Kiếm được nhiều tiền không hẳn thành công

01/12/2015 - 08:10

PNO - Nếu ai hỏi tôi thành công chưa, tôi nói “đang thành công”, vì tôi được sống với niềm đam mê của mình là sáng tạo ra nhiều sản phẩm có ích...

Tôi là chủ một doanh nghiệp cung cấp giải pháp và sản phẩm phần mềm với hàng chục nhân viên, nhưng nếu ai hỏi tôi giàu chưa, tôi nói “chưa”, vì hiện tôi vẫn đi xe máy, ở căn hộ nhỏ. Tuy vậy, nếu ai hỏi tôi thành công chưa, tôi nói “đang thành công”, vì tôi được sống với niềm đam mê của mình là sáng tạo ra nhiều sản phẩm có ích, và sống rất tự do, vui vẻ.

Từng đoạt nhiều giải trong các kỳ thi toán, vật lý của tỉnh Thuận Hải (cũ) và quốc gia ở các cấp tiểu học, THCS và THPT, hết bậc phổ thông, tôi thi vào khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đoạt điểm cao thứ ba toàn trường và là thủ khoa của khoa Cơ khí. Nhưng đây là sai lầm lớn của tôi, do thiếu thông tin và định hướng.

Vào học, mới thấy mình chọn nhầm ngành nên dù điểm học, điểm thi cao, tôi vẫn không hứng thú. Ra trường, như bao người khác, tôi đi xin việc; trong 5 năm, tôi đã trải qua ba công ty của Singapore, Philippines, Nhật, lương lần lượt là 300 - 500 - 1.000 USD/tháng. 1.000 USD/tháng là mức lương cao, nhưng tôi vẫn không thấy vui.

Kiem duoc nhieu tien khong han thanh cong
Anh Tuấn đang làm việc nhóm với nhân viên

Tại Việt Nam, máy móc, nguyên vật liệu không đủ để chế tạo ra sản phẩm cơ khí, trong khi chỉ cần bốn chiếc máy vi tính, người ta đã có thể làm ra sản phẩm phần mềm có giá trị. Mà bạn biết đấy, với dân kỹ thuật, niềm tự hào, sung sướng nhất là tạo ra được sản phẩm. Thế là tôi bỏ công việc đang làm để học công nghệ thông tin. Vừa học, tôi vừa đi dạy tin học ở các trung tâm để trang trải cuộc sống.

Trong 5 năm, tôi vùi đầu nghiên cứu và mày mò viết phần mềm, mỗi ngày làm việc 15 - 18 tiếng đồng hồ, không bạn bè, không bia rượu. Người ta bảo rằng “đại học Việt Nam chỉ đào tạo được cái cơ bản”, nhưng tôi cho rằng, ngay cả cái cơ bản, mình cũng chưa được đào tạo đủ.

Chẳng hạn như dạy logic, ngôn ngữ lập trình nhưng không dạy tư duy làm ra sản phẩm, tiêu chuẩn của một sản phẩm. Phải đi vào thực tế mới biết, để ra được thị trường, sản phẩm phải mới hơn, rẻ hơn, đẹp hơn; mọi yếu tố từ công nghệ, giá cả, kỹ thuật đều từ nhu cầu của khách hàng và vì khách hàng. Để viết được phần mềm cho một lĩnh vực nào đó, bạn phải rành rẽ đến từng chi tiết nhỏ của lĩnh vực đó. Không cách nào khác, tôi phải mày mò tự học.

Từ quá trình tự học lập trình, kế toán, cộng với kinh nghiệm tích lũy trong những năm làm việc cho các doanh nghiệp, đi bưng bê cà phê thời sinh viên, tôi đã tạo ra được một số sản phẩm hoàn chỉnh: phần mềm quản lý doanh nghiệp, phần mềm quản lý quán, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý phòng phân tích thí nghiệm... Khi ứng dụng, khách hàng rất ngạc nhiên vì nó chi tiết và tiện dụng, cứ như người làm trong lĩnh vực của họ soạn ra.

Năm 2005, tôi thành lập công ty. Vô vàn khó khăn bày ra trước mắt. Vốn của tôi chỉ là những chiếc máy vi tính, trong khi phải lo đủ thứ: vừa sản xuất, vừa tìm kiếm khách hàng, quản lý và trả lương nhân viên, lo công nghệ, cạnh tranh...

 Làm công ty vừa sản xuất, vừa kinh doanh không bao giờ dễ dàng, vấn đề là anh có niềm tin hay không, có “lì lợm” đi đến cùng hay không. Tôi hình dung đây là cuộc chơi mà mình phải một mình tả xung hữu đột. Tình trạng thiếu vốn, chậm lương xảy ra thường xuyên. Nhiều lúc, tôi phải dùng “chiêu” ứng lương và dùng tình cảm thuyết phục.

Một điều nữa là khi mở công ty sản xuất, bạn ít khi nhận được sự chia sẻ của người thân. Bởi, muốn làm ăn lâu dài, bạn phải chi ra rất nhiều để lo đủ khoản, trong đó có vấn đề xây dựng thương hiệu, nhưng người thân chỉ nhìn thấy hiện tại “không sáng sủa” của bạn.

Tôi nhớ mỗi mồng Một Tết, khi gia đình sum họp, cha tôi thường kêu mấy chị em tôi ngồi lại “báo cáo thành tích” với cả nhà. Các anh chị em tôi đều báo cáo những điều đáng mừng về thu nhập, cuộc sống, còn tôi thì không có gì để báo cáo.

Tôi chỉ nói: “Nếu ai có hỏi thằng Tuấn bây giờ làm gì, sống ra sao, cha mẹ cứ nói là nó làm gì tui không biết, chỉ biết mỗi tháng nó phải chi ra 300 triệu trả lương cho người ta”. Cha tôi nghe vậy, càng lo, ông còn sợ tôi nợ nần, vướng phải tù tội.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI