Ô nhiễm không khí khi kẹt xe, giàu nghèo đều khóc

04/09/2016 - 16:32

PNO - Kẹt xe là nỗi bực bội, khó chịu của mọi người đi đường, kể cả chủ nhân của những ngôi nhà, công sở trên cung đường ấy. Nhất là ở các thành phố lớn thì tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng.

Kẹt xe là nỗi bực bội, khó chịu của mọi người đi đường, kể cả chủ nhân của những ngôi nhà, công sở trên cung đường ấy. Nhiều người tâm niệm phải gắng mua cho được chiếc xe hơi, trước là để bằng chị bằng em, sau là bớt khổ sở, xấu xí vì khói bụi. Nhưng những phát hiện của các nhà khoa học ở đại học Surrey, Anh Quốc cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy, nạn ô nhiễm do kẹt xe không phân biệt giàu nghèo, xe hơi hay xe máy.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo tác hại dẫn đến nguy cơ ung thư của ô nhiễm không khí tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá. Dù vậy, nhiều người trong chúng ta vẫn “không biết, không nghe, không thấy, lẫn không quan tâm”. Hằng năm, có đến bảy triệu ca tử vong do tình trạng ô nhiễm không khí. Đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, tổ chức này nhấn mạnh, con số lên đến 5,9 triệu. Như vậy, cứ tám người chết, có một người chết do ô nhiễm môi trường. Các nhà khoa học của đại học Auckland, New Zealand cũng từng công bố: 1/3 trường hợp bị đột quỵ là do tác hại của không khí ô nhiễm. Nguyên nhân chính đến từ hai nhóm chất được sinh ra từ khói thải của xe cộ, cũng như các nhà máy sản xuất: khí NO2 và các hạt bụi mịn lơ lửng. Mà theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, có đến 89% mẫu không khí được kiểm tra đều không đạt chuẩn, bị ô nhiễm và tình hình vẫn tiếp tục gia tăng theo chiều hướng xấu.

O nhiem khong khi khi ket xe, giau ngheo deu khoc
Ảnh Phùng Huy

Theo nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Trở lại với nghiên cứu đại học Surrey, các nhà khoa học Anh Quốc cho thấy lượng khí thải độc hại trong xe hơi máy lạnh, đóng kín cửa, tăng cao hơn 40% so với bên ngoài trong khi dừng đèn đỏ giao lộ hoặc lúc kẹt xe. Bên ngoài, nếu xét trong môi trường TP.HCM, đã ô nhiễm như vậy, còn cộng thêm hơn 40% nữa thì đúng là… người giàu cũng khóc (nếu xem xe hơi là một trong những thước đo của sự giàu có, thịnh vượng), mà còn khóc... to hơn nữa.

Trung bình, mỗi ngày, người Anh mất từ 1 - 1,5 giờ trên xe, nghe chừng ít hơn nhiều so với người dân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Nhưng các chuyên gia của đại học Surrey cho biết chỉ cần 2% số thời gian đó (trên dưới hai phút) tại các ngã tư đèn đỏ, bạn sẽ phải tiếp xúc với 25% lượng không khí ô nhiễm của cả hành trình. Như vậy, con số ô nhiễm sẽ gia tăng như thế nào khi mà người dân thành phố chúng ta đi làm, đi học hàng ngày phải đi về qua rất nhiều điểm nóng, thậm chí không phải hai phút mà vài chục phút cho những khúc đường ngắn. Nguyên nhân ô nhiễm không chỉ do sự tụ tập đông đúc các loại xe cộ chờ đèn đỏ, kẹt xe, các nhà khoa học đã tính toán cả việc giảm tốc lúc dừng, và cả việc tăng tốc để chạy tiếp sẽ làm nhả ra lượng khí thải độc hại tăng 29 lần so với khi xe chạy xuyên suốt trên đường thông thoáng.

Đáng tiếc là nghiên cứu này được thực hiện ở xứ sở người dân chủ yếu đi xe hơi, không phải ở nơi phương tiện giao thông chính là xe gắn máy như ở TP.HCM, Hà Nội… Tuy nhiên, cũng không khó hình dung tác động độc hại tương tự do ô nhiễm không khí, có phần còn nhiều hơn, đến những người đi xe đạp, xe gắn máy. Không chỉ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, họ còn bị tác động của ô nhiễm tiếng ồn, không chỉ của động cơ mà còn rất nhiều người thiếu ý thức bấm còi inh ỏi. Rồi khi thì nắng nung người, lúc mưa to vừa kẹt xe vừa ngập nước (nhiều khi cũng chẳng biết nước cống hay nước mưa)… thì còn gì khổ bằng.

Bước tiếp theo của nghiên cứu, thông qua việc đo lường chỉ số ô nhiễm với các chức năng tiện ích của xe hơi, các nhà khoa học Surrey lạc quan cho biết việc tắt các quạt thông gió trong lúc dừng xe đèn đỏ, kẹt xe sẽ giảm đến 76% lượng khí ô nhiễm đưa vào từ bên ngoài. Dù sao, cũng đã có hướng tạm thời giải quyết những người có điều kiện. Nhưng sẽ là giải pháp nào cho những cư dân hiện đang làm chủ hơn 8,5 triệu chiếc xe gắn máy (theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM) lưu thông mỗi ngày, ở một thành phố với 26 điểm nóng, kẹt xe và đang ngày càng trầm trọng hơn này?

Thái Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI