Phòng cháy chữa cháy: Người dân vẫn thờ ơ

11/03/2013 - 11:17

PNO - PN - Trong vòng tháng Hai và đầu tháng 3/2013, có gần 20 vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn TP.HCM, hai vụ đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người chết, năm người bị thương. Khảo sát ngay sau đó của một trang thông tin điện tử với chủ...

Ế như…thiết bị phòng cháy

Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, sau vụ cháy tại cửa hàng vàng mã 322 Hàn Hải Nguyên, Q.11, làm ba người chết, cần xem lại công tác kiểm tra an toàn PCCC ở cơ sở. Thực tế, nhiều cơ sở chỉ phòng cháy mang tính hình thức, đối phó; lực lượng PCCC tại chỗ xử lý không hiệu quả. Trước đó, Công an Q.11 đã kiểm tra cơ sở sản xuất vàng mã này ba lần, UBND phường cũng lập hồ sơ đề nghị rút giấy phép kinh doanh nhưng chủ hộ vẫn tận dụng nhà ở làm nơi chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy bít hết lối đi. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, đám cháy lan nhanh, dẫn đến không cứu chữa kịp, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Anh Huỳnh Chí Phong, người may mắn sống sót trong vụ cháy tại 322 Hàn Hải Nguyên (ngày 5/3) kể lại: “Trước khi vụ cháy xảy ra, tôi ra ngoài ăn đêm, về đến gần nhà thì thấy căn nhà đã bị lửa bao trùm. Thật khó ứng phó khi cơ sở không có thiết bị chữa cháy”.

Theo thống kê từ Sở cảnh sát PCCC TP.HCM, nhiều cơ sở không trang bị hệ thống báo cháy. Có trường hợp có lắp đặt nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống này không hoạt động. Lý giải điều này, một lãnh đạo PCCC Q.10 cho rằng, công tác PCCC tại chỗ chưa được người dân quan tâm đúng mực. Các hệ thống báo cháy công nghệ cao đã xuất hiện trên thị trường nhiều năm nhưng chỉ có các công ty, xí nghiệp lớn lắp đặt, hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ đều cho là không cần thiết.

Bà Thảo, chủ cửa hàng chuyên bán các thiết bị PCCC và lắp đặt hệ thống báo cháy trên đường Trường Chinh (P.12, Q.Tân Bình) cho biết: “Cả năm 2012 vừa rồi, công ty chúng tôi lắp hệ thống báo cháy được cho bốn nhà dân, hai nhà trong số này là họ hàng trong gia đình. Chi phí không hẳn là vấn đề vì đối với một gia đình khá giả, việc lắp đặt hệ thống báo cháy chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, chẳng qua vì nhiều người thờ ơ với việc phòng cháy”. Theo bà Thảo, thiết bị bán chạy nhất cho các hộ gia đình là bình cứu hỏa dạng bột, khí CO2. Tuy nhiên, số bình cứu hỏa bán đi sau một thời gian dài hầu hết không thấy khách mua hàng liên hệ kiểm tra hay nạp lại. Bà Thảo lấy ví dụ về một chủ khách sạn tại Q.12, trước Tết Nguyên đán đã gọi điện đến cửa hàng quát mắng nhân viên của bà vì bình cứu hỏa mua về không xài được khiến khách sạn bị cơ quan chức năng phạt hành chính. Khi nhân viên hỏi đã mua thiết bị được bao lâu, vị khách này cho biết là gần… hai năm trước. Trong khi đó, theo quy trình về PCCC, cứ sáu tháng phải kiểm tra, nạp khí cho bình cứu hỏa một lần.

Phong chay chua chay: Nguoi dan van tho o

Cảnh sát PCCC tiếp cận căn nhà số 322 Hàn Hải Nguyên (Q.11)

Thoát hiểm ra sao?

Trung tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng cảnh sát PCCC Q.4 khuyến cáo, nếu xảy ra sự cố cháy, để tránh ngộp khói, người dân nên sử dụng khăn ướt bịt miệng và mũi, tìm cách vượt qua đám khói đến đường thoát hiểm gần nhất. Nếu khói dày, nên bò thấp sát mặt sàn, nơi có không khí nhiều nhất để đến lối thoát nạn. Đồng thời, phải bình tĩnh tìm cách phát tín hiệu cho mọi người đến cứu. Trong trường hợp người bị nạn đang ở trong phòng kín, nên tìm mọi cách mở cửa, đập cửa kính và nhanh chóng vào buồng thoát hiểm hoặc ra ban công kêu cứu. Lúc kêu cứu, nên cầm vải áo hay bất kỳ cái gì có thể làm tín hiệu thu hút sự chú ý để mọi người phát hiện và giải cứu.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị hỗ trợ để người gặp nạn có thể tự cứu mình khi lực lượng chữa cháy chưa có mặt. Hai trong số các thiết bị này là thang dây và ống trượt. Khi có hỏa hoạn, không thể thoát hiểm bằng cửa chính, người gặp nạn sẽ móc một đầu thang dây vào cửa sổ hoặc lan can. Sau đó thả thang dây và leo xuống. Ngoài loại thang này, người dân có thể sử dụng loại thang một dây tuột xuống bằng cách móc cáp vào một điểm treo chắc chắn rồi nhảy xuống qua cửa sổ hoặc hành lang bên ngoài tòa nhà. Cáp sẽ nhả ra tự động với tốc độ 2m/giây đưa người tiếp đất an toàn.

Phong chay chua chay: Nguoi dan van tho o

Nhiều vật dụng gia đình hóa thành than sau vụ cháy

Đối với ống trượt, thiết kế cho phép trượt theo kiểu thẳng đứng hoặc trượt nghiêng tùy vào khoảng không tiếp đất. Ưu điểm của thiết bị này là có thể lắp đặt ở những nơi có diện tích nhỏ hẹp. Thiết bị này đã được ứng dụng trong các nhiệm vụ của cảnh sát chuyên nghiệp khi tham gia chữa cháy nhà cao tầng, diễn tập chống khủng bố và giải cứu con tin.

Phong chay chua chay: Nguoi dan van tho o

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ cháy làm 3 người chết

Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo, sau hàng loạt vụ hỏa hoạn vừa qua, người dân TP.HCM, đặc biệt là các hộ kinh doanh tại gia đình, cần tập trung ngay vào công tác phòng cháy, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa dễ cháy. Cần sắp xếp hàng hóa thông thoáng, có lối thoát hiểm để đề phòng sự cố xảy ra. Mỗi gia đình, mỗi người dân phải luôn cảnh giác, đề phòng cháy nổ bằng cách kiểm soát chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, không để người già, trẻ em tiếp cận nguồn lửa, không được bỏ đi làm việc khác khi đang đun nấu. Khi câu mắc, sử dụng điện phải nhờ người có chuyên môn thực hiện, cúp cầu dao điện trước khi ra khỏi nhà. Nếu gia đình đang mắc dây điện lộ thiên thì nên thay bằng các dây dẫn điện có vỏ bọc cách điện, đặt bên trong ống cách điện. Ở khu vực nhà bếp, thường xuyên kiểm tra để phát hiện rò rỉ khí gas. Nếu có điều kiện, nên lắp đặt hệ thống cảnh báo khi xảy ra rò khí gas bằng cảm biến.

VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI