Hai bức ảnh của những Anh hùng

29/11/2016 - 12:24

PNO - Ra đi ở tuổi 90, Fidel Castro đã để lại niềm tiếc thương cho nhiều thế hệ người Việt. Là tượng đài người cộng sản chân chính, ông ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, và lối sống của nhiều phụ nữ Việt.

Hàng loạt trang tin lớn của thế giới ngập tràn nội dung về sự ra đi của Fidel Castro - vị lãnh tụ của cách mạng Cuba vào hôm 26/11 (giờ Hà Nội). Tang lễ của ông sẽ cử hành ngày 4/12 và toàn thể nhân dân Cuba để tang ông trong chín ngày. Ra đi ở tuổi 90, Fidel Castro đã để lại niềm tiếc thương cho nhiều thế hệ người Việt. Là tượng đài người cộng sản chân chính, ông ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, và lối sống của nhiều phụ nữ Việt, trong đó có những nữ anh hùng như Nguyễn Thị Định, Tạ Thị Kiều.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định: Chung một chí hướng

Sinh thời, vị nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định có nhiều kỷ niệm sâu sắc với lãnh tụ Fidel Castro. Ngược lại, ông và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba cũng đã dành cho bà những tình cảm nồng ấm. Sau khi lãnh đạo nhân dân Bến Tre làm nên cuộc đồng khởi, bà Nguyễn Thị Định được biết đến với vai trò người chỉ huy đội quân tóc dài miền Nam, với chiến pháp ba mũi giáp công đánh giặc vô cùng hiệu quả.

Bà là phụ nữ duy nhất được phong tướng, đảm nhận vai trò Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà dẫn đoàn đại biểu Quân đội, Mặt trận, Phụ nữ miền Nam ra thăm miền Bắc. Sau khi dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV, bà cùng đoàn đại biểu đi thăm các tỉnh thành phía Bắc, thăm các nước bạn.

Hai buc anh cua nhung Anh hung
Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng Chủ tịch Fidel Castro năm 1974

Đặc biệt, chuyến thăm Cuba vào tháng 7/1974, vị nữ tướng Việt Nam được Fidel Castro và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón tiếp nồng ấm, chân thành. Tại đây, bà Nguyễn Thị Định được trao Huân chương quốc gia mang tên bãi biển Hirôn. Chuyến đi để lại trong lòng bà ấn tượng sâu sắc, mang dấu ấn đẹp không chỉ tình hữu nghị nồng ấm mà còn có sự đồng cảm giữa hai nhà chỉ huy nổi tiếng, ngùn ngụt ý chí chiến đấu cho lý tưởng cách mạng.

Lúc còn sống, bà thường hay kể lại kỷ niệm chuyến thăm Cuba bằng sự tự hào: “Các đồng chí Fidel Castro - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Cuba, Raul Castro - Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba, các chị Vinma Etpin - Chủ tịch Hội Phụ nữ Cuba, Memba Hémăngđô - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Cuba - Việt Nam đã bắt tay chúc mừng tôi thật chặt. Trong lòng tôi lúc đó trào lên niềm xúc động, tự nhủ chúng ta phải làm sao đáp lại lòng tin cậy và mong muốn của bè bạn trên thế giới”.

Trong nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định ở đường Pasteur có treo bức ảnh bà sánh vai cùng lãnh tụ Fidel Castro. Mỗi khi ngắm bức ảnh ấy, tôi thầm hỏi không biết nhà nhiếp ảnh nào đã chộp được khoảnh khắc lịch sử của hai con người đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Bức ảnh thể hiện thần thái và tâm thế của hai con người có ảnh hưởng to lớn đến quân dân hai nước, dù ở cách xa nửa vòng trái đất mà xiết bao gần gũi, tương đồng.

Từ năm 1969, ở Cuba có làng mang tên Bến Tre tại tỉnh Artemisa. Làng Bến Tre ra đời theo sáng kiến của nhóm sinh viên Việt Nam học tập ở Cuba tham gia lao động tại đây, nhằm tôn vinh tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng. Để đáp lại sự chân tình của nhân dân Cuba, ngày 9/1/1984, tỉnh Bến Tre ra quyết định chọn xã Lương Hòa là địa phương kết nghĩa với Cuba và mang tên Moncada, nơi Fidel Castro, chỉ huy nghĩa quân tấn công chế độ độc tài phát xít Batista.

Ở Cuba có hơn 100 địa danh trường học, làng quê, những cây cầu mang tên Việt Nam, như những biểu tượng về mối quan hệ hết sức đặc biệt giữa hai nước. Ở làng Moncada xã Lương Hòa, Giồng Trôm, hình như nhà nào cũng treo ảnh Fidel Castro với tất cả lòng yêu mến và ngưỡng mộ. Fidel Castro sống thọ hơn nữ anh hùng của chúng ta, dù ông vượt qua 638 cuộc ám sát bất thành, bởi một cơn đau tim đã khiến bà Nguyễn Thị Định ra đi vĩnh viễn vào năm 1992.

Nữ anh hùng Tạ Thị Kiều: Bom đạn cũng xin hàng

Năm 1965, Tạ Thị Kiều trong đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, rồi được thăm các nước bạn. Cô du kích xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre xinh xắn, nhỏ nhắn nhưng có thành tích chiến đấu gây ấn tượng mạnh mẽ với Fidel Castro.

Hai buc anh cua nhung Anh hung
Anh hùng Tạ Thị Kiều cùng Fidel Castro bên hàng rào điện tử Mac Namara, Quảng Trị, năm 1973

Ở tuổi đôi mươi, cô đã tổ chức và tham gia 107 lần đấu tranh chính trị trực diện với địch, chiến đấu 33 trận, không chỉ tiêu diệt mà còn bắt sống hàng chục tên địch có sức vóc to lớn. Trong mắt Fidel Castro, cô gái mảnh mai, nước da trắng hồng, với vòng eo nhỏ nhắn như không thể nào bé nhỏ hơn được nữa là ẩn số của đất nước Việt Nam kiên cường.

Đôi chân bé nhỏ của người con gái Bến Tre ấy cũng từng in dấu trên đất nước của Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Hungari, Cuba… Cô nói: “Đoàn đại biểu Việt Nam năm ấy rất ấn tượng với nước bạn chính vì sự mềm mại. Không có sự thuyết phục nào lớn hơn chính những công việc mà chúng tôi đã làm. Các bạn bày tỏ ngạc nhiên, khâm phục trước những cô gái Việt Nam bé nhỏ, dịu hiền, mà gan góc”.

Lãnh tụ Fidel Castro cũng dành cho nữ anh hùng Tạ Thị Kiều tình cảm rất đặc biệt. Cô không ngờ được gặp lại người lãnh đạo cao nhất của Cuba, khi năm 1973, Fidel đến thăm Việt Nam, lú c cuộc chiến tranh đang rất ác liệt. Tạ Thị Kiều được cùng ông đến Quảng Trị, thị sát sự thất bại của quân đội Mỹ. Hàng rào điện tử Mac Namara bị vô hiệu bởi những người Việt bé nhỏ nhưng ngùn ngụt ý chí thống nhất.

Năm 1985, Fidel Castro đích thân thông qua Bộ Ngoại giao mời đích danh Tạ Thị Kiều tham quan Cuba. Với cô, đó là vinh dự vô cùng to lớn. Bức ảnh nữ anh hùng Tạ Thị Kiều chụp cùng Fidel Castro bên hàng rào điện tử Mac Namara đã nói lên tình cảm đặc biệt lãnh tụ Cuba dành cho người nữ anh hùng miền Nam. Nữ anh hùng Tạ Thị Kiều mất năm 2012, cũng vì bệnh tim.

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI