Phú Riềng - Bình Phước: Thẩm phán giúp bị đơn tẩu tán tài sản?

12/01/2018 - 10:09

PNO - Sau khi tài sản của bị đơn được “chuyển chủ” êm xuôi, tòa mới quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Càng đáng ngạc nhiên hơn, vị thẩm phán tham gia giải quyết vụ án lại là người đại diện theo ủy quyền làm các thủ tục tặng cho thửa đất, để bị đơn tẩu tán tài sản (!).

Phu Rieng - Binh Phuoc: Tham phan giup bi don tau tan tai san?
Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng - Ảnh: Trần Oanh

Cấp tập “tặng cho” 6 miếng đất trong vòng 2 tháng

Mới đây, TAND tỉnh Bình Phước đã có báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và truyền thông và các cơ quan báo đài về tình hình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của bà Hoàng Thị Hương (51 tuổi, ngụ thôn 8, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đối với 2 thẩm phán Ngô Văn Dương và Mai Danh Hòa, thuộc TAND huyện Phú Riềng.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 30/3/2017, bà Hương khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông T.B.C. (62 tuổi, ngụ thôn Phước Hòa, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng) phải trả cho bà hơn 5 tỷ đồng đã vay và lãi suất theo quy định. Ngày 21/4/2017, TAND huyện thụ lý và giải quyết vụ án dân sự số 35/2017/TLST-DS về việc “tranh chấp hợp đồng (HĐ) vay tài sản” giữa nguyên đơn là bà Hương (do ông Nguyễn Đức Dũng đại diện) với bị đơn là vợ chồng ông C. Thẩm phán Ngô Văn Dương được phân công thụ lý, giải quyết vụ án. 

Hòa giải không thành, TAND huyện Phú Riềng đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 18/7/2017. Một ngày trước khi tòa xử, lấy lý do công việc gia đình, ông C. có đơn đề nghị hoãn phiên tòa. Theo biên bản phiên tòa và biên bản thảo luận của hội đồng xét xử (HĐXX) tòa hoãn xét xử là do “đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Đức Dũng vắng mặt, bị đơn ông T.B.C. có đơn xin hoãn phiên tòa”.

Thế nhưng, trong quyết định hoãn phiên tòa số 07/2017/QĐST-DS do thẩm phán Dương thay mặt HĐXX ký gửi cho bà Hương lại thể hiện lý do hoãn phiên tòa là vì nguyên đơn “xin hoãn phiên tòa lần thứ nhất”(?), trong khi ông Dũng giải thích việc ông không đến tòa là do trước đó ông được thẩm phán Dương thông báo ông C. bị bệnh phải đi điều trị tại TP.HCM. Về phần mình, ông Dương phủ nhận việc thông báo này (?).

Cùng lúc với việc hoãn xử, trong quá trình bị khởi kiện cho đến trước khi tòa định ngày xét xử, phía bị đơn đã “nhanh tay” lập các HĐ tặng cho con trai là T.V.T. (23 tuổi) toàn bộ 6 thửa đất vào các ngày 18/5/2017, 29/6/2017 và 18/7/2017. Đáng chú ý là ngày 18/7/2017 - ngày vụ án được ấn định xét xử nhưng sau đó bị hoãn một cách “mập mờ”, phía bị đơn đã lập HĐ tặng cho 3 thửa đất cuối cùng.

Ngoài ra, bà Hương còn phát hiện chính thẩm phán Mai Danh Hòa - người sau đó tham gia giải quyết vụ án, là người đứng ra nhận ủy quyền của anh T., con trai bị đơn, để làm các thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ cha mẹ theo HĐ lập ngày 18/5/2017.

Ngày 24/7/2017, phiên tòa được mở lại, các bên đã thỏa thuận với nhau về nội dung tranh chấp. Thẩm phán Dương lập biên bản hòa giải thành với nội dung: vợ chồng ông C. có nghĩa vụ phải trả cho bà Hương số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Thỏa thuận này được TAND huyện Phú Riềng ra quyết định công nhận ngày 1/8/2017 mà thẩm phán Mai Danh Hòa chính là người ký, vì thẩm phán Ngô Văn  Dương hết nhiệm kỳ.

Sau khi nhận quyết định công nhận thỏa thuận trên, bà Hương làm thủ tục yêu cầu thi hành thỏa thuận, xác định gia đình ông C. có 6 thửa đất và tài sản gắn liền với đất. thế nhưng, toàn bộ số tài sản đó giờ đã thuộc về anh T. Vì ông bà C. không còn tài sản nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Riềng không thể tiến hành thi hành án.

Như thế, chỉ trong vòng 2 tháng, 6 thửa đất và tài sản trên đất trị giá hàng chục tỷ đồng đã được ông bà C. làm thủ tục chuyển tặng cho con trai trước khi hòa giải thành, mà người đại diện giúp ông bà C. tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án chính là thẩm phán Mai Danh Hòa. 

Không đủ cơ sở xác định động cơ vụ lợi hay tiêu cực?

Phu Rieng - Binh Phuoc: Tham phan giup bi don tau tan tai san?
Báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước về vụ việc. Ảnh: Trần Oanh

Bức xúc với những khuất tất liên quan đến hai thẩm phán tham gia giải quyết vụ án, bà Hương đã làm đơn khiếu nại, cho rằng 2 ông Dương và Hòa đã “giúp gia đình ông C. tẩu tán tài sản”, đồng thời yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc, xử lý nghiêm hành vi của 2 cán bộ này theo quy định pháp luật.

Bà Hương chỉ rõ, thẩm phán Dương nêu lý do phiên tòa ngày 18/7/2017 bị hoãn do “nguyên đơn xin hoãn” là không đúng sự thật (vì nguyên đơn không xin hoãn), nhằm tạo cơ hội cho bị đơn tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Về thẩm phán Hòa, theo bà Hương, đã có hành vi giúp gia đình bị đơn tẩu tán hết tài sản, sau đó mới giải quyết vụ án bằng việc ký ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 25/2017/QĐST-DS ngày 1/8/2017. Việc này thể hiện rõ qua việc ông Hòa nhận ủy quyền làm các thủ tục tặng cho QSDĐ.

Đơn của bà Hương đã được TAND huyện Phú Riềng thụ lý giải quyết, công nhận thẩm phán Dương có sai sót khi nêu lý do hoãn phiên tòa không đúng và kiến nghị lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước xem xét, xử lý theo quy định; nhưng không công nhận nội dung cho rằng ông Dương hoãn phiên tòa nhằm mục đích tạo cơ hội cho bị đơn tẩu tán tài sản, trốn tránh trả nợ, chiếm đoạt tài sản.

Tòa cũng công nhận một phần nội dung khiếu nại của bà Hương đối với thẩm phán Hòa về hành vi nhận ủy quyền ký nhận giấy chứng nhận QSDĐ cho anh T. và kiến nghị lãnh đạo tòa án tỉnh xem xét trách nhiệm của thẩm phán này; nhưng không công nhận nội dung khiếu nại ông Hòa ký quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là giúp bị đơn tẩu tán tài sản. 

Bà Hương tiếp tục gửi khiếu nại đến Chánh án TAND tỉnh Bình Phước, không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại của TAND huyện Phú Riềng. Theo tòa án tỉnh, ngoài sai sót trong lý do hoãn phiên tòa, quyết định hoãn do ông Dương ký còn ghi sai quan hệ tranh chấp giữa bà Hương và vợ chồng ông C. là “tranh chấp HĐ tín dụng” thay vì “tranh chấp HĐ vay tài sản”.

Sai sót của thẩm phán Dương trùng hợp về mặt thời gian với việc ông bà C. lập các HĐ tặng cho 3 thửa đất ngày 18/7/2017 cho con trai, dẫn đến không thể thi hành án, khiến bà Hương bức xúc, khiếu nại. Tuy nhiên, không đủ cơ sở xác định ông Dương ra quyết định hoãn phiên tòa là nhằm giúp bị đơn tẩu tán tài sản.

Với thẩm phán Hòa, tòa án tỉnh cho rằng, khi tặng cho thửa đất đầu tiên ngày 18/5/2017, ông bà C. giao cho bà Đặng Thị Yến - chuyên viên Phòng Công chứng số 3, tỉnh Bình Phước, làm các thủ tục. Do bà Yến và thẩm phán Hòa có quen nhau, nên bà Yến lập giấy ủy quyền mang tên anh T. ủy quyền cho thẩm phán Hòa thực hiện các thủ tục, ký giấy tờ, nộp lệ phí, thuế và liên hệ lấy giấy chứng nhận QSDĐ mới mang tên T.

Từ đó, tòa án tỉnh kết luận, việc nhận ủy quyền và ký nhận giấy chứng nhận QSDĐ cho con trai của bị đơn của thẩm phán Hòa trong thời gian TAND huyện Phú Riềng đang thụ lý, giải quyết vụ án, đã khiến bà Hương bức xúc, khiếu nại, nhưng không đủ cơ sở xác định ông Hòa có động cơ vụ lợi hay tiêu cực. 

Hiện bà Hương vẫn tiếp tục nộp đơn tố cáo 2 thẩm phán Dương và Hòa tại TAND các cấp của tỉnh. TAND tỉnh Bình Phước cho biết, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý nghiêm đối với sai phạm của thẩm phán Dương và Hòa, nếu có.

Cần xem xét kỷ luật hai thẩm phán Dương và Hòa

Xét bề nổi của sự việc, có thể sẽ không bắt bẻ được thẩm phán Hòa vì tài sản ông Hòa nhận đại diện làm thủ tục không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, nếu thẩm phán Hòa là người được phân công cùng thẩm phán Dương giải quyết vụ án mà lại nhận ủy quyền của bị đơn để thực hiện các công việc nhằm tẩu tán tài sản thì rõ ràng đây là dấu hiệu không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm Quy tắc ứng xử của ngành tòa án theo Quyết định 1253/2008/QĐ-TANDTC. 

Để thực hiện việc ủy quyền, chắc chắn thẩm phán Hòa phải tiếp xúc nhiều lần với bị đơn ngoài trụ sở của tòa án, không phục vụ cho việc giải quyết vụ án, mà việc tiếp xúc này là không được phép. Kể cả khi không được phân công thụ lý vụ án, theo điểm a, điểm đ, khoản 2, điều 2 của Quyết định 1253 thì thẩm phán Hòa cũng không được tiếp xúc, gặp gỡ bị đơn để tư vấn, thực hiện các thủ tục nhằm giúp bị đơn tẩu tán tài sản. 

Dù hành vi của thẩm phán Hòa không đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc xử lý kỷ luật thẩm phán Hòa theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Quyết định 120/2017/QĐ-TANDTC để làm cơ sở khi xem xét tái bổ nhiệm thẩm phán, là hết sức cần thiết. 

Riêng thẩm phán Dương, việc chủ động gọi điện cho đại diện nguyên đơn thông báo hoãn phiên tòa để vị đại diện này không đến tòa, rồi lấy chính lý do nguyên đơn vắng mặt để hoãn phiên tòa sai với thực tế, thì rõ ràng là hành vi có chủ đích. Hành vi của thẩm phán Dương đã có dấu hiệu của tội ra quyết định trái luật. 

Luật sư Phùng Thanh Sơn 
Công ty Thế giới luật pháp, Đoàn Luật sư TP.HCM

Quốc Ngọc - Trần Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI