Thực phẩm chức năng giảm cân bị cấm đang tung hoành

21/07/2017 - 12:17

PNO - Hàng loạt thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân đã bị Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấm lưu hành đang được bày bán tràn lan ở VN.

Mới đây, hai trường hợp tử vong do uống TPCN GC tại Anh, và Mexico gây rúng động cộng đồng người tiêu dùng (NTD) Việt.

Thuc pham chuc nang giam can bi cam dang tung hoanh
Quản lý thị trường thường xuyên bắt giữ thực phẩm chức năng giảm cân nhưng thị trường vẫn rất hỗn loạn 

FDA đã phát hiện số lượng nhãn TPCN GC chứa chất độc hại đang tăng lên từng năm với cấp số nhân. Năm 2008: 28 nhãn hiệu. Năm 2013: 72 nhãn hiệu. Đến nay đã lên đến 102 nhãn hiệu và theo cảnh báo đây chưa phải là con số cuối cùng vì trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm (SP) giảm cân mà FDA chưa kiểm tra hết. 

Với hầu hết các SP giảm cân được FDA kiểm tra đều có chứa một hoặc nhiều chất trong nhóm sau: Sibutramine, phenolphthalein, fenproporex, fluoxetine, bumetanide, furosemide, rimonabant, cetilistat, phenytoin. Đây là những chất bị cấm lưu hành trong các SP thương mại ở Mỹ. 

TPCN giảm cân đời mới thu hút người tiêu dùng Việt 

Hàng loạt các SP TPCN giảm cân được bày bán với cả trăm nhãn hiệu và được tiêu thụ mạnh. Ở một vùng ven TP.HCM, chủ nhà thuốc Hải Huy (ấp Tân Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) tiết lộ: trung bình một nhà thuốc nhỏ có thể bán ra từ 70 - 100 SP/tháng.  

Nhiều chủ nhà thuốc ở TP.HCM cho biết, TPCN giảm cân ở dòng bình dân (có giá 250.000 - 450.000đ/SP), thị trường chuộng nhất là các thương hiệu Lishou, Baschi Hồng Thái, Lida,Yanhee có xuất xứ từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Với dòng TPCN giảm cân cao cấp (có giá 590.000 - 2,5 triệu đồng/SP), được tiêu thụ mạnh là những nhãn hiệu Super Fat Burner, MeraTrim, 2Day Diet, OxyElite Pro, 3X Slimming Power… xuất xứ chủ yếu từ Mỹ, Úc. Ngoài ra, thị trường còn có những bộ TPCN giảm cân có giá đến 19 triệu đồng.

Theo lời những chủ nhà thuốc này, TPCN giảm cân hiện nay có nhiều mức giá cho NTD lựa chọn, giá rẻ hơn một-hai năm về trước rất nhiều. Chẳng hạn, cách đây hai năm, Lishou xanh có giá 550.000đ/hộp thì nay giá SP đời mới chỉ  399.000đ/hộp; Best Slim cũ giá 1,6 triệu đồng/hộp nhưng mẫu mới chỉ còn 1,3 triệu đồng. Tuy giá rẻ hơn nhưng những SP mới được quảng cáo có hiệu quả… thần thánh và nhiều công dụng hơn. 

Nắm được tâm lý người mua thường cho rằng “càng tự nhiên càng tốt”, hầu hết các nhà sản xuất đều khẳng định trên vỏ hộp của TPCN giảm cân đời mới là “100% chiết xuất từ thiên nhiên” như trà xanh, quả bưởi hay các loại thảo dược quý. Ngoài giảm cân, những SP này còn có công dụng mới là đẹp da.

Chủ cửa hàng Hải Huy còn khẳng định: “Các SP này cải tiến rất nhiều so với trước. Cách đây hai-ba năm, người uống bị tiêu chảy, tiểu nhiều nhưng hiện nay ngoài cảm giác hết thèm ăn, người dùng thuốc sẽ không gặp những triệu chứng này. Đặc biệt, tốc độ giảm cân mà các loại TPCN đời mới này đem lại rất nhanh. Nếu trước đây, phải mất hai-ba tháng mới thấy hiệu quả thì nay chỉ 10-15 ngày đã giảm được 4-5kg mà không cần phải tập thể dục hay dùng kèm các loại kem tan mỡ”. 

Dạo một vòng các nhà thuốc Tây và cửa hàng chuyên bán TPCN giảm cân ở khu vực H.Hóc Môn, Q.1, Q.10 (TP.HCM), trong 10 nhà thuốc thì đã có bảy nơi khuyên chúng tôi dùng TPCN giảm cân hiệu Lishou. Chủ nhà thuốc Thành Công (đường Cống Quỳnh, Q.1) nói: “Tôi bán Lishou từ ba-bốn năm trước nhưng mỗi năm thuốc này đều có cải tiến mới, năm nay là hiệu quả cực nhanh, bao ăn uống thoải mái mà không gây mệt, mất ngủ. Một hộp 36 viên, uống một viên/ngày. Uống hết một hộp có thể giảm tới 14kg, hiệu quả với mọi cơ địa”.

Nói rồi, chị đưa cho tôi xem ba phiên bản xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Song ngay cả trên SP phiên bản Thái Lan vẫn có một dòng chữ tiếng Anh rất nhỏ là: Made in Baian (Hongkong). Cũng với SP này, người bán tại cửa hàng Hải Huy lại nói, thực chất “made in” này là từ Trung Quốc, cách ghi này chỉ để khiến NTD mạnh dạn uống: “SP giảm cân của Trung Quốc rất ghê, vì NTD thích nên tôi mới mua về bán”.

Hàng cấm vẫn chễm chệ trên quầy kệ 

Hàng loạt các sản phẩm TPCN giảm cân được rao bán tràn lan trên các kênh phân phối, dễ dàng đến với NTD. Việc mua bán trôi nổi, trong tình trạng dường như thiếu kiểm soát này cũng là nguyên nhân của nhiều tai nạn đáng tiếc. Ngày 20/7, Chị S., người nhà chị Ng.T.L. (17 tuổi, ngụ Trà Vinh) vẫn còn ám ảnh cũng độ này một năm trước, chị T.L. đột nhiên khó thở, tím tái toàn thân. Cả nhà lập tức đưa chị cấp cứu BV Đa khoa Trà Vinh. Song chị L. đã tử vong trong đêm vì suy tim nặng.

Các bác sĩ cho biết: chị L. có thể bị suy tim bẩm sinh, không được phát hiện và chữa trị sớm, nhưng cũng có thể trước đó L. uống trà giảm cân quá liều, gây loạn nhịp tim, suy tim. Chị S. kể, lúc L. mới uống hộp trà, L. mệt, đau vùng bụng, khát nước. Nhưng sau đó uống hết hộp trà, L. đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

Mới đây, chị Ng.T.L. (ngụ Q.1, TP.HCM) cũng suýt chết vì sau khi giảm 10kg do uống TPCN giảm cân hiệu Lishou (Đài Loan), chị L. vẫn tiếp tục uống thêm năm ngày, đến ngày thứ 15 thì chị ngất xỉu, may mà đến BV Đa khoa Sài Gòn cấp cứu mới qua khỏi.

Nhắc tới TPCN giảm cân, chị  L.T.Tr. (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) vẫn còn rùng mình, bởi lần cấp cứu mới đây sau khi uống TPCN giảm cân hiệu Yanhee (Thái Lan), liệu trình 12 viên uống, giá 1,4 triệu đồng, chị cũng đã suýt chết nếu không được cấp cứu kịp thời. Bác sĩ cho biết, do chị uống thuốc giảm cân có chứa hoạt chất tương tác với clo trong nước lọc và gây ngộ độc.

Chất Sibutramine tạo cảm giác no và không thèm ăn nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ; Phenolphtalein có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim sung huyết hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành. 

Hàng loạt tai biến do uống TPCN giảm cân đã xảy ra nhưng nhiều người vẫn vô tư bán những SP nằm trong danh sách cảnh báo của FDA (Hoa Kỳ) và của VN. Khảo sát tại các nhà thuốc Tây và cửa hàng chuyên bán TPCN giảm cân, chúng tôi thấy SP Best Slim có chất cấm Sibutramine vẫn đang chễm chệ trên các quầy hàng. Năm 2013, FDA cấm lưu hành và đã buộc thu hồi SP này tại Mỹ.

Năm 2014, Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã có quyết định thu hồi TPCN Best Slim; đình chỉ hoàn toàn việc nhập khẩu và phân phối TPCN này. Tại tiệm thuốc Hải Huy (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn), chủ tiệm còn giới thiệu: “Best Slim có giá hơi đắt, 600.000đ/hộp nhưng giảm cân rất nhanh. Đây là SP của Mỹ nên em cứ yên tâm”. Đặc biệt, trên nhãn phụ tiếng Việt, chúng tôi thấy không có bất kỳ thông tin nào về thành phần, nhà phân phối. 

Không chỉ với Best Slim, Bộ Y tế cũng ban hành các công văn đình chỉ lưu hành 2Day Diet, 3X Slimming Power, OxyElite Pro, Super Fat Burner… có chứa hoạt chất Sibutramine. Song, các loại thuốc này vẫn đang được rao bán công khai. Tại cửa hàng Thế giới giảm cân an toàn (đường 3/2, Q.10, TP.HCM), Super Fat Burner vẫn nằm chễm chệ trên kệ và được rất nhiều người mẫu, ca sĩ nổi tiếng giới thiệu. Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ra công văn yêu cầu thu hồi Super Fat Burner ngay từ tháng 3/2014.

Lập lờ đánh lừa 

Mặc dù bị đình chỉ lưu hành, nằm trong danh sách cảnh báo của FDA nhưng nhiều nhà sản xuất loại TPCN giảm cân này vẫn tìm đủ mọi cách để đánh lừa NTD. 

Ngay sau khi TPCN Best Slim bị cáo buộc chứa chất độc hại thì lập tức nhà sản xuất cho ra đời TPCN giảm cân có tên Best Slim New, Best Slim Plus. Hay như OxyElite Pro vừa bị cấm sau đó có tên OxyElite Pro New và được người bán khẳng định: “Dòng bị cấm là cũ, đây là dòng mới được cải tiến, đã được loại bỏ chất độc hại”. Nhưng theo các chuyên gia, cải tiến là để đánh lừa NTD, bản thân SP thường vẫn chứa Sibutramine để giúp ức chế cảm giác thèm ăn. 

Các nhà phân phối TPCN giảm cân cũng có “muôn hình vạn trạng” cách thức lập lờ trong kinh doanh. Chẳng hạn, khi có quyết định thu hồi, cấm nhập khẩu và phân phối TPCN Best Slim đối với Công ty TNHH TM-DV-XNK Mai Phương US thì SP này vẫn đang lưu hành tại hệ thống nhà thuốc Việt và nhiều nhà thuốc khác với tên tuổi nhà nhập khẩu và phân phối mới toanh: Công ty TNHH MTV TM Best Life.

Một nhân viên tại nhà thuốc Thành Công đã vịn vào đây để thuyết phục khách hàng: “Best Slim bị cấm là của công ty Mai Phương US phân phối, còn Best Slim của công ty Best Life không bị cấm nên cứ yên tâm sử dụng”. Trong khi đó, vỏ hộp thuốc trong thời gian bị thu hồi và hiện nay đều giống nhau.

Ngoài ra, cùng một dòng SP, một nhà phân phối nhưng lại có tới hai địa chỉ khác nhau. Tại nhà thuốc Minh Châu (Trường Chinh, Q.Tân Bình), nhân viên giới thiệu TPCN giảm cân MeraTrim (Mỹ) tốt nhất, bán chạy nhất. Trên nhãn ghi nhà phân phối và nhập khẩu là công ty TNHH Văn Duy Phương, trụ sở tại H.Bình Chánh nhưng lại không có số điện thoại, website để khách hàng liên hệ khi cần. Cũng là dòng SP này nhưng khi mua tại siêu thị Vinmart (đường 3/2, Q.10, TP.HCM) thì địa chỉ nhà nhập khẩu và phân phối lại ở Q.1.

Khi hỏi về điều này, chúng tôi được một nhân viên công ty Văn Duy Phương cho biết, trước đây, công ty đặt trụ sở tại Q.1 nhưng hai năm nay đã chuyển về H.Bình Chánh. SP đang lưu hành tại siêu thị là từ lúc công ty còn ở Q.1. Nhân viên này nói: “Nhà thuốc và siêu thị yêu cầu công ty không ghi số điện thoại lên nhãn phụ vì sợ khách hàng chỉ đặt SP của công ty mà không mua tại siêu thị hoặc nhà thuốc”(?). Trong khi đó, theo Chi cục quản lý thị trường TP.HCM việc không ghi đầy đủ thông tin công ty nhập khẩu và phân phối (địa chỉ, website, số điện thoại…) đã sai về quy định nhãn hàng hóa. 

Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết, hàng tuần Chi cục đều tiến hành kiểm tra tất cả các mặt hàng và phát hiện không ít trường hợp vi phạm liên quan đến các loại TPCN giảm cân giả, không rõ nguồn gốc. Ông Kiếm cũng thừa nhận tình trạng giá cả và chất lượng TPCN nói chung hiện nay và TPCN giảm cân nói riêng rất hỗn loạn.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, có rất nhiều trường hợp tai biến vì TPCN giảm cân nhưng đa số người bệnh đều giấu nhẹm hoặc đến xử lý tai biến tại các bệnh viện đa khoa thay vì tìm đến các bệnh viện lớn. Tai biến thường gặp là cường giao cảm do có chứa thuốc đông y là ma hoàng (ephedra) với các triệu chứng vã mồ hôi, người mệt lả, tim đập nhanh, chóng mặt, tụt huyết áp… Những tai biến này chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết. Tuy nhiên, trường hợp mắc bệnh tim mạch mà dùng bừa bãi thuốc chứa ma hoàng này sẽ rất nguy hiểm, có thể tử vong.

Phát hiện sản phẩm trôi nổi hãy gọi ngay cho Ban quản lý An toàn thực phẩm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Trung Thu - Trưởng phòng thanh tra Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - cho biết, Cục ATTP (Bộ Y tế) sẽ có thông báo cho BQL hoặc Sở Y tế về các sản phẩm thực phẩm chức năng (SPTPCN) nằm trong danh mục cấm hoặc thu hồi của cục. Khi nhận được, BQL sẽ tiếp tục làm thông báo gửi cho tất cả 24 UBND quận huyện và các đơn vị liên quan như quản lý thị trường, hải quan… để phối hợp kiểm soát.

Bên cạnh đó, đối với SP TPCN nhập khẩu, trước khi được nhập vào để lưu thông tại thị trường trong nước, Cục ATTP có trách nhiệm xét duyệt và cấp hồ sơ công bố cho từng mặt hàng. Khi đã có hồ sơ công bố do Cục ATTP ban hành, phía hải quan mới cho thông quan và khi đó, SP mới được lưu thông trên thị trường Việt Nam. 

Ngoài ra, theo ông Thu, kế hoạch của phòng thanh tra luôn phân bổ thời gian và nội dung kiểm tra cụ thể trong từng đợt đối với SP TPCN nói chung và TPCN trôi nổi, “xách tay” nói riêng.

TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP thành phố - khẳng định, nếu thanh kiểm tra trên thị trường phát hiện SP nào không có số đăng ký của Cục ATTP lập tức xử phạt. Đồng thời, BQL chú trọng phối hợp lực lượng QLTT chống hàng gian, hàng giả. Bên cạnh đó, BQL cũng phải tăng cường tuyên truyền trong việc mua bán các SP TPCN ở các nhà thuốc uy tín. 

“Chúng ta nên chọn SP có có đăng ký đàng hoàng, tuyệt đối nói không với hàng xách tay, trôi nổi. Nếu người dân hay cơ quan báo đài phát hiện nơi nào bán những SP trôi nổi này thì gọi ngay vào đường dây nóng số 02839301714 của BQL. Lực lượng thanh tra của ban sẽ đến xử lý”, bà Lan kêu gọi.

Quốc Ngọc

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI