Vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở Hà Nội: Đừng chăm chăm quy trách nhiệm mình anh thợ hàn

03/11/2016 - 15:36

PNO - Công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke ở Trần Thái Tông.

Triệu tập nhóm thợ hàn trong vụ cháy quán Karaoke

Ngày 2/11, Phòng CSĐT (CATP Hà Nội), phối hợp với CA quận Cầu Giấy đã tiến hành triệu tập 3 người trong nhóm công nhân hàn biển quảng cáo tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) để lấy lời khai, nhằm xác định nguyên nhân vụ hoả hoạn tại quán này.

Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ hoả hoạn, có một nhóm công nhân đang tiến hành hàn biển quảng cáo ở tầng 2 của quán. Cơ quan chức năng tình nghi nguyên nhân vụ cháy có liên quan đến nhóm thợ hàn này.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chủ quán karaoke là bà Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú tại Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội). Trong hồ sơ hoạt động của quán Karaoke này đã có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng chưa có Biên bản nghiệm thu về PCCC; chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định và giấy phép kinh doanh Karaoke.

Đoàn kiểm tra liên ngành của quận, UBND phường và Công an phường Dịch Vọng Hậu đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở cơ sở.

Vu hoa hoan kinh hoang o Ha Noi: Dung cham cham quy trach nhiem minh anh tho han
Công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke ở Trần Thái Tông.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Trao đổi với Phụ nữ TP.HCM về việc ai sẽ phải trách nhiệm hình sự, dân sự trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng này, Luật sư Phạm Công Út phân tích.

"Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự: Nếu mà đây là cơ sở kinh doanh thì người đứng tên đăng ký giấy phép kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm về hình sự. Còn nếu đây không phải là cơ sở kinh doanh mà là nhà ở riêng lẻ của tư nhân, cá nhân thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm. Còn nếu đây là một cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan đó, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm.

Đồng thời, song song đó là những người trực tiếp tạo ra vụ hỏa hoạn này,  thí dụ, như thông tin báo chí đưa có khả năng là do các thợ hàn. Như vậy, sự tắc trách, thiếu cẩn trọng này là của thợ hàn hay là của chủ cơ sở lắp ráp bảng hiệu này, họ không có những kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn lao động.

Chẳng hạn cơ sở kinh doanh không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện, vẫn cố kinh doanh, vẫn lắp bảng hiệu (lắp bảng hiệu cũng có quy định theo kích cỡ, kích thước như thế nào mới được phép). Như vậy, về trách nhiệm hình sự, phải mở rộng ra, tức là sẽ  liên quan đến rất nhiều người chứ không chăm chăm vào người thợ hàn.

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự, ai sẽ là người bồi thường vụ cháy nổ này? Nếu như có hợp đồng giữa chủ nhà với bên thi công (cơ sở gắn bảng quảng cáo) trong đó có ghi rõ, bên thi công chịu trách nhiệm hoàn toàn vấn đề an toàn lao động, phải đảm bảo hết thì lúc đó chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng nếu như không có câu đó, phải xét đến vấn đề liên đới chủ nhà với chủ cơ sở này. Lúc đó sẽ có sự tranh chấp dân sự giữa 2 người xem ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong vụ hỏa hoạn, lỗi thuộc về ai.

Còn về những người làm công (thợ hàn) nếu như cơ sở lắp bảng hiệu là một pháp nhân là 1 công ty. Công ty làm thiệt hại đầu tiên thì công ty sẽ chịu trách nhiệm bồi thường trước, sau đó công ty pháp nhân đó sẽ yêu cầu người thợ hàn hoàn trả lại mình khoản tiền mình đã bồi thường. Chứ người thiệt hại không phải là người trực tiếp đứng ra bồi thường cho nạn nhân bị hại.

Nếu là pháp nhân thì có thể người ta có điều kiện về kinh tế để thi hành án, thi hành nghĩa vụ bồi thường. Còn người làm công thì trước mắt họ không có trách nhiệm dân sự, nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể vậy".

Theo Luật sư Út, cho đến thời điểm hiện tại chưa thể nói trước điều gì: "Mức án lớn phải gánh chịu ra sao thì còn phải chờ vào quyết định khởi tố về vấn đề truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ xem xét có bao nhiêu hành vi, bao nhiêu tội... Khi ấy, sẽ kết luận được sẽ phải gánh chịu bao nhiêu năm tù, còn hiện tại mới chỉ là khởi tố vụ án hỏa hoạn, chứ chưa khởi tố bị can, chưa xác định được tội gì, chưa có bảng cáo trạng...", Luật sư Út nói.

Clip người dân kể lại giây phút chứng kiến kinh hoàng:

Điều 240: Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI