Chúng tôi muốn! Cải thiện tình trạng ngập úng. Có nhiều nhà dành cho người thu nhập thấp...

27/10/2016 - 07:36

PNO - Ngổn ngang những mong mỏi đến bí bách của người dân thành phố, hàng ngày mòn mắt chờ cuộc sống đổi thay. Vậy thì lẽ gì ước muốn của họ cứ ngày càng trở nên xa xôi...

LTS: Người mẹ trẻ hoảng loạn quờ quạng tìm con trong đêm khi chiếc xe máy bị dòng nước cuốn đi. Bao người quá nửa đời chưa có một nơi nương náu. Những căn nhà ổ chuột hôi hám như thách thức niềm hy vọng. Hàng chục người bệnh cắn răng chia nhau một giường nằm trong bệnh viện. Âu lo trên vầng trán những người trẻ khi cơ hội việc làm như trêu ngươi. Nỗi tuyệt vọng nhìn người thân tử vong trên xe cấp cứu vì kẹt đường...

Làm thế nào để sau một đêm thức dậy, không còn nỗi ám ảnh đeo đuổi mình bao ngày tháng? Ngổn ngang những mong mỏi đến bí bách của người dân thành phố, hàng ngày mòn mắt chờ cuộc sống đổi thay, mà họ đâu phải ngồi yên để chờ, chính họ đã và đang nuôi nấng thành phố này - thành phố của hội tụ bao miền, và gánh gồng muôn vàn trách nhiệm cùng cả nước. Vậy thì lẽ gì ước muốn của họ cứ ngày càng trở nên xa xôi...

* Theo Trung tâm Quản lý và điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, trong vòng 5 năm tới, TP.HCM cần ít nhất khoảng 1.400 tỷ đồng để cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm TP. Dự án này vừa giải quyết ngập do mưa, vừa chống ngập do triều cường với tổng diện tích khoảng 550km2 ; dự kiến sau khi hoàn thành, sẽ có khoảng 6,5 triệu người hưởng lợi. Còn để chống ngập trên diện rộng, phải cần đến 100.000 tỷ đồng. Nếu các dự án này không được triển khai đúng kế hoạch thì tình trạng ngập ở TP.HCM sẽ còn nghiêm trọng.

 
Ngập úng. Ảnh: Internet
Chung toi muon! Cai thien tinh trang ngap ung. Co nhieu nha danh cho nguoi thu nhap thap...

Ngập úng: kêu ca nhiều, cải thiện chẳng bao nhiêu

Năm nào cũng vậy, cứ mưa xuống là hàng loạt các tuyến đường Phú Thọ Hòa, Sơn Kỳ, Tân Quý, Lũy Bán Bích, Âu Cơ, Trường Chinh, Thoại Ngọc Hầu, Khuông Việt, Ba Vân, Bàu Cát 8... lại bị ngập nặng. Những năm gần đây, tình trạng ngập càng nặng hơn. Sau nhiều trận mưa, đường ngập hơn nửa mét, nước tràn vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc khiến chúng tôi rất khổ sở.

Nhiều năm rồi chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương nhanh chóng có giải pháp chống ngập, nhưng cả chục năm qua chỉ có vài tuyến đường được nâng cấp, đặt cống thoát nước, một số khu vực thì làm nửa vời. Chẳng hạn như các đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Hương, Bình Long... dù đã được nâng cấp nhưng ngã tư Bốn Xã thì vẫn chưa nâng cấp. Một số tuyến đường khác đã nâng cấp nhưng đường nhánh, đường hẻm vẫn vậy nên ngập vẫn hoàn ngập.

Còn hàng loạt tuyến đường như Tân Kỳ Tân Quý, Âu Cơ, Trường Chinh... vẫn chưa thấy sửa sang. Chúng tôi hỏi ra thì được biết nguyên nhân là do thiếu tiền. Không thể chịu nổi cảnh lầy lội, nhiều nơi người dân xin góp tiền cùng chính quyền để làm, nhưng sức dân có hạn nên chẳng giải quyết được bao nhiêu. Tôi chỉ ước hết ngập.

Đào Thị Lan (76/13 đường Phú Thọ Hòa, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú)

* Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện toàn thành phố đang có khoảng 480.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở thuê, ở nhờ. Trong đó, 80.000 hộ là cán bộ, công chức, viên chức; 13.000 hộ bị di dời từ các dự án chỉnh trang đô thị không đủ điều kiện nhận bồi thường hoặc bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại; 300.000 hộ nhập cư chưa có nhà ở... Vì vậy, từ nay đến năm 2020, TP.HCM cần xây dựng ít nhất khoảng 44.700 căn hộ nhà ở xã hội để đáp ứng một phần nhu cầu củ a người dân đang khó khăn về nhà ở.

Để thực hiện được việc này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp và người mua nhà. Cụ thể, cần bố trí ít nhất từ 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.

Mong có nhiều căn nhà dành cho người thu nhập thấp

Tôi ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đến TP.HCM làm việc đã hơn 5 năm nay. Mỗi tháng, tôi phải tốn khoảng một triệu đồng thuê nhà trọ chật chội, ẩm thấp, cuộc sống rất khó khăn. Ước mơ lớn nhất của tôi là có được một nơi ở để an tâm sinh sống, làm việc. Nhưng giá nhà ở TP.HCM quá đắt, trong khi đồng lương công nhân thì còm cõi, không biết bao giờ mới mua được nhà.

Tôi được biết TP.HCM có chính sách cho cán bộ, công nhân, viên chức, người có thu nhập thấp vay vốn với lãi suất thấp để mua nhà ở xã hội. Tôi mong lãnh đạo TP quan tâm xây dựng nhiều căn hộ nhà ở xã hội hơn để người dân nhập cư chúng tôi sớm có được nơi sinh sống ổn định.

Chị Trần Ngọc Bích (22/18 đường Ngô Đức Kế, P.12, Q.Bình Thạnh)

* TP.HCM có 107 bệnh viện (BV), mỗi năm ngành y tế khám và điều trị cho khoảng 40 triệu lượt bệnh nhân. Tình hình quá tải của các BV diễn ra từ nhiều năm qua và có xu hướng tăng. Một số BV có số lượng bệnh nhân đến khám tăng vọt như BV Nhi Đồng 1 có gần 6.700 ca/ngày; BV Nhi Đồng 2 là 5.700 ca/ngày. Thậm chí, ngay cả tuyến quận/huyện cũng có 17 BV có số lượt khám tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2015. Để góp phần giảm tải BV, TP.HCM đang đầu tư kinh phí xây BV Nhi đồng TP.HCM, BV Ung Bướu cơ sở 2 và chuẩn bị sửa chữa, xây nhiều BV khác đã xuống cấp như BV đa khoa khu vực huyện Củ Chi, BV đa khoa Sài Gòn…

Chỉ mong đủ giường bệnh

Vào đầu tháng 10, con trai tôi đã bị viêm tiểu phế quản. Đưa con đến BV Nhi Đồng 1, gia đình tôi đã bị “dội” khi con được xếp chung giường với bốn bé khác. Thật khủng khiếp! Phòng 305 ở khoa Hô hấp chật chội, chỉ có bốn giường và lẽ ra chỉ có bốn trẻ được nằm, nhưng mỗi giường có đến năm bé.

Mỗi giường năm trẻ thì năm bà mẹ cũng ngồi dọc theo chiều dài của giường để mỗi người tự lo cho con mình. Phía trên đầu các bé được tận dụng để đồ dùng cá nhân như tã, khăn giấy, sữa, nước… Bà mẹ nào cũng mệt mỏi, bé này khóc thì các bé kia thức giấc khóc theo. Nhiều phụ huynh không chịu nổi, phải bồng con ra ngoài hành lang nằm. Để có chỗ nằm ở hành lang, nhiều bà mẹ phải lặn lội đi hỏi từng gia đình đã “xí chỗ” trước đó khi nào xuất viện để xin “nhường lại”.

Thấy cảnh tượng hãi hùng này, tôi đã chủ động xin bác sĩ cho con xuất viện để sang BV tư. Nhưng đi ra BV tư thì tôi lại lo, một phần vì viện phí mắc, nhưng quan trọng là tôi rất yên tâm với tay nghề bác sĩ BV Nhi Đồng 1. Tôi không cần BV nhà nước quá sang trọng nhưng ít nhất phải đủ giường cho các bé nằm điều trị.

Nguyễn Thị Vĩnh Bình (xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn)

*Theo số liệu từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2016-2017, TP đưa vào sử dụng gần 2.000 phòng học mới với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Số phòng này chỉ đáp ứng đủ chỗ học, mục tiêu đáp ứng nhu cầu học bán trú và hai buổi/ ngày vẫn còn ngoài tầm tay.

Thiếu phòng học, một lớp “nhồi nhét” hơn 50 học sinh

Con tôi không được xếp học bán trú do thiếu phòng học. Thông thường, có hai cách để giải quyết khó khăn này: thuê người đưa đón con buổi trưa hoặc gửi con ra trường tư học. Chọn cách nào cũng phải tốn thêm tiền. Cái khó này không chỉ riêng gia đình tôi mà rất nhiều người gặp phải vì quận thiếu trường, trường thiếu chỗ trong khi học sinh quá đông.

Lớp nào cũng có sĩ số 50 em trở lên, học sinh ngồi sát bục giảng, lối đi chật hẹp. Phụ huynh rất mong có thêm nhiều phòng học mới để học sinh không phải chịu cảnh nhồi nhét, nhưng cơ quan có trách nhiệm kêu khó vì… thiếu tiền xây dựng. Không biết đến bao giờ mới không còn cảnh nhồi nhét, học sinh được học trong một lớp chỉ có 35 cháu thoải mái và cô giáo cũng dễ dàng quan tâm đến từng học sinh?

Lê Lan Phương (chung cư Ehome 3, Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân)

* Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, đến năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc; trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 625.000 lao động (bình quân 125.000/lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%; hộ nghèo của thành phố chỉ còn 1% và tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo lên 3,5%.

Khó giảm tỷ lệ thất nghiệp

Tôi nhớ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân đánh giá cao lộ trình về đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của TP.HCM. Để thực hiện được các chỉ tiêu này, TP.HCM phải chịu những thách thức không nhỏ.

Nếu ngân sách cắt giảm, chắc chắn các dự án như đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm bị “siết” lại, e rằng những chỉ tiêu của TP.HCM trong 5 năm như đã nêu trong nghị quyết sẽ khó thành hiện thực. Tôi rất mong Quốc hội lắng nghe tâm tư này của người dân TP.HCM.

Đại úy Trần Thị Kiều An (nguyên công nhân cơ khí nhà máy Z751 thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng)

Sao không triển khai dự án ga Bình Triệu?

Dự án ga Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) được phê duyệt từ tháng 3/2002, nhưng đến nay, gần 14 năm vẫn chưa thực hiện. Nhà tôi nằm trong dự án này. Căn nhà chật hẹp, khi gia đình có đám giỗ hay công việc, con cháu về chơi không có chỗ ngồi. Tôi định xây thêm nhưng vướng dự án.

Tôi được biết, ga Bình Triệu nằm trong tuyến Hòa Hưng - Trảng Bom do Cục Đường sắt làm chủ đầu tư. Đoạn từ ga Hòa Hưng đến ga Bình Triệu dài 8,8 km dự kiến vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng xây lắp và 15.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Việc chậm triển khai thực hiện dự án là do thiếu kinh phí, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mong dự án được triển khai, cơ quan chức năng sớm có kế hoạch cụ thể thông báo để người dân di dời, ổn định chỗ ở.

Hoàng Thị Mai (62 tuổi, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức)

Chúng tôi phải tiết kiệm từng giọt nước

Chúng tôi đang sống ở một thành phố lớn nhất nước, nhưng cứ như đang sống trên “đảo hoang”, tiết kiệm từng giọt nước. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng, người dân lại xếp hàng đi mua nước sạch về dùng. Tiền nước phải trả cao gấp hai, ba lần so với giá Nhà nước quy định. Có năm mùa nắng kéo dài, giá nước tăng gần chục lần khiến bà con rất khổ sở. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi gửi đơn đến chính quyền địa phương và công ty cấp nước xin lắp đồng hồ nước, nhưng lần nào cũng vậy, họ báo đã có kế hoạch lắp đặt đường ống cấp nước nhưng chờ vốn. Trong khi chúng tôi đã chờ hàng chục năm qua, không biết phải chờ đến bao giờ nữa.

Anh Lê Quang Danh (194/14/6 Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI