Hai ngày, bốn hội thảo phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Nhiều quy định pháp luật chưa ổn

12/12/2016 - 07:12

PNO - Trong hai ngày 9 và 10/12, tại Hà Nội và TP.HCM đã liên tiếp diễn ra những buổi hội thảo, tọa đàm liên quan đến một vấn đề nhức nhối: xâm hại tình dục trẻ em.

Ngay thời điểm trên, Phunuonline.com.vn đưa tin hết sức đau lòng: “Bé gái tám tuổi bị xâm hại trong trường học”. Sự việc diễn ra ngay tại nhà vệ sinh của trường tiểu học Trần Phú A (thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vào chiều 7/12. Công an huyện Chương Mỹ xác nhận đang điều tra vụ việc.

Phát biểu tại diễn đàn “Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD)”, do Hội BVQTE Việt Nam phối hợp với Mạng BVQTE (CRnet) tổ chức, bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết:

“Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo cáo, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị XHTD, chiếm hơn 60% số vụ trẻ em bị xâm hại. Những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị XHTD có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng bạo lực, XHTD trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em”.

Hai ngay, bon hoi thao phong, chong xam hai tinh duc tre em: Nhieu quy dinh phap luat chua on
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo tham vấn Chương trình can thiệp thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM.

Theo khuyến cáo của thứ trưởng, nếu không chung sức bảo vệ trẻ em trước vấn nạn XHTD, chắc chắn những con số này sẽ không ngừng gia tăng. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ chọn chủ đề tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là ”Phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Tuy nhiên, rời hội thảo, nhiều đại biểu rất băn khoăn, không biết những khuyến nghị, đề xuất của họ về công tác bảo vệ trẻ em có được quan tâm, nhìn nhận nghiêm túc và thấu đáo hay chỉ là những tiếng chuông gióng lên trong vô vọng?

TS-LS Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư BVQTE TP.HCM trăn trở: “Nếu thẳng thắn với nhau, cần ngồi lại và sửa ngay những điều chưa được”. Bà chỉ ra cụ thể sự “vênh” nhau của các quy định pháp luật như quy định tại khoản 1 điều 12 Bộ luật Hình sự về “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm tội”, nhưng điều 115 về “tội giao cấu với trẻ em” và điều 116 về “tội dâm ô với trẻ em” lại quy định người từ đủ 18 tuổi mới phải chịu hình phạt tù…

Bộ luật này cũng không đề cập đến đối tượng nạn nhân bị XHTD là trẻ em nam, khiến công tác phòng ngừa và xử lý còn lúng túng, chưa hiệu quả. Thậm chí, Luật Trợ giúp pháp lý cũng chưa xem trẻ em bị XHTD là đối tượng được trợ giúp pháp lý, mâu thuẫn với Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực thi hành ngày 1/6/2017…

Điều đau lòng nhất chính là số vụ trẻ em bị XHTD được phát hiện trong thời gian gần đây rất nhiều, nhưng số lượng vụ án được đưa ra xét xử rất ít. LS Nguyễn Phi Hùng - Chi hội LS BVQTE TP.Đà Nẵng bức xúc: “Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội từ năm 2012-2015 trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã xảy ra hơn 70 vụ XHTD trẻ em được trình báo, nhưng trong hai năm 2014-2015, TAND TP.Đà Nẵng chỉ đưa ra xét xử sơ thẩm được ba vụ, đầu năm 2016 đến nay xét xử thêm một vụ. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là nhiều vụ việc phát hiện quá muộn, không còn những chứng cứ để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng thủ ác”.

LS Lê Thị Ngân Giang - Chi hội trưởng Chi hội LS BVQTE TP.Hà Nội kiến nghị trong biên bản giám định pháp y cần có kết quả về mức độ tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân bị XHTD để có cơ sở cho việc đền bù khắc phục hậu quả. Bà cho biết: “Tổn thất tinh thần đối với đứa trẻ bị XHTD có thể là thương tật suốt đời, nhưng trong biên bản kết quả giám định pháp y từ trước đến nay hầu như mục này hoàn toàn bỏ trống”.

LS Nguyễn Sơn Lâm - Đoàn Luật sư TP.HCM đề xuất: “Phải thay đổi trình tự thủ tục tố tụng về hình sự. Với tội XHTD trẻ em phải gấp rút về mặt thời gian. Theo tôi, quy định về tố tụng hiện nay không ổn. Quy trình quá chặt chẽ, nghiêm ngặt đến từng chi tiết. Còn cơ quan tiến hành tố tụng vì muốn tránh oan sai, đã làm “rất kỹ”, vô tình kéo dài thời gian, gây tổn thương thêm cho trẻ. Nên chăng, với những trường hợp quả tang thì không cần yêu cầu giám định pháp y thêm nữa”.

Đồng tình với quan điểm này, bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên thường trực Hội BVQTE Việt Nam đề xuất, Quốc hội cần có cơ chế, phân công cụ thể việc giám sát các vụ án đặc biệt này, đặc biệt là các vụ án bị kéo dài và vi phạm tố tụng... Bà nói: “Điều cần nhất là Bộ Công an phải đào tạo điều tra viên chuyên điều tra các vụ án về XHTD trẻ em để có khả năng điều tra nhanh và không để lọt tội phạm vì nạn nhân các vụ án này còn nhỏ tuổi; tâm, sinh lý còn phát triển chưa đầy đủ. Phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án XHTD trẻ em”.

Để tránh sự “thỏa thuận” giữa gia đình nạn nhân và kẻ thủ ác nhằm nhận “chìm xuồng” các vụ XHTD trẻ em, tại hội thảo “Tham vấn Chương trình can thiệp thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do Sở LĐ- TB-XH TP.HCM và cơ quan của Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 9/12, bà Tôn Nữ Ái Phương (Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM) kiến nghị: “Ngay cả khi phụ huynh, nạn nhân chọn im lặng, rút đơn tố cáo, khiếu nại thì pháp luật cũng cần có cơ chế xử lý các đối tượng quấy rối, xâm hại trẻ”.

Hai ngay, bon hoi thao phong, chong xam hai tinh duc tre em: Nhieu quy dinh phap luat chua on
Ông Tạ Văn Hạ (bìa trái) - Thường trực UB Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội trao đổi với các lãnh đạo Hội BVQTE Việt Nam và TP.HCM bên lề hội thảo.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo sáng 10/12, ông Tạ Văn Hạ - Thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khẳng định: ”Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này, cần lấp ngay những lỗ hổng pháp luật, đẩy mạnh việc giám sát những vụ án XHTD trẻ em. Phải nhìn nhận lại vấn đề: vì sao số vụ việc phát hiện thì nhiều mà số vụ án được đưa ra xét xử chiếm một tỷ lệ quá ít. Không làm, chúng ta sẽ ”hối” không kịp”.

Nghi Anh - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI