'Tay kéo già huyền thoại' của thời trang Sài Gòn

21/01/2018 - 12:09

PNO - Ông Haive: “Người Sài Gòn xưa cho rằng mặc đẹp là tôn vinh hình dáng cơ thể, còn đa số người Sài Gòn nay cho rằng quần áo đắc tiền là đẹp”.

Nhắc đến ông Haive ắt hẳn người sành điệu ở Sài Gòn thập niên 70 không ai không biết đến ông. Người ta còn đặt cho ông biệt danh “Haive - Tay kéo già huyền thoại” như ngầm công nhận tài năng của Haive.

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Ông Haive được xem là một trong những người mang comple Pháp đến Sài Gòn.

Ông Haive tên thật là Võ Văn Ve (SN 1941, Việt kiều Campuchia), có duyên với nghề may từ năm 14 tuổi, là đệ tử ruột của thợ may Năm Nhung – tay kéo nổi tiếng khắp Campuchia thời trước. Nhờ siêng năng và có tài nên ông được chủ tiệm may yêu mến, chỉ dạy tận tình và sớm trở thành tay kéo điêu luyện.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố với nghề, tiệm may của ông Haive giờ đây tọa lạc trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng. Với một người chưa từng có ý nghĩ đem nghề may để kinh doanh, thì với ông Haive bao nhiêu đây đã đủ để ông sống với nghệ thuật. Bất kỳ người nào tiếp chuyện với ông, cũng phải gật gù “Haive sinh ra là để may”.

Bằng giọng sang sảng, không vụng lời mà thẳng thắn, rành mạch, ông khiến cho người đối diện khâm phục về kiến thức, cũng như lòng đam mê của ông đối với may mặc, đặc biệt là Âu phục. 

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Nói ông Haive là một chứng nhân về phong cách ăn mặc thời thượng của người Sài Gòn xưa và nay.

Ông Haive luôn sẵn sàng đón nhận những trào lưu thời trang qua từng thời kỳ, ông kể vanh vách về gu ăn mặc ở từng giai đoạn của người Sài Gòn. Như ngày xưa người ta thích mặc quần ống loe, áo phải dài, quần phải đứng, vai phải ngang, màu vải lịch sự, trang trọng… thì mới đẹp. Còn những bộ vest bây giờ phải ngắn, ôm người, ôm eo, mặc nhẹ, ve nhỏ,… và nhiều màu, nhiều phong cách đa dạng.

Người mang comple Pháp vào Sài Gòn

Năm 1970, ông Haive hồi hương với hai bàn tay trắng, sẵn tài nghệ của mình, ông xin vào làm ở những tiệm may có tiếng tại Sài Gòn. Nhờ tay nghề cao, ông được trả công 25.000 đồng/tháng, hơn một lượng vàng thời kỳ đó.

Sau 8 tháng làm việc tích góp, ông xin nghỉ, rồi về đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng) mở tiệm may với tên gọi Haive. Từ đó, tiệm của ông là địa chỉ quen thuộc đối với giới kinh doanh, dân sành điệu của Sài Gòn cũ. 

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Ông trân quý bức thư tay mà những người bạn dành cho mình. Đối với ông, niềm vui với nghề là khách hàng hài lòng những bộ đồ ông may, từ đó trở thành bạn bè.

Nhiều nhân vật lớn thời đó như Chánh tòa tối cao Phạm Văn Bạch - người ký tên lên đồng tiền Đông Dương ngày xưa, luật sư Mỹ James J. Taylor, đại sứ Pháp, Úc… cũng đến nhờ ông may.

Khách đến tiệm Haive, ông không cần biết họ là ai, địa vị như thế nào trong xã hội. Họ bước vào tiệm Haive, ông đón tiếp chân tình như hai kẻ đang đi tìm cái đẹp gặp nhau. Có khi quá hợp "rơ", hợp tính, ông tặng đồ luôn cho họ chứ không lấy tiền công.

Ông "dị" ở chỗ sẵn sàng tặng đồ cho người quý cái đẹp, chứ không bớt một xu cho người kỳ kèo với nghệ thuật. Bởi thế mà một đại gia đến đặt may 62 bộ comple rồi nói “tôi may nhiều ông bớt cho tôi tí nhé”, ông đáp “bác may 62 bộ, tôi thích may cho 62 người”.

Một vị đại gia khác thì đắt ý: “Phải nói rằng, từ trước đến giờ cái bộ đồ này, mấy người bạn tôi phải công nhận đẹp”. 

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Quần áo là phải tôn được dáng vóc, hình thể của người mặc, làm cho họ thoải mái, nếu không, dù trị giá cả trăm cây vàng cũng là đồ vứt đi.

Ông kể, người Sài Gòn xưa khẳng khái lắm, nói đúng họ sướng, nói sai họ bác bỏ liền. Bằng tài nghệ của mình, ông Haive chứng minh được comple Pháp mang lại sự lịch sự, sang trọng chứ không to bự như comple Ý. Nhờ thế ông dễ dàng mang phong cách comple Pháp thay thế comple Ý ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Với ông Haive, thời kỳ nào cũng vậy, một bộ đồ dù phong cách thế nào, thay đổi hình thức ra làm sao cũng đều là trang phục phục vụ cho việc ăn mặc. Vì vậy nó phải tôn được dáng vóc, hình thể của người mặc, làm cho họ thoải mái, nếu không, dù trị giá cả trăm cây vàng cũng là đồ vứt đi.

Ông lấy chiếc áo vest đã hơn 40 năm tuổi ra làm ví dụ: “Này nhé, một chiếc áo đẹp phải đứng áo, khi mặc vào ngực áo không nhăn, hai tay áo suông nhưng phải tạo sóng với cơ thể, phía lưng áo không nhăn nhúm. Bên trong áo, dù chỉ được giấu đi, nhưng từng đường kim, mũi chỉ cũng phải khéo léo… Chiếc áo này, 40 năm rồi cũng còn giá trị với người mặc”.

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Nói đồ càng mắc tiền càng đẹp là một sai lầm.

Còn với một chiếc quần, qua thời kỳ nào, phong cách ra sao không cần biết, cái quan trọng là phải tạo dáng cho đôi chân, phần dưới lai quần phải thẳng. Nó tạo dáng luôn cho đôi giày đang mang, lưng quần không gãy gập, nhất là quần kẻ sọc, sọc phải thẳng đứng, hai sọc ở hai bên quần phải trùng nhau…

Chính vì sự yêu nghề mãnh liệt, ra đường khi vô tình thấy những người dáng đẹp, nhưng bộ đồ làm họ… bị xấu lây, ông tự thấy xót xa, thấy tội cho người đó, rồi đến làm quen, ngỏ lời may đồ tặng họ. Nhiều người không biết nghĩ ông là ông lão hết thời, đang mồi chài để… kiếm ăn, ông tặc lưỡi kệ họ, chứ thấy xấu chịu không nổi.

Đa số người Sài Gòn ngày nay, họ đặt cái đẹp ở giá trị bộ đồ

Nói đoạn, ông Haive buồn xo: “Giờ tôi ít khi ra đường, chỉ đi khi tập thể dục, uống ly cà phê, hay gặp vài người bạn rồi về, chứ đi nhiều lại thấy người ta mặc đồ không đẹp, lại buồn, lại tội cho họ, lại tự khổ”. 

Hỏi vì sao như thế, ông cho rằng người Sài Gòn giờ đây ưa mặc đồ mắc tiền, vào tiệm may càng lớn là được đồ đẹp thì không phải vậy. Mặc comple đưa cái bụng bia "chà bá" ra, người bự, mà mặc đồ lùm xùm thì càng… quá cỡ thợ mộc, thành ra họ tưởng họ sang nhưng mà… "quê một cục" không biết.

'Tay keo gia huyen thoai' cua thoi trang Sai Gon
Mặc comple đưa cái bụng bia "chà bá" ra, người bự, mà mặc đồ lùm xùm thì càng… quá cỡ thợ mộc, thành ra họ tưởng họ sang nhưng mà… quê một cục không biết.

Ông nói không chỉ đồ thời nay mới đắt, mỗi bộ comple ông may lúc trước cũng ngang ngửa với một lượng vàng. Ông nhiều lần cầm những khúc vải giá trị đến hàng ngàn đô la Mỹ mà đại gia, ông lớn đem xe con đến nhờ may. Nhưng nếu vải không hợp với người mặc, ông cũng thẳng thừng trả lại chứ không nhận.

Không chỉ ngày xưa, mà hiện nay nhiều nhân vật như ông Đào Hồng Tuyển ("chúa đảo Tuần Châu"), Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn,… cũng may đồ nơi ông.

Ông cho rằng hầu hết người Sài Gòn bây giờ, không chỉ sai lầm về cách chọn đồ, mà tính cách họ cũng dần khác đi. Người Sài Gòn xưa trọng cái đẹp, nên thường rủ nhau đi làm đẹp. 

Ông Haive công nhận muốn phát triển cần phải đánh đổi, ngay cả con đường Yên Đỗ thơ mộng ngày xưa - nơi ông theo nghề hơn 40 năm, cũng có nhiều thay đổi. Nó trở nên hiện đại hơn, nhiều ngôi nhà mọc lên, đường xá mở rộng cũng đẹp theo một cách khác. Nhưng vì thế mà ông cũng quý trọng những người hàng xóm của mình hơn, vì tấm lòng của họ vẫn vậy, vẫn nghĩa tình ấm áp. Đó mới là điều đáng trân quý.

Nhiều người nói ông ngông, ông "dị" khi chỉ nghĩ đồ ông may ông mới cho là đẹp. Ông tâm sự: “Tôi không phải tự khen, tôi chứng minh được tay nghề của mình, cũng chưa bao giờ chê đồ ở những tiệm may khác, mà vẫn quý trọng những người thợ may. Tôi quý nhất là anh Sơn (chủ tiệm may Sơn) bởi anh là nhà may rất yêu nghề”. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI