BV Đại học Y Dược TP.HCM tiêm nhầm thuốc làm bệnh nhân hôn mê

23/01/2015 - 15:54

PNO - PN - Chỉ vì một phút bất cẩn của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, hôn mê sâu suốt hơn hai tháng qua và chưa biết khi nào tỉnh lại…

edf40wrjww2tblPage:Content

“Sợt” thuốc cầm máu, nhầm thuốc… dãn cơ

Ngày 7/11/2014, một bệnh nhân (BN) nữ đến Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM để trị bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) BV ĐH Y Dược TP.HCM nhận định, BN bị trĩ nội độ III và đã tiến hành phẫu thuật, điều trị cho người bệnh bằng phương pháp Logo. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, về nhà, BN này thấy vùng hậu môn bị đau, rỉ dịch, nên đã trở lại BV tái khám.

Trưa ngày 14/11/2014, sau khi tái khám, nghi ngờ BN bị biến chứng sau phẫu thuật, vết mổ có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các BS BV ĐH Y Dược TP.HCM đã cho BN này nhập viện. Điều đáng nói là BS ra y lệnh một đằng, điều dưỡng lại nhập tên thuốc một nẻo và tai họa đã xảy ra. Sau khi bị tiêm nhầm thuốc, BN bị sốc thuốc và hôn mê từ đó đến nay.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, sau khi tiêm nhầm thuốc chừng vài phút, mạch, huyết áp của BN thay đổi bất thường. Các BS đã lập tức triển khai việc hồi sức cấp cứu, tuy nhiên, sức khỏe người bệnh vẫn không tiến triển. BN dần rơi vào trạng thái hôn mê.

Quá trình rà soát lại quy trình cho thấy, sai sót này là do nhân viên điều dưỡng. Dù BS đã kê toa cụ thể, chữ viết khá rõ ràng nhưng... vì ỷ vào máy móc nên khi “search” thuốc trong danh mục (gõ những chữ cái đầu của thuốc, danh sách thuốc hiện ra trên máy tính), điều dưỡng đã chọn nhầm sang loại thuốc dãn cơ. “Nhân viên điều dưỡng chủ quan khi cho rằng thuốc dãn cơ có thể giúp cho cơ ở vùng hậu môn người bệnh dãn ra nhằm giảm đau cho người bệnh. Sau đó toa thuốc này được chuyển xuống khoa dược của BV” - một BS BV ĐH Y Dược giải thích. Sau đó, nhân viên khoa dược cũng không đối chiếu với toa thuốc gốc của BS kê cho BN mà chỉ đối chiếu với “toa thuốc nhầm” để cấp thuốc cho nhân viên y tế đi tiêm cho BN.

BV Dại học Y Duoc TP.HCM tiem nham thuoc lam benh nhan hon me

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã để xảy ra sai sót

Trông mong vào điều kỳ diệu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã hơn hai tháng qua, BN vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy... PGS-TS-BS Trương Quang Bình nhìn nhận: “Đây là một sự việc hết sức đáng tiếc. Chúng tôi đã và đang nỗ lực để chạy chữa cho người bệnh. BV đã lập ra một hội đồng chuyên môn gồm nhiều chuyên gia hàng đầu để hàng ngày hội chẩn, chữa trị cho người bệnh. Tập thể y BS cũng như gia đình người bệnh vẫn hy vọng với những nỗ lực ấy, một lúc nào đó, điều kỳ diệu sẽ xảy ra”.

Theo PGS-TS-BS Trương Quang Bình, BV đã rà soát lại quy trình khám chữa bệnh: họp toàn thể BV để chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh, đồng thời báo cáo vụ việc lên Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo. BV cũng đã điều chuyển chuyên môn hai nhân viên điều dưỡng liên quan đến vụ việc sang làm công tác khác (không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh) và thay đổi điều dưỡng trưởng của BV. Bên cạnh đó, BV cũng tập huấn lại quy trình nhập, cấp phát thuốc.

Theo một chuyên viên y tế, sự việc trên không chỉ là tiếng chuông cảnh báo cho BV ĐH Y Dược TP.HCM mà còn là bài học cho các BV khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có không ít BV đang thực hiện tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhân viên y tế, BS, điều dưỡng chưa được tập huấn; BV chưa có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát, hạn chế sai sót. Tại TP.HCM, vào đầu tháng 12/2014, cũng đã xảy ra một trường hợp sau khi BS kê toa trong sổ khám chữa bệnh, nhân viên điều dưỡng nhập sai thuốc, thiếu thuốc vào toa điện tử.

TIẾN ĐẠT

Cần xử lý nghiêm minh

 Trong vụ này, rõ ràng lỗi thuộc về điều dưỡng do tra cứu tên thuốc sai; đồng thời, người tiêm thuốc cho BN cũng có lỗi. Mặc dù luật không quy định cụ thể quy trình cấp phát thuốc và tiêm thuốc cho BN như thế nào, nhưng quy tắc nghề nghiệp có đề cập. Cụ thể là Quy tắc “3 tra 5 đối”. Trước khi tiêm thuốc cho BN, điều dưỡng phải kiểm tra ba nội dung: họ tên BN, tên thuốc, và liều lượng thuốc; bên cạnh đó phải thực hiện năm đối chiếu: số giường, buồng bệnh; nhãn thuốc; chất lượng thuốc hiện tại; đường dùng thuốc (tiêm cơ, tiêm tĩnh mạch, hay cho uống); thời gian dùng thuốc so với hồ sơ bệnh án, y lệnh của BS chứ không phải là dựa vào toa thuốc từ phòng dược chuyển cho (trừ khi toa này có chữ ký của BS điều trị).

Do đó, nếu người điều dưỡng thực hiện đúng quy tắc này thì hậu quả sẽ không xảy ra, cho dù có search thuốc nhầm. Tùy theo hậu quả thực tế gây ra cho BN, nếu BN không may bị tử vong do tiêm nhầm thuốc thì người điều dưỡng tiêm thuốc nhầm cho BN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo điều 99 B luật Hình sự; nếu BN không tử vong thì điều dưỡng có thể bị truy cứu tội "vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo điều 109 Bộ luật Hình sự.

Do điều dưỡng gây ra sự cố này là người của BV nên BV phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất (chi phí điều trị, thu nhập BN bị mất trong thời gian điều trị, chi phí người thân chăm sóc) và thiệt hại về tinh thần cho BN (nếu BN còn sống) hoặc cho người nhà của BN (nếu BN không may bị tử vong), và tiền cấp dưỡng cho những người phụ thuộc vào BN nếu BN tử vong hoặc mất khả năng lao động. Sau đó, BV có thể yêu cầu người điều dưỡng gây ra thiệt hại bồi hoàn lại cho BV những khoản tiền mà BV đã bỏ ra.

Theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh vụ này để các nhân viên y tế có ý thức và trách nhiệm hơn trong công việc của mình.

Luật sư Phùng Thanh Sơn 
(Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI