Lợn giống "lạc" nhà Bí thư xã: Biết thế, tôi đã nhường lợn

05/03/2016 - 13:47

PNO - Ông Trần Văn Mùi chia sẻ: "Nếu trước khi nhận lợn mà tôi biết thế này tôi sẵn sằng nhường lợn ngay, bảo nhà tôi là không nên nhận nữa..."

Như đã đưa tin, theo phản ánh của một số người dân tại xã Đông Lợi (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) 52 con lợn giống tốt được hỗ trợ, cung cấp từ trại giống Trung ương. Nhưng khi về đến xã số lợn này không được giao cho các hộ dân có nhu cầu, mà lại chỉ được cấp cho người nhà và cán bộ của xã.

Theo sự giới thiệu của xã, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn Tổ chăn nuôi lợn siêu nạc thông An Thịnh là tổ thí điểm nhận dự án hỗ trợ lợn giống.

Lon giong
Ảnh minh họa

Theo người dân phản ánh, điều kiện để nhận hỗ trợ là các hộ gia đình phải nằm trong tổ chăn nuôi thôn An Thịnh. Nhưng có 2 hộ là gia đình bà Diêu Thị Chi (thôn Phúc Kiện là vợ của ông Bí thư Đảng ủy xã Đông Lợi) và gia đình ông Nguyễn Đình Cẩm (thôn Đồng Nương là anh trai của Trưởng ban Địa chính) xã cả 2 hộ trên không phải thành viên tổ hợp tác chăn nuôi thôn An Thịnh, nhưng vẫn được cấp lợn dự án.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lợi: "Tôi thì không chăn nuôi đâu, vợ tôi thôi. Trước khi được cấp lợn Sở Nông nghiệp cũng đã về thẩm định về cơ sở vật chất và đủ các điều kiện theo yêu cầu của họ đặt ra, khi được rồi thì họ mới cấp lợn."

Trả lời nghi vấn về việc trong thời điểm nhận lợn giống gia đình ông không nằm trong danh sách thành viên tổ chăn nuôi An Thịnh, ông Mùi cho rằng: "Phải có trong danh sách trước đó thì mới nhận được lợn chứ".

Ông Mùi thông tin, bà Chi tham gia tổ hợp tác vào tháng 4/2015, còn thời điểm nhận lợn giống là 1/10/2015. Tuy nhiên, ông Mùi lại khẳng định "Các hộ trong tổ An Thịnh rút đơn xin nhận lợn giống thì tôi không biết. Dự án được triển khai từ đầu năm 2015. Còn tổ An Thịnh có thiếu thành viên hay không thì tôi không biết."

Vị Bí thư xã cũng chia sẻ: "Thực ra thì mình nuôi lợn là công việc rất bình thường của người dân thôi, lúc đó chủ đầu tư về đặt ra các điều kiện, tiêu chí lựa chọn tham gia mô hình của họ thì mình đủ. Tháng 4 Sở cũng đến thẩm định, thẩm tra, được thì người ta cho triển khai tiếp, thì đến tháng 10 là được cấp lợn.

Tôi cũng buồn đấy. Thực ra nếu chủ đầu tư mà họ bảo là cán bộ không được nhận thì chúng tôi cũng không đăng ký, nhưng họ cũng không nói gì cả, chủ đầu tư cũng về thẩm định."

Cũng theo ông, việc chăn nuôi lợn siêu nạc độ rủi ro cũng rất là cao, nếu mà được thì sau này nhân ra diện rộng, nhưng vợ tôi đang nuôi thì thấy bảo 1 con bị hỏng rồi, chi phí chuồng trại cao, người ta đang nuôi ở chuồng kín, điều hòa mà mình lại ra nuôi ở nơi hoang dã, chuồng hở.

"Nếu trước khi nhận lợn mà tôi biết thế này tôi sẵn sằng nhường lợn ngay, bảo nhà tôi là không nên nhận nữa vì đằng nào nhà mình cũng mất tiền mua, dự án cũng chỉ hỗ trợ một phần, chứ thế này cũng ảnh hưởng ra, tôi cũng rất là buồn.

Nhiều khi tâm sự với bà ấy bảo là biết thế này thì thôi luôn, nhưng mà khi đó chủ đầu tư người ta cũng chả nói gì cả nên mình thấy cũng chấp nhận được. Mình cũng có phải là dùng cái quyền lực gì đâu, trên Sở họ về thẩm định rồi cấp mà. Hơi buồn đấy, nhất là cái thời điểm nhạy cảm này", ông Mùi cho hay.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI