Thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức: Hỗ trợ thêm để có thể giữ bộ máy liêm khiết

28/02/2018 - 10:28

PNO - Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, xét về thời lượng lao động, tính chất công việc và giá cả tại TP hoàn toàn khác mà nếu không hỗ trợ thêm cho anh em thì rất khó để giữ được bộ máy hoạt động một cách liêm khiết.

Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý, Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Với phong cách cởi mở thường thấy, ông Tuyến nói ngay: "Trước hết, cần phải nói lại cho chính xác rằng, đây là đề án chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC của TP chứ không phải tăng tiền lương như một số tờ báo đã đưa tin. Bởi lương phải do Quốc hội quyết định chung cho cả 63 tỉnh, thành, TP không có quyền.

Đề xuất của TP là nâng thu nhập cho anh em, tức ngoài tiền lương ra, mình tiết kiệm được bao nhiêu thì lấy cái đó ra hỗ trợ thêm cho CBCCVC theo tinh thần Nghị quyết 54 (NQ54) về cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã trao cho TP.HCM.

Thi diem chi thu nhap tang them cho can bo, cong chuc, vien chuc: Ho tro them de co the giu bo may liem khiet
Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ khu vực hành chính công - Ảnh: P.Huy

- Liệu có phải tăng thu nhập cho CBCCVC nhà nước thì đòi hỏi đương nhiên về công việc cũng khắt khe hơn không, thưa ông?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Thứ nhất, NQ54 căn cứ vào đặc điểm tình hình của TP với áp lực công việc rất lớn so với các nơi khác. Việc một sở ngành, đơn vị tại đây trong một ngày phải giải quyết hàng ngàn hồ sơ công việc là chuyện bình thường.

Vật giá của TP cũng khác, đắt đỏ hơn. Cho nên xét về thời lượng lao động, tính chất công việc và giá cả tại TP hoàn toàn khác mà nếu không hỗ trợ thêm cho anh em thì rất khó để giữ được bộ máy hoạt động một cách liêm khiết.

Thứ hai, NQ54 cho phép TP nghiên cứu tăng thu nhập cho CBCCVC đang hưởng lương từ ngân sách TP. Hiện UBND TP đã làm đề án và đang lấy ý kiến phản biện từ Mặt trận Tổ quốc TP. Dự kiến sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp sắp tới để thông qua.

Đề án tăng thu nhập được chia làm ba giai đoạn theo thời gian từ năm 2018 đến 2020, theo lộ trình tăng từ 0,6-1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Cách thức để chi tăng thu nhập là tính theo hiệu suất công việc do thủ trưởng các đơn vị quyết định, dưới sự hướng dẫn của Sở Nội vụ.

Trước đây, từ mức khoán hằng năm mà các đơn vị tiết kiệm được, có nơi chia theo đánh giá A-B-C, có đơn vị chia theo hệ số chức vụ hay có thể chia theo hệ số lương. Còn đề án này thì phải theo đánh giá hiệu quả công việc của từng đơn vị, sở ngành, quận huyện, phường xã như thế nào là do thủ trưởng đơn vị đó quyết định và phải bảo đảm công bằng, minh bạch.

Nguồn kinh phí để thực hiện đề án lấy từ nguồn cải cách tiền lương của TP còn dư. Theo quy định, hằng năm phải trích ra một khoản tiền từ thu ngân sách để phục vụ cho cải cách tiền lương. Số tiền này có ý nghĩa tương tự như dự phòng, khi nào Nhà nước tăng lương cho CBCCVC, thì lấy tiền đó chi.

Mấy năm nay TP trích lại và còn dư nên có thể lấy chi cho đề án. Bên cạnh đó, có những khoản TP thu vượt được thưởng và còn một số nguồn từ đặc thù của TP để sử dụng chi cho đề án lần này, bao gồm cả CB không chuyên trách.

- Nếu đề án được HĐND TP thông qua, năng suất, hiệu quả làm việc của CBCCVC TP sẽ tăng lên?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Thật sự lương của chúng ta hiện vẫn không thể bảo đảm được đời sống cho anh em CBCC đâu. Nhưng trong tình hình khó khăn chung, Nhà nước không thể nào tăng lương đồng loạt cho cả một bộ máy rất lớn. Cần phải có lộ trình, nào là tinh giản biên chế, rồi các đơn vị sự nghiệp là các viên chức phải tự chủ tài chính, không hưởng lương từ ngân sách nữa, phải tự lo, khi đó sẽ giảm bộ máy đi, Nhà nước mới có đủ cơ sở để tăng lương.

Thi diem chi thu nhap tang them cho can bo, cong chuc, vien chuc: Ho tro them de co the giu bo may liem khiet
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Và trong lúc chờ Nhà nước tinh giản biên chế và đẩy mạnh tự chủ tài chính, cần có một giai đoạn để động viên anh em. TP.HCM với áp lực công việc như tôi đã nói đã xem xét đề án tăng thu nhập cho anh em. Chúng ta biết, một mặt mình kêu gọi cải cách, cải tiến, phục vụ dân tốt hơn thì mặt khác, cũng phải có sự chăm lo ở chừng mực nào đó.

Thật ra cũng chưa phải là đủ để lo được đời sống đâu, nhưng nó mang ý nghĩa động viên anh em cố gắng tích cực làm việc, bảo đảm hạn chế tối đa những cái tiêu cực, phiền hà, nhũng nhiễu… Còn anh em nào không chịu nổi, ra khỏi bộ máy thì đành chịu thôi.

Thế nhưng, ngoài chuyện tăng thu nhập này, thì như tôi đã đề cập, giải pháp triệt để hơn có thể bảo đảm được một phần thu nhập cho nhu cầu đời sống của CBCCVC, vẫn phải là đẩy mạnh tinh giản biên chế. Bên cạnh tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp, cách tinh giản biên chế hiệu quả là phải đẩy mạnh chính quyền điện tử.

- Trả lời câu hỏi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “làm sao để chống tham nhũng” vào đầu thập niên 1990, một trong ba yếu điểm mà ông Lý Quang Diệu - cố Thủ tướng Singapore - đã nêu ra, đó là “trả lương để công chức đủ sống”. Phải chăng đề án lần này của TP.HCM mang hơi hướng đó, thưa ông?

- Xu hướng thế giới bây giờ là bộ máy phải tinh gọn; cán bộ giỏi, tinh thông; điều hành bằng công nghệ thông tin; hiệu quả xuyên suốt; kết nối liên thông; giảm được giấy tờ, giảm đi lại… thì lúc đó thu nhập mới tăng được. Bộ máy của mình hiện nay còn cồng kềnh quá, phải có lộ trình.

Vừa qua Nghị quyết 39 kêu gọi tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ tài chính, đó là phải có lộ trình. Nhưng trước sau gì cũng phải tiến đến chính phủ điện tử, giảm bộ máy, ai không bảo đảm được yêu cầu phải đành chịu thôi, không thể khác được.

- Xin cảm ơn ông. 

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM

Mục tiêu cuối cùng là thu hút người tài trong khu vực hành chính công

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những nội dung trọng yếu của Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là cơ chế phân cấp và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Để sự nghiệp và công cuộc phát triển TP.HCM “Vì cả nước – Cùng cả nước” hoàn thành thì một trong những chìa khóa để mở được cánh cửa đột phá đó chính là bài toán về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bài toán động lực cho đội ngũ này.

Thi diem chi thu nhap tang them cho can bo, cong chuc, vien chuc: Ho tro them de co the giu bo may liem khiet
 

Chính vì vậy, trong dự thảo đề án Thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý của UBND TP, đã xác định quan điểm: “Chi thu nhập tăng thêm cho CB,CC,VC gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của khu vực hành chính công, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công”.

Các nội dung này được đặt để trên nền tảng Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 – khóa XII. Vấn đề tiếp theo là trong quá trình triển khai đề án, việc thực hiện các điều khoản về tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức và viên chức như thế nào; cơ sở xác định mức chi trả thu nhập tăng thêm… sẽ được xây dựng và chuẩn hóa như thế nào thông qua hệ thống đánh giá, hệ thống luật giám sát, kể cả cấp độ phân quyền tự chủ tài chính xuống đến hệ thống các cấp.

Mục tiêu cuối cùng là để đảm bảo sự tương xứng, công bằng với khả năng, công sức, hiệu quả lao động, từ đó kích thích người lao động, thu hút người tài trong khu vực hành chính công... Còn như hiện nay, cho dù lương tối thiểu đã điều chỉnh tăng qua 14 lần (từ năm 1995 đến tháng 7/2017) thì thực tế mức tăng này chỉ đủ để bù đắp mức tăng giá tiêu dùng, chứ chưa thể nuôi sống đầy đủ CB,CC,VC, vì thế không thúc đẩy động lực làm việc.

Hiện tại, căn cứ theo Nghị quyết 54, “việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ”, UBND TP đã và đang tính toán, cân đối theo lộ trình thực hiện tương ứng từng mức tăng từ 2018 đến 2020.

Đến thời điểm này, chi trả thu nhập theo hiệu quả lao động là một xu thế tất yếu so với chi trả theo thâm niên, theo lợi nhuận. Khi các chỉ số đánh giá hiệu quả lao động (KPI) được minh bạch hóa cũng có nghĩa là các “chỉ số” về sự hài lòng của người lao động, khả năng thể hiện, tâm huyết cống hiến, hiệu quả đóng góp, công bằng thụ hưởng… sẽ là những viên gạch vững chắc cho các cải cách về bộ máy, về hành chính của thành phố. Đó chính là “đầu ra” của cuộc thí điểm mang tính đột phá này.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI