Bán sản phẩm trích quỹ từ thiện: Thật giả khó lường

18/02/2017 - 10:43

PNO - Gần đây, đang có “phong trào” một số nhãn hàng và cá nhân rao bán sản phẩm có trích tỷ lệ % doanh thu để làm từ thiện, được khách mua hàng rất ủng hộ.

Thực tế, không ít đơn vị bán hàng chỉ lợi dụng cách làm này để gợi lòng từ tâm, thu hút khách hàng nhằm bán được sản phẩm (SP), còn việc có trích tiền làm từ thiện hay không thì… trời biết!

Ban san pham trich quy tu thien: That gia kho luong
Các đối tượng thường chọn nơi công cộng để bán sản phẩm gây quỹ từ thiện

Chém đẹp người mua

Một số công viên hiện đã được “tận dụng” làm nơi hoạt động của nhiều đối tượng tự xưng là bán hàng làm từ thiện, vì đông người qua lại dễ buôn bán, lại không bị ai kiểm soát. Tại công viên 30/4, chúng tôi vừa ngồi xuống ghế đã thấy hai bạn trẻ tiến tới, lưng đeo ba lô, tay bưng khay lỉnh kỉnh quà lưu niệm, mời chào: “Anh chị cho em xin ít phút bán hàng gây quỹ làm từ thiện”.

Họ tự giới thiệu là sinh viên ĐH KHXH và NV, thành viên CLB Chung một tấm lòng, đang bán hàng gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo vùng cao Tây Bắc. Địa chỉ chính thức của CLB tại 473/10 Tô Hiến Thành, Q.10 và có hẳn trang web riêng. Tuy những món hàng họ chào bán chỉ là SP lưu niệm nhưng lại có giá cắt cổ, từ 100.000đ trở lên.

Hai người bán thuyết phục: “SP xách tay từ Mỹ, Úc về nên giá cao. Mỗi SP chúng em chỉ lời khoảng 20.000đ, toàn bộ đều dùng mua tập sách, quần áo cho các em nhỏ”. Nhờ nói năng trôi chảy, lại cho biết địa chỉ cụ thể, nên không ít người trong công viên đã mua ủng hộ. Thế nhưng, khi xác minh tại địa chỉ hai bạn trẻ đó cho biết, thì lại là một cửa hàng bán… chăn, ga, gối, nệm. Chủ cửa hàng khẳng định, không hề có CLB từ thiện nào sinh hoạt ở đây.

Tại công viên Lê Thị Riêng (Q.10), cũng có một số bạn trẻ mặc đồng phục học sinh trung học đi bán đũa, viết, bắp rang bơ… Đáng chú ý là trên đồng phục của các “học sinh” này không hề có thông tin về trường học; SP bắp rang bơ có tên Ngọc Bích do họ bán thì không có địa chỉ, hạn sử dụng.

Lại có một số bạn trẻ khác tự xưng thành viên quỹ Tấm lòng nhân ái, trưng ra danh sách đóng góp có hẳn mộc đỏ của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, liệt kê nhiều cá nhân và không ít công ty uy tín ở TP.HCM đã mua viết, đũa ủng hộ với số tiền hàng triệu đồng. Hộp bút 24 cây giá 150.000đ, đũa 15.000đ/bộ 5 đôi… nhưng vẫn có người mua ủng hộ.

Tại hồ Con Rùa (Q.3), nơi tập trung khá đông sinh viên đến ăn uống, thì có một bạn nam đêm nào cũng bán sữa chua nếp cẩm làm từ thiện, giá 15.000đ/ly. Có lẽ “ăn nên làm ra” nên thanh niên này đã “trụ” lại khu vực này gần hai năm qua.

Có thể thấy ngay là các SP bán để “làm từ thiện” đều có giá cao nhưng lại không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng rất kém. Nếu người mua còn ngần ngại với những người bán dạo vì không biết chuyện làm từ thiện thật giả thế nào, thì các SP được bán trong một số cửa hàng, niêm yết rõ là trích từ 1.000-5.000đ để làm từ thiện, lại nhận được nhiều sự đồng tình.

Chẳng hạn, Công ty bạc Thành Phát triển khai chương trình bán SP tại website trangsucbac.vn, ủng hộ 5.000đ cho quỹ Trái tim cho em do đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đã được nhiều khách hàng ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có những cửa hàng kêu gọi mua SP có trích tiền làm từ thiện đưa ra thông tin rất mập mờ.

Trên trang web cửa hàng thời trang Baby (373/94 Lý Thường Kiệt, P.8, Q.Tân Bình) đang có chuyên mục góp thêm 5.000đ vào Quỹ từ thiện trẻ em mồ côi. Theo chủ cửa hàng, mua mỗi bộ quần áo tại đây là khách đã đóng góp 5.000đ vào quỹ. Danh sách sẽ được cập nhật hàng tháng trên trang web của cửa hàng.

Khi chúng tôi hỏi văn phòng quỹ ở đâu để đến đóng góp trực tiếp,  chủ cửa hàng cho biết đây là chương trình từ fanfage: https://www.facebook.com/ThuongTamNhungManhDoiBatHanh, do một nhóm sinh viên tự thành lập nên không có địa chỉ cụ thể, thỉnh thoảng họ đến trao quà tại làng SOS và các chùa nuôi dạy trẻ mồ côi.

Chúng tôi gọi đến số điện thoại trên fanfage nhưng… khóa máy. “Đây là hoạt động từ năm ngoái, năm nay cửa hàng ngưng bán lẻ nên hoạt động này tạm dừng” - chủ cửa hàng này giải thích.

Tại cửa hàng phụ kiện điện thoại (63 đường D1, Q.Bình Thạnh), khi mua SP có giá từ 19.000 - 199.000đ là khách hàng đã ủng hộ 1.000đ giúp đỡ người nghèo, tàn tật, cơ nhỡ. Cửa hàng còn trích thêm 1.000đ, tức mỗi lần khách mua sẽ có 2.000đ được dùng chia sẻ cho người nghèo.

Theo chủ cửa hàng, lý do lập quỹ là do trong ba ngày liên tiếp đã có bốn người đến cửa hàng để xin, nhưng cửa hàng chỉ cho được một người nên cảm thấy áy náy với những người còn lại. Chủ cửa hàng hứa sẽ thông báo số tiền thu được trên facebook và đem tặng người nghèo mình gặp trên đường, ủng hộ quán cơm Nụ Cười...

Lập quỹ và dùng quỹ như thế thì quá… mập mờ! Thực tế, hình thức trích từ 1.000-5.000đ từ việc bán SP để làm từ thiện đã thu hút không ít khách mua SP chỉ để ủng hộ từ thiện, vì đó là một việc làm thiết thực, số tiền bỏ ra lại không đáng kể.

Hội Chữ thập đỏ TP.HCM không bán sản phẩm gây quỹ

Đó là khẳng định của ông Diệp Bá Kiệt - Chánh văn phòng Hội Chữ thập đỏ TP.HCM trước tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân mượn danh nghĩa của Hội để bán SP gây quỹ. Ông Kiệt cho biết, trước đây có nhiều đơn vị đến đặt vấn đề hợp tác bán SP để gây quỹ từ thiện, nhưng Hội đều từ chối vì lợi ích cho người được chăm lo không rõ ràng; việc quản lý SP đã bán ra để làm từ thiện rất khó minh bạch.

Chưa kể, SP là do đơn vị bán ra quản lý, Hội không nắm rõ, nếu SP không đảm bảo chất lượng, Hội cũng bị vạ lây. Nếu doanh nghiệp có thiện ý thì nên cho hẳn SP hoặc đóng góp trực tiếp đến các đối tượng được chăm lo.

Hiện nay, các đối tượng giả danh từ thiện có vô số chiêu trò như mạo danh một số tổ chức nước ngoài ủng hộ nhân đạo để làm các dự án lớn như xây bệnh viện, trường học, viện dưỡng lão… với số tiền hàng tỷ đồng; giả nghèo khổ, bệnh tật để xin tiền ngoài đường, bán SP trích tiền gây quỹ; giả danh Hội Chữ thập đỏ bằng cách mặc áo có biểu tượng của Hội, dùng thẻ hội viên giả đi quyên tiền du khách nước ngoài; lợi dụng việc làm từ thiện để bán hàng hết hạn sử dụng…

Trước đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã xử lý nhiều trường hợp giả danh là cán bộ của Hội để quyên tiền. Họ có thẻ hội viên, mặc đồng phục Hội nhưng lại không có hóa đơn, chứng từ; hành tung "bí ẩn". Có trường hợp các đối tượng còn lừa đảo thông qua chuyên mục Tấm lòng nhân ái bằng cách thông báo đến các hoàn cảnh khó khăn là họ đã trúng thưởng số tiền hàng trăm triệu, nhưng muốn nhận tiền phải ứng trước một khoản để làm thủ tục hoặc nạp tiền qua thẻ cào điện thoại…

Vì tính phức tạp của các hoạt động từ thiện hiện nay, Hội Sinh viên của các trường ĐH ở TP.HCM có quy định cụ thể là khi bán hàng gây quỹ từ thiện, sinh viên phải mặc đồng phục của trường, của CLB, mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, trong đó có thẻ sinh viên. Đại diện Hội Sinh viên TP.HCM khẳng định, Hội không hề có chủ trương để các đơn vị bán hàng gây quỹ nơi công cộng.

Có thể nói, hoạt động từ thiện nói chung và bán SP gây quỹ nói riêng hiện rất bát nháo, dù đã có quy định về việc thành lập quỹ. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng khi kêu gọi đóng góp thì rất nhiệt tình nhưng lại không minh bạch việc mình đã bán được bao nhiêu SP, chi tiêu số tiền quyên góp được cụ thể thế nào, không cung cấp thông tin công khai, chính xác cho khách hàng… Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì đứng ngoài cuộc, bàng quan với các hoạt động từ thiện này.

Đã đến lúc cần phải tăng cường việc quản lý, giám sát các hoạt động từ thiện chặt chẽ để loại trừ những kẻ giả danh vô lương tâm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI