Phạm Văn Chiêu - Một con người làm nên nhiều điều kỳ diệu

08/07/2017 - 16:51

PNO - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng - ông Phạm Văn Chiêu đã có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh dân tộc, thống nhất đất nước.

"Một nhà giáo trở thành nhà chính trị bản lĩnh, trí tuệ, kiên cường của đất Sài Gòn- Gia Định, Phạm Văn Chiêu đã xây dựng chính quyền kháng chiến, từ tỉnh đến xã, xây dựng căn cứ cách mạng - kháng chiến. Từ An Phú Đông đến Bình Lý - Tân Mỹ, bưng Sáu xã, Địa đạo Củ Chi… xây dựng “đời sống mới” trong vùng tự do…

Pham Van Chieu - Mot con nguoi lam nen nhieu dieu ky dieu
Đồng chí Phạm Văn Chiêu. Ảnh tư liệu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng - ông đã có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh dân tộc, thống nhất đất nước. Ông để lại cho đời, cho thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học quý báu để vận dụng xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình".

Đó là chân dung, cốt cách con người Phạm Văn Chiêu được các đại biểu khắc họa tại tọa đàm khoa học Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và Nhân dân Gia Định -Thành Phố Hồ Chí Minh Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí (16/6/1907-16/6/2017) do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 8/7.

Khơi gợi lòng yêu nước cho học sinh

10 tuổi, Phạm Văn Chiêu rời gia đình ở Ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ huyện Thủ Đức tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 9) lên Sài Gòn học. Tại TP phồn hoa đô hội, Phạm Văn Chiêu có điều kiện để đọc các sách báo về lịch sử dân tộc cũng như truyền thống yêu nước của cha ông. Phạm Văn Chiêu học ở các nhà cách mạng tiền bối lòng yêu nước, thương dân sâu sắc và tinh thần đấu tranh bất khuất. Trong đầu óc người học trò ấy là những mơ ước, hoài bão về việc tiếp nối con đường cách mạng đầy chông gai của bậc cha anh.

19 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc trường Sư phạm Sài Gòn, trở thành thầy giáo đầu tiên của làng Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức và sau đó dạy học ở Gò Vấp. Ông đã đem hết tài năng và tâm huyết của mình phục vụ cho sự nghiệp trồng người, nhất là khơi gợi lòng yêu nước trong học sinh.

Trong quá trình tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương, Thực dân Pháp “mở nhà tù nhiều hơn trường học”. Những trường học do chúng mở ra nhằm đào tạo con em quan lại làm tay sai cho chúng trong công cuộc bình định Việt Nam. Mục đích của chúng là làm cho dân ta chìm đắm trong màn đêm ngu dốt, mất dần sức chiến đấu. Những nhà giáo yêu nước trong đó có Phạm Văn Chiêu đã sớm nhận thấy dã tâm của chúng nên ra sức dạy chữ cho đồng bào ta.

Nói về ông, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư tự hào: “Từ năm 1936 đến năm 1942, ông là Hiệu trưởng Trường tổng Hóc Môn. Tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn cùng của nhân dân dưới sự cai trị của thực dân Pháp, cùng với lòng yêu nước nồng nàn và ước mơ giải phóng quê hương, suốt thời gian dạy học, thầy Bảy Chiêu đã mang hết tâm lực của mình truyền bá cho học sinh những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.

Pham Van Chieu - Mot con nguoi lam nen nhieu dieu ky dieu
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Do những hoạt động yêu nước, bác Bảy Chiêu đã hai lần bị thực dân Pháp bắt và chính trong nơi ngục sâu tăm tối ấy, bác Bảy Chiêu đã được tiếp xúc với những nhà yêu nước, đảng viên cộng sản, bắt đầu tiếp thu Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Tháng 4/1944, đồng chí Phạm Văn Chiêu được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Định”.

37 tuổi, thầy Chiêu chính thức từ giã nghiệp giáo chức của mình, xa rời những cô cậu học trò đáng yêu, đáng mến, xa rời trường học và đồng nghiệp để đi theo tiếng gọi lên đường vì chính nghĩa.

Người đề xuất An Phú Đông làm chiến khu kháng chiến đầu tiên của Gia Định

Tháng 10/1945, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Gia Định về việc lập các căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn, không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân, các lực lượng chiến đấu bảo vệ thành phố, các cơ quan kháng chiến của tỉnh Gia Định, Thành phố Sài Gòn, quận Gò Vấp và một bộ phận của Xứ ủy, Tổng Công Đoàn Nam Bộ và Sở chỉ huy các đơn vị vũ trang các mặt trận bị địch lấn chiếm lần lượt rút về An Phú Đông để xây dựng căn cứ, duy trì, củng cố phát triển lực lượng đưa phong trào cách mạng lên cao.

Về phía thực dân Pháp, nhận thấy rõ An Phú Đông là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não kháng chiến của Nam Bộ, do đó đã tập trung phần lớn lực lượng tinh nhuệ, chĩa mũi nhọn vào An Phú Đông hòng phá vỡ chiến khu, đẩy bộ máy lãnh đạo kháng chiến của ta ra xa thành phố.

Pham Van Chieu - Mot con nguoi lam nen nhieu dieu ky dieu
 

“Trước sự tấn công quyết liệt của thực dân Pháp, có nhiều ý kiến đặt ra về việc bỏ căn cứ An Phú Đông, rút toàn bộ lực lượng về khu bộ hay bám trụ lại để xây dựng lực lượng. Đứng trước sự lựa chọn lịch sử, đồng chí Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định đã đề xuất xây dựng An Phú Đông làm chiến khu kháng chiến để phá tan âm mưu của thực dân Pháp muốn biến Gia Định thành vùng chúng kiểm và ngăn chặn mũi tiến công vào Sài Gòn từ hướng Tây Bắc của Việt Minh.

Với con mắt tinh tường, khả năng phân tích và phán đoán tốt, đồng chí Chiêu cho rằng An Phú Đông nằm ở Phía Đông Bắc thành phố, gồm vùng đất thuộc hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (Quận Gò Vấp) - là nơi thuận lợi để xây dựng, tổ chức huấn luyện lực lượng kháng chiến để chiến đấu lâu dài”-  TS Trần Thị Mỹ Hường- Viện Lịch sử Đảng chia sẻ.

Theo TS Mỹ Hường, thời điểm đó, đồng chí Phạm Văn Chiêu khẳng định, Chiến khu An Phú Đông nếu được thành lập sẽ tạo thành một hệ thống căn cứ bao quanh TP, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ thành phố cả khi tiến công cũng như mở đường rút lui an toàn cho quân ta khi cần thiết.

Từ đó, Tỉnh ủy, Ủy Ban kháng chiến tỉnh Gia Định đã quyết định chính thức thành lập Chiến khu An Phú Đông, lấy hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc nằm sát nách Sài Gòn làm trung tâm căn cứ của cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh. Chiến khu An Phú Đông ra đời trở thành chiến khu kháng chiến đầu tiên thể hiện quyết tâm đánh pháp, bảo vệ Tổ quốc nhân dân Sài Gòn-  Chợ Lớn- Gia Định. Mặt khác cho thấy tầm nhìn chiến lược sâu sát với thực tế, chủ động

“Việc chiến khu An Phú Đông ra đời đánh dấu bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Gia Định. Bởi lẽ từ khi có Chiến khu, cuộc kháng chiến của nhân dân nơi đây được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ nhằm chống lại những cuộc càn quét của địch. Và từ tháng 1/1946, Chiến khu An Phú Đông đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu chiến đấu của tỉnh Gia Định, quận Gò Vấp”- PGS-TS Nguyễn Danh Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí MInh đúc kết.

Kháng chiến - chiến tranh nhân dân của Gia Định, vai trò của căn cứ kháng chiến ở Gia Định, tiếng tăm lừng lẫy của An Phú Đông vang khắp cả nước.

Thiếu tướng PGS-TS Vũ Quang Đạo - Nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xúc động cho biết: “Ngày 25/4/1949, Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng huân chương Độc lập cho đồng chí Phạm Văn Chiêu với thành tích: “Đã có công giữ vững và phát triển cơ sở kháng chiến tại một địa phương liền sát địch-có thành tích vẻ vang”.

Phạm Văn Chiêu- Người chồng thủy chung, người cha mẫu mực.

Cả một quãng thời gian dài hơn 30 năm, kể từ khi cha chúng tôi bị Pháp bắt năm 35 tuổi, đến khi ra tù rồi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc, đến khi vào Nam, cha tôi đã gần 70 tuổi. Ông đã không bao giờ lấy “lý do này nọ” như một số cán bộ khác để hợp lý hóa cho việc mình có thể có thêm mối quan hệ hôn nhân khác.

Ông rất yêu thương con và có phương pháp dạy con rất đặc biệt. Ông luôn đề cao tính tự  giác, tự lập cho các con. Ông đã định hướng và dìu dắt các con đi theo con đường cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên noi gương các bậc tiền bối, đóng góp tất cả tuổi trẻ sức lực và cuộc đời mình vào sự nghiệp cách mạng chung cho cả dân tộc.

Phạm Minh Hiền (con trai đồng chí Phạm Văn Chiêu)

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI