Tiểu thương chợ An Đông 1 mong được cổ phần hóa

22/09/2017 - 11:20

PNO - Những “bầy hầy” kéo dài, dẫn đến cao điểm bãi thị xảy ra trong sáng 19/9, chỉ cho thấy một nguyên nhân: sự yếu kém của ban quản lý chợ.

Vào năm 1991, hơn 2.000 tiểu thương góp tiền xây mới chợ An Đông (tên chính thức hiện nay là Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông, thường gọi chợ An Đông 1, số 34-36 An Dương Vương, P.9, Q.5, TP.HCM). Thời điểm đó, cứ một quầy sạp diện tích 1,5x1,4m, phải đóng 22 triệu đồng.

Tieu thuong cho An Dong 1 mong duoc co phan hoa
Bên trong chợ An Đông 1

Gần 22 năm sau, tháng 4/2013, cũng các tiểu thương tiếp tục đóng góp tiền cho ban quản lý (BQL) để nâng cấp, sửa chữa chợ. Theo tiểu thương, tổng cộng số tiền họ đã đóng là 237 tỷ đồng. Nhưng tháng 5/2015, BQL công bố chỉ thu có 219 tỷ đồng. Đến tháng 11/2016, với lý do nhầm lẫn, số tiền được BQL xác nhận “rụt lại” còn 217 tỷ đồng (?). Quan trọng hơn, sau 4 năm đóng góp, số tiền của bà con bị “đóng băng”, chưa được sử dụng như mục đích ban đầu.

Công trình được gọi là “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” ngốn đến hơn 11 tỷ đồng mà BQL cho biết thi công vào năm 2014, trên thực tế, người dân chỉ có thể trông thấy được mỗi hạng mục 4 cái nhà vệ sinh. Cuối năm 2015, các toilet được đưa vào “vận hành”, vài tháng sau đã hư hỏng. Cuối tháng 4 năm nay, “công trình” bạc tỷ được “chỉ định thầu” này đổ sập, làm một người bị thương. Sự cố đã khiến tiểu thương kéo đến UBND Q.5 bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với BQL chợ.

Vào tháng 1/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi tiếp xúc đại diện tiểu thương và khẳng định số tiền hơn 200 tỷ đồng phải dùng vào mục đích cải tạo chợ. Sau đó, ông Tuyến chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, nghiên cứu thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động của Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2016) xung quanh các vấn đề mà thương nhân khiếu nại.

Ngày 12/5/2017, sau một tháng kiểm tra, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương - công bố số tiền 217 tỷ đồng “còn nguyên”, hiện nằm trong kho bạc nhà nước. Song song đó, UBND Q.5 cũng như BQL đưa ra nhiều hứa hẹn. Như khởi công nâng cấp 4 mặt tiền chợ vào tháng 6, lắp đặt điện kế tại từng quầy sạp trong tháng 8… nhưng đến nay vẫn chưa thấy.

Ngoài số tiền 217 tỷ đồng, việc sửa chợ giậm chân tại chỗ, khiến chợ xuống cấp trầm trọng, buôn bán ế ẩm, nguy cơ trộm cắp, cháy nổ rình rập… còn khá nhiều khuất tất trong thu chi, điều hành của ban quản lý chợ mà chúng tôi đã có dịp phản ánh trong các bài báo trước đây.

Tieu thuong cho An Dong 1 mong duoc co phan hoa

Quá bức xúc, ngày 19/9 vừa qua, hàng nghìn tiểu thương đã bãi thị. Họ yêu cầu bãi bỏ hợp đồng thuê sạp, vì chợ An Đông là chợ truyền thống không thu tiền thuê quầy sạp; công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương và gửi 217 tỷ đồng vào ngân hàng. Văn phòng tiếp công dân của UBND TP đã tiếp nhận đơn của đại diện tiểu thương và hẹn giải quyết trong vòng 10 ngày.

Bà Trần Thị Thu Thùy - tiểu thương hơn 30 năm tại chợ An Đông 1 - cho rằng 217 tỷ đồng là tiền của tiểu thương, nên họ phải được quyền giám sát thu chi. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo thành phố cho rằng, bất cứ tiền nào được thu theo chủ trương của nhà nước đều phải nộp vào kho bạc để hòa vào dòng ngân sách nhằm chi cho cả nước. Không đơn vị nhà nước nào được phép thu tiền, rồi gửi vào ngân hàng thương mại, đó là quy định.

Thứ hai, không thể có chuyện sở hữu sạp, bởi đất chợ là đất công. Đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý. Lãnh đạo thành phố thừa nhận, việc triển khai dự án sửa chợ chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc thủ tục nhà nước còn nhiêu khê, khiến bà con bức xúc.

Về phía tiểu thương, bà Thùy khẳng định, ban quản lý chợ không còn uy tín để người dân có thể tin tưởng trong bất cứ vấn đề nào cả. Và một nguyện vọng nữa, bà Thùy cho rằng, đã đến lúc cần nghĩ đến việc cổ phần hóa chợ nhằm bảo đảm quyền tự chủ của tiểu thương, giúp chợ phát triển. 

Hiểu nguyện vọng của tiểu thương, chia sẻ kịp thời

Hàng trăm tiểu thương chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) từng phản đối dự án xây mới chợ. Dự án này dự kiến sẽ biến chợ Tân Bình thành trung tâm thương mại đa năng cao 17 tầng, cùng với việc xây mới chợ truyền thống Tân Bình, sáu tầng.

Thời điểm ấy (tháng 9/2014), dù hoạt động chợ truyền thống đối diện nhiều khó khăn, nhưng là chợ sỉ chuyên ngành hàng thời trang, nên chợ Tân Bình có lượng khách khá ổn định. Chính vì vậy, khi có  tin UBND quận sẽ giải tỏa chợ, nhiều tiểu thương đồng ý. 

Cuối cùng, ngày 29/9/2014, sau nhiều phiên làm việc, đối thoại với tiểu thương, UBND Q.Tân Bình đã quyết định “xếp lại” dự án xây dựng trung tâm thương mại đa năng và ngôi chợ cao sáu tầng. Đây chính là bài học “xương máu” của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể Q.Tân Bình: cải tạo chợ mà không nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương.

Trong khi đó, hầu hết tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) đang vượt qua những khó khăn từng ngày ở ngôi chợ tạm. Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương ngành hàng bánh mứt, cho biết: “Dù dự án xây dựng lại chợ Bình Tây triển khai chậm, nhưng lãnh đạo quận thường xuyên gặp gỡ tiểu thương, nêu lý do rõ ràng, thuyết phục, nên tiểu thương an tâm”.

Được biết, cuối năm 2016, toàn bộ các sạp kinh doanh trong chợ Bình Tây phải di dời ra chợ tạm để chờ xây, sửa lại ngôi chợ trăm năm tuổi này. Thời gian giải tỏa chợ lại rơi ngay dịp bán hàng tết (tháng 11-12/2016), thế nhưng, với sự vận động, thuyết phục hiệu quả của UBND quận và Ban quản lý chợ, hơn 1.000 tiểu thương đã đồng thuận chấp hành. 

Được biết, ngày 20/9, trong buổi đối thoại với tiểu thương, ông Lê Tấn An, Phó chủ tịch UBND Q.6, đã hứa với tiểu thương, quận sẽ theo sát tiến độ xây dựng chợ, đảm bảo đúng tiến độ, đến tháng 9/2018 sẽ chính thức khánh thành. 

Hạnh Chi

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI