Bất ngờ đóng cửa bến Bạch Đằng, DN tàu du lịch, nhà hàng nổi chới với

10/01/2015 - 07:12

PNO - PN - Ngày 8/1, 30 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, nhà hàng nổi tại khu vực cảng Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) đã gửi đơn kêu cứu đến UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải và Sở Du lịch TP.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước đó, theo thông báo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hạn chót ngày 15/1, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, nhà hàng nổi neo đậu tại bến Bạch Đằng phải chấm dứt hoạt động để nâng cấp, sửa chữa cảng. Điều đáng nói, các phương tiện này vẫn chưa có địa điểm tạm để neo đậu.

Thuyền không bến, doanh nghiệp có nguy cơ “chết đuối”

Theo các doanh nghiệp (DN) kinh doanh tàu du lịch, nhà hàng nổi tại bến Bạch Đằng, họ hoạt động tại đây đã hơn 20 năm. Trước đây, các DN hoạt động chủ yếu tự phát. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2001, họ bắt đầu được cấp giấy phép hoạt động theo từng năm. Trong suốt thời gian này, họ đã nhiều lần nghe thông tin đóng cửa bến Bạch Đằng để nâng cấp, sửa chữa nhưng khi nào thực hiện thì chưa bao giờ được thông báo chính thức.

Do đó, suốt 14 năm qua, cứ đến cuối năm, giấy phép hết hạn, các DN lại xin giấy phép hoạt động mới. Vừa qua, khi còn khoảng một tuần nữa giấy phép hoạt động hết hạn, trong lúc các DN chuẩn bị xin giấy phép mới thì Sở GTVT thông báo không tiếp tục cấp phép hoạt động khiến các DN chới với, trở tay không kịp.

Theo ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty thuyền buồm Đông Dương, ngày 31/12/2014 là giấy phép hoạt động của các DN hết hạn, nhưng ngày 25/12/2014, đại diện Sở GTVT mới thông báo chủ trương của UBND TP không tiếp tục cấp phép. Nhận được thông báo, các DN đồng loạt kiến nghị Sở GTVT gia hạn hoạt động. Vài ngày sau, Sở GTVT thông báo gia hạn hoạt động đến ngày 15/1/2015. Thế nhưng, sau thời gian này, các tàu du lịch, nhà hàng nổi sẽ đi đâu thì Sở không đề cập.

“Chúng tôi hỏi, họ nói DN tự tìm bến đỗ. Trong khi theo quy định, tàu thuyền muốn dừng đậu ở đâu phải được cơ quan chức năng cấp phép. Họ nói như thế chẳng khác nào giết chúng tôi”, ông Lâm nói. Công ty ông Lâm hiện có ba nhà hàng nổi, bảy tàu du lịch với hơn 60 nhân viên. Sau khi đóng cửa, nếu không có bến đậu thay thế thì công ty chỉ còn cách giải thể. Hiện nay các cán bộ nhân viên của công ty rất hoang mang.

Tương tự, theo bà Ngô Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty TNHH tàu nhà hàng số 168, hiện công ty này có một tàu lớn, một tàu nhỏ với 47 nhân viên. Nếu sắp tới không có điểm đậu mới, không hoạt động kinh doanh được thì nhiều khả năng công ty phải cho nhân viên nghỉ việc. Một số DN đề nghị, sẵn sàng góp vốn cùng Nhà nước làm cầu cảng, bến đỗ tạm; buộc DN dừng hoạt động đột ngột như vậy chẳng khác nào “khai tử” DN.

Bat ngo dong cua ben Bach Dang, DN tau du lich, nha hang noi choi voi

Cần có lộ trình

Theo các DN, không chỉ cần có cầu cảng thay thế trong thời gian đóng cửa bến Bạch Đằng mà cần có thêm thời gian để DN chuẩn bị, nếu không, họ sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Đặc biệt, thời điểm này cận Tết, là mùa cao điểm làm ăn của các DN.

Theo ông Lâm, do trước đó không biết thông tin đóng cửa bến Bạch Đằng nên vào tháng 9/2014, công ty của ông vẫn thực hiện các kế hoạch xúc tiến du lịch đường sông. Hiện công ty còn khoảng 80 hợp đồng ký kết với các DN lữ hành kéo dài qua Tết Nguyên đán. Trong đó, có nhiều hợp đồng đưa đón các đoàn khách Nhật và khách các nước phương Tây. Vì vậy, nếu phải đóng cửa vào thời điểm này, ông sẽ phải bồi thường hàng loạt hợp đồng, thiệt hại rất nặng nề.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Sài Gòn River Tour cho biết, hiện công ty đang hợp đồng với 40 đoàn khách du lịch trong, ngoài nước kéo dài đến tháng 4/2015. Vì vậy, nếu đóng cửa vào thời điểm này, Sài Gòn River Tour phải bồi thường, có nguy cơ phá sản.

Theo các DN, hiện tại bến Bạch Đằng có tổng cộng 30 DN với chín nhà hàng nổi; hơn 50 ca nô, tàu du lịch; hơn 500 cán bộ công nhân viên. Trước nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, các DN đã nhiều lần kiến nghị Sở GTVT kéo dài thời gian đóng cửa bến Bạch Đằng đến tháng 3/2015 và lập bến bãi mới cho tàu, thuyền neo đậu trước khi đóng cửa, nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, việc TP tạm đóng cửa để chỉnh trang công viên cảng Bạch Đằng là đúng, nhưng cần có kế hoạch thực hiện sao cho hạn chế thấp nhất ảnh hưởng hoạt động của DN. Phía sau DN còn liên quan đến công ăn việc làm của hàng trăm nhân viên.

Mặt khác, hoạt động của DN còn liên quan đến hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác trong, ngoài nước. Việc ngưng hoạt động đột ngột dễ khiến DN quốc tế lo ngại, vì nơi đây mỗi ngày đón đến cả ngàn khách… Sắp tới, Sở Du lịch sẽ gửi văn bản kiến nghị UBND TP xem xét các vấn đề DN đề xuất.

Chiều 8/1, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định: “Hiện Sở đang tiến hành khảo sát các địa điểm mới để tàu du lịch, nhà hàng nổi của DN neo đậu trước khi đóng cửa bến Bạch Đằng. Sau khi có kết quả, sẽ kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận. Sẽ không có chuyện bến Bạch Đằng tạm đóng cửa mà DN vẫn chưa có điểm thay thế để neo đậu tàu thuyền”.

PHAN TRÍ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI