Bảo tồn di tích: Càng chậm càng lãng phí

13/06/2013 - 14:57

PNO - PN - Mỗi bước đi sai, việc bảo tồn di tích lại “ngốn” thêm một khoản tiền tăng với cấp số nhân. Thêm vào đó, việc thiếu một cơ chế quản lý linh hoạt còn đang khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều nguồn tiền quan trọng từ xã...

Đó là vấn đề được thảo luận khá kỹ tại Hội nghị toàn quốc về quản lý di tích (Cục Di sản văn hóa tổ chức sáng 11/6 tại Hà Nội). Trước đó, những rắc rối tại chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, đàn Xã Tắc... đã khiến việc bảo tồn di tích trở thành một “điểm nóng” của dư luận.

Bao ton di tich: Cang cham cang lang phi

Khai quật di chỉ Đàn Xã Tắc. Ảnh Hạnh Phương (VTC.vn)

1. 31 tỷ cho việc trùng tu chùa Một Cột. 500 tỷ đồng để giãn dân và bảo tồn tại làng cổ Đường Lâm. Rồi, từ 650 - hơn 1.000 tỷ đồng dự kiến rót vào cầu vượt với mục đích “né” đàn Xã Tắc. Dù chưa triển khai, những con số khổng lồ ấy cũng là một phần lý do khiến ba di tích trên được chú ý cao độ trong thời gian qua.

“Tôi tiếc vô cùng về lần khai quật đàn Xã Tắc năm 2005” - một chuyên gia khảo cổ cho biết. Ở thời điểm đó, đàn Xã Tắc được khai quật lần đầu và lấp cát, tạo “đảo giao thông”. Khi đó, đường vành đai I đang thi công dở và vẫn còn hơn 1km nữa mới tiếp cận với vị trí của di tích khảo cổ này. Trong thời điểm các chỉ số về giá đất, mật độ dân cư, lưu lượng giao thông... còn thấp hơn hiện tại rất nhiều, các chuyên gia sẽ có điều kiện để lựa chọn việc mở rộng khai quật, khoanh vùng bảo vệ hay chí ít là xác định vùng “lõi” của cụm di tích để chủ động điều chỉnh lại tuyến đường trước khi “đụng” vào di tích.

Đáng nói, chỉ giới đường vành đai I cũng đã được xác định ngay từ đầu những năm 2000 - trong khi quy hoạch khảo cổ học sơ bộ của Hà Nội vào năm 2000 xác định, trục đường gần Đê La Thành là vùng đậm đặc di tích và nằm trong khu bảo vệ cấp 1. Kết quả, sự chậm trễ, thiếu tính toán của bảy năm về trước đã dẫn tới việc không thể khoanh vùng và tạo “đảo giao thông” cho di tích đàn Xã Tắc như mong muốn của các nhà khảo cổ. Ngược lại, phương án đang được UBND TP. Hà Nội lựa chọn là xây chiếc cầu cong hai nhánh hình chữ Y để vượt qua khu vực di tích này.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với việc bảo tồn phố cổ Hà Nội. Năm 1999, phương án giảm bớt áp lực dân số để bảo tồn di tích này được xây dựng và giao cho chính quyền quận Hoàn Kiếm thực hiện. Dân số tại 100ha phố cổ khi đó là 86.000 người, Hà Nội quyết tâm giảm số này xuống 60.000 người để giảm bớt áp lực lên vùng di tích. Quỹ đất tái định cư khi đó bao gồm 44ha, phân bố tại Việt Hưng và Ngọc Thụy (đều thuộc Gia Lâm) và vài khu đất nhỏ dọc trục đường Nguyễn Văn Cừ. Đây là vùng diện tích được coi là hợp lý, vì chỉ cách khu phố cổ vài km qua con sông Hồng. Kinh phí cho dự án là 800 tỷ đồng - một con số cực lớn vào thời điểm 1999.

Tuy nhiên, vì thiếu biện pháp vận động người dân hợp lý, dự án này đã không trở thành hiện thực. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên KTS Trưởng TP. Hà Nội), việc Hà Nội không hình thành thêm được một khu trung tâm nào trong hơn chục năm qua đã khiến giá đất và mật độ dân số trong phố cổ tiếp tục tăng với mức khủng khiếp, khu vực quỹ đất dự kiến tái định cư chỉ còn lại có 11ha vì đã sử dụng phần lớn vào xây dựng chung cư.

2. “Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích các cấp. Nếu di tích nào cũng đề xuất được đầu tư một khoản kinh phí lớn như Đường Lâm thì đó là chuyện bất khả thi”. Một lần nữa, nhận xét của lãnh đạo TP. Hà Nội được nhắc lại bên lề hội nghị, như ví dụ điển hình về sức ép kinh phí lên Nhà nước trong công việc đặc thù này. Theo nhận xét chung của nhiều chuyên gia, việc chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phí được “rót” xuống này phần nào đã dẫn tới sự đình trệ, chậm triển khai của hàng loạt di tích quốc gia trọng điểm.

“Vấn đề là cách làm. Có giàu đến mấy, cũng không quốc gia nào đủ sức... bao thầu toàn bộ kinh phí để trùng tu di tích hay phát triển công trình công cộng, để rồi người hưởng lợi chỉ là những cá nhân may mắn sống quanh khu vực đó” - một chuyên gia về di sản khẳng định. Cụ thể hơn, theo GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), các thành phố phát triển trên thế giới thường vận dụng cơ chế rất linh hoạt để thu hút nguồn vốn đầu tư cho di sản. Trong đó, ngoài cơ hội “quảng cáo” cho thương hiệu - vấn đề được các doanh nghiệp quốc tế rất quan tâm, việc tài trợ cho di tích còn là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp được chính quyền thành phố xét cắt giảm thuế, hoặc hỗ trợ giá thuê địa điểm...

Thực tế cho thấy, trong điều kiện của VN, việc tìm nguồn lực hỗ trợ cho các dự án trùng tu di tích không phải đã đến mức hết “lối ra”. Điển hình, chỉ xét tới các di tích gắn với tín ngưỡng, việc nhà chùa vận động được tiền công đức của khách thập phương khi tu bổ, sửa chữa là khá phổ biến. Đơn cử, ngay với việc trùng tu chùa Một Cột, theo sư trụ trì Thích Tâm Kiên, nhà chùa sẵn sàng đứng ra tự lo toàn bộ nguồn kinh phí 31 tỷ đồng, với điều kiện cơ quan chức năng sớm thông qua dự án đã bị “treo” suốt 5 năm này.

Chỉ có điều, theo thống kê từ ngành quản lý, những sai phạm trong trùng tu thời gian qua chủ yếu đến từ các mô hình “xã hội hóa” như vậy. Bài học về việc tu bổ “quá tay” chùa Trăm Gian năm 2012 là ví dụ điển hình. Phân tích của giới khảo cổ cho thấy: sự thiếu chặt chẽ về quản lý, thiếu chuyên môn cơ bản của lực lượng thợ địa phương là lý do chủ yếu của tình trạng “cung” không gặp được “cầu” trong thực tế trùng tu di tích hiện nay.

Dường như, công tác quản lý, bảo tồn di tích tại VN đang ở trong một thực tế trớ trêu: chúng ta vừa lãng phí, vừa tiếp tục trả những cái giá khá đắt cho sự chậm trễ và thiếu linh hoạt của mình.

 Thanh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI