Xe buýt nhanh nhanh hơn 5-10 phút: Củng cố xe buýt thường còn tốt hơn

23/12/2016 - 10:03

PNO - Vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên tạm dừng không phát triển xe buýt nhanh nữa, bởi chi phí đắt, hiệu quả lại không cao, thời gian không hơn xe buýt thường là bao nhiêu.

Đắt hơn cả đường cao tốc

Tiếp tục chia sẻ xung quanh việc Hà Nội đưa vào vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa – Kim Mã từ 1/1/2017, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông cho rằng, khoảng 3 năm trước ông đã từng kiến nghị không nên triển khai tuyến xe buýt nhanh tại thủ đô nhưng Hà Nội không nghe.

Ông cho rằng, các nhà khoa học đã cảnh báo không nên phát triển quá nhanh, quá mạnh các tuyến xe buýt nhanh bởi điểu này sẽ khiến cho tình trạng ùn tắc sẽ tăng lên, tạo ra những bất cập chứ không hề đơn giản.

So sánh với nhiều nước trên thế giới đã triển khai loại hình này, TS Thủy cho rằng, các nước chỉ triển khai ở những tuyến có thể xây dựng được.

"Kinh nghiệm từ các quốc gia này đó là họ đầu tư những tuyến đương riêng, mặt cắt phải rộng ít nhất phải từ 25-30m, lúc đó xe buýt nhanh mới phát huy được tác dụng. Trong khi đường phố Hà Nội là phố cổ, trung tâm mặt cắt có có từ  7-11m. Hơn nữa ở Việt Nam xe máy, ô tô tràn lan đầy đường nhiều phương tiện như vậy làm sao ép xe buýt đi nhanh được?", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Xe buyt nhanh nhanh hon 5-10 phut: Cung co xe buyt thuong con tot hon
Sắp chạy thử tuyến xe buýt nhanh tại Hà Nội. Ảnh: Dân trí

TS Thủy nhấn mạnh: “Mở ra tuyến xe buýt nhanh mà lại cấm các phương tiện khác như taxi, xe máy, ô tô hoạt động trong khu phố đó thì còn ý nghĩa gì nữa? Chống cái này thì chỗ khác lại xảy ra ùn tắc. Đó là cái sai lầm.

Thứ hai là Hà Nội muốn chứng tỏ ta đúng nên họp báo ngay. Họ thông báo xe buýt nhanh 5-10 phút so với buýt thường thì càng thấy bất cập. Vì một tuyến đường bỏ ra đến 55 triệu USD (khoảng 1100 tỷ đồng) mà nhanh hơn có 5 phút thì nên buồn chứ có gì vui?".

Vị chuyên gia tính toán, hiện nay mỗi cây số xe buýt nhanh trị giá gần 4 triệu USD, tương đương khoảng 80 tỷ/km. Ông cho rằng như vậy quá đắt, đắt hơn cả đường cao tốc.

"Việc thông báo này tôi cho rằng rất buồn cười. Nhanh 5 phút cũng là vì có đường riêng và cấm các xe khác đi vào. Tính như vậy thì ý nghĩa và hiệu quả quá thấp", TS Thủy nói.

Một vấn đề nữa được chuyên gia nhấn mạnh, đó là việc hiệu quả thể hiện ở số người đi. Theo ông, số người dân tin và chọn đi xe buýt nhanh điều đó mới quan trọng. Nếu chỉ có tốc độ không thì không giải quyết được vấn đề gì. Triển khai xe buýt nhanh nhưng trên xe có dăm mười người thì hiệu quả nó không thực chất.

Nên phát triển xe buýt thường

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông thẳng thắn bày tỏ, Hà Nội cần phải thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như người dân về phương tiện xe buýt nhanh.

Chứng minh quan điểm Hà Nội không nên tiếp tục phát triển xe buýt nhanh, TS Thủy đưa ra một bài học, trước đây trên địa bàn thủ đô đã có 1 tuyến xe buýt nhanh từ Hà Đông đi Ngã Tư Sở. Tuy nhiên hoạt động không hiệu quả nên bắt buộc phải dừng lại.

“Chúng ta không rút kinh nghiệm mà làm tiếp tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã này. Như vậy rất lãng phí vì hiệu quả thực tế không cao. Bây giờ công trình đã làm rồi, phê phán cơ quan chức năng cũng chẳng được gì nữa. Hà Nội phải rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư lên. Tiền là mồ hôi nước mắt của người dân nên phải sử dụng hợp lý, không thể đổ tiền vào chỗ lãng phí như vậy. Phải có người chịu trách nhiệm, không nên đổ cho tập thể”, TS Thủy nêu quan điểm.

Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên tạm dừng không phát triển xe buýt nhanh nữa, bởi phát triển mỗi tuyến hàng nghìn tỷ, hiệu quả lại không cao, thời gian không hơn xe buýt thường là bao nhiêu.

"Theo tôi, Hà Nội nên tiếp tục phát triển xe buýt thường, chỉnh trang lại các tuyến, quy hoạch lại mạng lưới để có sự điều chỉnh phù hợp. Hiện nay có nhiều tuyến rất thưa người đi mà vẫn cho nhiều xe hoạt động trong khi nhiều nơi không có xe buýt, hoặc xe buýt chưa bao phủ cả thành phố.

Cùng với đó nên cải thiện chất lượng xe và thái độ phục vụ của nhân viên. Chúng ta nên thay thế dần các xe chạy diesel bằng xe buýt chạy điện như ở TP.HCM thì tốt hơn.

Tôi khẳng định, việc củng cố xe buýt thường tốt hơn là đầu tư xe buýt nhanh, tránh tình trạng lãng phí khi nâng chi phí đầu tư lên hàng chục lần nhưng chất lượng và hiệu quả không hơn”, TS Thủy nhấn mạnh.

Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI