Hơn 60 nhân viên Posiba Việt Nam "mất tết" vì bị quỵt lương gần 40 tỷ đồng

28/12/2016 - 12:02

PNO - Hơn 60 nhân viên của công ty Posiba VN bị chậm 4 tháng lương với lời hứa “gần tết sẽ trả đủ ”; nhưng đến cận tết thì lãnh đạo CT biến mất, khiến người lao động chới với.

Những lời hứa ngọt

Posiba là công ty (CT) chuyên cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin, trụ sở chính tại Mỹ . Posiba VN 100% vốn nước ngoài, được cấp phép năm 2015, thu hút hơn 60 LĐ làm việc thường xuyên. Từ tháng 4/2016, Posiba bắt đầu chậm trả lương cho NLĐ.

Anh Nguyễn N. C., một trong những nạn nhân, bức xúc: “Từ tháng 4/2016 CT đã trễ lương, quản lý giải thích là do trục trặc từ ngân hàng nên CT mẹ chưa chuyển tiền qua kịp. Sang tháng Năm rồi tháng Sáu cũng vậy, họ lại nói do CT mẹ có chút trục trặc với các nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng vì nghĩ một CT công nghệ thông tin lớn của Mỹ lẽ nào lại không có tiền trả lương cho mấy chục NLĐ ở VN? Sau vài tháng không thấy lương, một số người không còn tin nữa, nên gửi email đòi lương; một số khác tỏ thái độ bằng cách nghỉ việc”.

Tại CT có những trường hợp đặc biệt khó khăn nhưng cũng bị nợ lương. Cụ thể như chị Nguyễn Thị T. là kỹ sư phụ trách giao diện, lương khoảng 23 triệu/ tháng. Từ tháng 6/2016, chị bị chậm lương. Đến tháng 9/2016, chị “kêu gào” vì đang mang thai mà không có lương để trang trải cuộc sống. CT ứng nhỏ giọt cho chị được hai lần, lần đầu năm triệu đồng, lần sau ba triệu đồng. Đầu tháng 10, chị sinh con, lại tiếp tục đòi nợ lương, CT cũng chỉ ứng thêm được 10 triệu đồng.

Chị bức xúc: “Tôi đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở CT cũ gần 10 năm, giờ qua Posiba, khi đi sinh mới tá hỏa khi biết CT đã không đóng BH cho tôi. Tôi phải sinh con trong tình cảnh vừa không có lương, vừa không được thanh toán BH”.

Hon 60 nhan vien Posiba Viet Nam
Ba trong số hơn 60 nạn nhân bị Posiba quỵt lương, xem như năm nay họ mất tết.

Một LĐ khác là anh Nguyễn A. K., bị trễ lương hơn ba tháng nhưng vẫn kiên nhẫn chờ . Anh làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) một năm, đến 3/8/2016 là hết hạn. Không thấy CT nhắc nhở, anh đinh ninh mình tiếp tục được làm việc; bất ngờ đầu tháng Tám, CT thông báo chấm dứt HĐ. Việc chấm dứt HĐ này là sai luật  vì CT không hề báo trước cho NLĐ. Không chỉ bị cho nghỉ việc “ngang xương”, anh còn bị nợ lương, thưởng hơn 100 triệu.

Anh K. chia sẻ : “Sở dĩ CT nợ lương kéo dài được như vậy là do bà Nguyễn Thị Ái Hiền (Giám đốc Posiba VN) vẫn luôn nhã nhặn và ngọt ngào với nhân viên. Bà Hiền biết rõ tình trạng tài chính của CT nhưng lừa dối mọi người một cách trơn tru, khiến NLĐ tin tưởng mà tiếp tục làm việc, cuối cùng mới vỡ ra là mình bị lừa”.

Chủ cuốn gói, người lao động kêu ai?

Từ tháng 6/2016, tiếng là CT chậm lương nhưng thực tế là không hề trả lương cho NLĐ. Nhân viên toàn CT choáng váng khi biết Posiba VN đã âm thầm trả mặt bằng, chỉ giữ lại địa chỉ để lắp hộp thư, khiến từ quản lý đến nhân viên không còn nơi để làm việc nữa. Khi sự việc vỡ lở , ước tính hơn 60 NLĐ bị nợ lương khoảng 40 tỷ đồng, trong đó Posiba VN nợ BHXH khoả ng 2,9 tỷ đồng. Một số NLĐ tuyệt vọng đã tự tìm công việc mới. Tuy nhiên, vì Posiba VN không đóng BHXH một thời gian dài, nên cơ quan BHXH không thể “chốt sổ ” với NLĐ để chuyển qua HĐ BH với CT mới của họ .

Anh N.C. ấm ức: “Tôi bị nợ lương hơn 300 triệu, giờ đành chịu mất, coi như mất cái tết. Tôi vừa tìm được công việc mới nhưng bị kẹt BHXH, CT mới không thể đóng BH cho tôi vì chưa “chốt sổ ” được ở Posiba”.

Ngày 22/12, chúng tôi liên lạc với bà Ái Hiền về sự việc trên, bà cho biết đang ở Mỹ , yêu cầu gửi câu hỏi để bà trả lời bằng email. Tuy nhiên, những câu hỏi chúng tôi gửi đi không hề được trả lời. Các nhân viên của Posiba gọi điện thoại đều bị bà Hiền né tránh. NLĐ ở Posiba đã làm đơn khiếu nại gửi Liên đoàn Lao động Q.1 nhưng Posiba VN đã không cử đại diện đến dự buổi làm việc theo thư triệu tập. Liên đoàn Lao động Q.1 đành... chào thua! Sự việc đã không còn có thể hòa giải. Ngay cả kiện ra tòa, NLĐ cũng khó đòi lại được lương của mình, vì người họ có thể “níu áo” được là bà Ái Hiền cũng đã sang Mỹ (như lời bà Hiền cho biết).

Từ sự việc này, có thể thấy, việc theo dõi, quản lý đối với hoạt động doanh nghiệp nước ngoài tại VN còn quá lỏng lẻo, nên khi chủ sử dụng LĐ “trở mặt” là NLĐ… lãnh đủ!

Luật sư Bùi Trung Linh (Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc công ty luậy LPT Lawyers): Chưa thể xử lý triệt để những chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Người sử dụng LĐ không trả lương đầy đủ cho NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật LĐ, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, NLĐ có thể khiếu nại lên Thanh tra LĐ hoặc gửi đơn yêu cầu hỏa giải viên LĐ giải quyết tranh chấp. Nếu không hòa giải được, NLĐ có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện nơi CT đặt trụ sở để được giải quyết.

Trong trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho NLĐ, hiện vẫn chưa có quy phạm pháp luật hướng dẫn để xử lý ngoài Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NLĐ mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì căn cứ hồ sơ về doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, căn cứ vào sổ sách kế toán và các tài liệu có liên quan, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm xác định NLĐ có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, trong đó xác định cụ thể tiền lương còn nợ của từng NLĐ. Tuy nhiên, điều khoản này chỉ đề cập đến những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn trong năm 2009.

Ngoài ra, trong trường hợp hết thời hạn ba tháng kể từ ngày thực hiện nghĩa vụ trả lương, NLĐ có thể nộp đơn yêu cầu TAND mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp. Theo quy định của khoản 2, điều 5 Luật Phá sản 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thì “NLĐ, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với NLĐ mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”. Khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, nợ lương của NLĐ sẽ được thanh toán ngay sau khi trừ chi phí phá sản.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI