Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình

28/05/2013 - 07:01

PNO - PN - Theo chân một cán bộ Hội LHPN P.11, Q.5, TP.HCM đến các cơ sở làm đầu lân trên địa bàn phường, chúng tôi bị cuốn hút bởi những sản phẩm phong phú nơi đây. Càng vui hơn khi chúng tôi được thông tin, nghề làm đầu lân đang mở ra...

Hai bên đường Lương Nhữ Học, có nhiều cửa hàng bày bán đầu lân, quần áo, dụng cụ múa lân. Nhà chị Trần Thị Ngọc Ánh (số 124 Lương Nhữ Học), khá chật chội bởi hàng trăm đầu lân đủ kích cỡ. Gia đình chị Ánh theo nghề đã hơn 30 năm, nhưng vẫn giữ cách làm đầu lân theo phương pháp truyền thống: dựng khung, bồi giấy và vẽ đều làm thủ công.

Chị Ánh cho biết: “Ngoài Tết Nguyên đán thì Tết Trung thu, hay dịp lễ, mừng khai trương… cũng không thể thiếu sự xuất hiện sôi động của các đội lân-sư-rồng. Vì vậy, chúng tôi có thêm nhiều đơn hàng, nhất là sản phẩm dành cho trẻ em như đầu lân nhỏ, đầu ông địa, trống. Lân nhỏ dễ làm nên thu hút nhiều PN tham gia. Chị em có thể làm tại xưởng hoặc nhận gia công tại nhà”.

Cửa hàng của ông Lâm Văn Ky (số 128 Lương Nhữ Học) treo kín đầu lân, thu hút khá đông khách đến mua. Tay thoăn thoắt trang trí cho những chiếc đầu lân, ông vui vẻ cho biết đã làm nghề này gần 50 năm. Năm nào đến Trung thu cũng tấp nập, nhất là trẻ em. Khách đã ghé xem hàng thì không thể về tay không.

Chị Kiều Vy theo nghề được hai năm, bộc bạch: “Trăm hay không bằng tay quen, nghề gì cũng phải miệt mài, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và yêu thích nghề thì mới có sáng tạo. Đầu lân chỉ đẹp khi người làm ra nó có thật sự chú tâm và kiên nhẫn”.

Ho tro hoi vien phat trien kinh te gia dinh

HV PN có thể nhận gia công đầu lân tại nhà với thu nhập một-hai triệu đồng/tháng

Theo các chủ cơ sở sản xuất, để có đủ đầu lân cung ứng cho thị trường mùa Trung thu, họ bắt tay vào làm từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch. Làm đầu lân trải qua nhiều công đoạn, từ tạc khuôn, đắp giấy, đến phơi khô. Đó mới là những bước đơn giản nhất; để hoàn chỉnh, người thợ cần có chút năng khiếu về nghệ thuật, từ khả năng pha màu cho tới việc vẽ hoa văn trang trí. Lân “chuyên nghiệp” thì phải toát lên được thần thái oai vệ dũng mãnh, còn lân cho trẻ em phải vui tươi, nét hồn nhiên toát ra từ mắt lân, sắc màu. Thị hiếu chơi lân-sư ngày càng thay đổi. Ngày xưa, đầu lân, sư tử chỉ cần quét sơn; nhưng vài năm trở lại đây, sản phẩm này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn như dán vải kim sa, lông vũ, mắt lân, gắn đèn chớp để sống động.

Từ chỗ chưa có việc làm, vợ chồng chị Hà Vân đã có thể sống khỏe với nghề, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Vân vui vẻ: “Nhờ Hội PN giới thiệu tôi theo nghề đến nay đã hơn 5 năm. Để tăng thêm thu nhập, tôi còn nhận may đuôi lân, đuôi rồng, làm quạt ông địa, làm trống… Những lúc hàng nhiều, tôi gọi thêm các chị trong xóm cùng làm”.

Chị Bùi Thị Nguyệt Hà, Chủ tịch Hội LHPN P.11, Q.5 cho biết: “Nghề này dễ học, dễ làm, thu nhập khá, đặc biệt phù hợp với PN, các gia đình có nhu cầu làm việc tại nhà. Hội PN đã phối hợp với Tổ công tác phụ nữ Hoa lồng ghép, giới thiệu nghề đến các gia đình HV PN chưa có việc làm; Hội còn dành nguồn kinh phí để hỗ trợ các gia đình có nhu cầu vay vốn mua nguyên vật liệu, mở rộng cơ sở sản xuất”.

Chia tay với những người thợ làm đầu lân, chúng tôi nhớ mãi lời của những nghệ nhân không chuyên nhưng tâm huyết với nghề: “Dù nghề có nhiều thăng trầm nhưng tôi quyết giữ nghề và truyền lại cho các bạn trẻ. Mong ước của chúng tôi là những Tết Trung thu luôn có đầu lân xuất xứ Việt Nam góp vui cho con trẻ mà không lo có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI