòng nhận được đơn phản ánh của các giáo viên và cho kiểm tra thì phát hiện ông B. chỉ đạo kế toán lập hai bảng lương. Hiện phòng đã lập tờ trình để báo cáo, tham mưu UBND huyện chỉ đạo, xử lý tiếp theo.

Như đã đưa tin trước đó, ngoài vấn đề các giáo viên phản ánh bị “chia sẻ” tiền lương, cơ quan CSĐT Công an huyện Krông cũng đang điều tra, làm rõ nội dung tố cáo ông ông Huỳnh B. (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây) nhận 300 triệu đồng tiền “chạy việc”.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI