1. Qua dãy phố sầm uất, tôi lơ ngơ trước ngõ hẹp của chung cư cũ 374 Nguyễn Công Trứ, phường Cầu Ông Lãnh, quận Nhứt. Mò mẫm leo mấy dãy cầu thang tối, có tiếng người chỉ với, đó, nhà bả ở hành lang tầng 3. Chân tôi vừa chạm, tấm màn ni-lông kéo dạt ra, chị ngồi lọt giữa sàn nhà - là một góc chưa tới 3m2 của hành lang chung cư - đen nhẻm, gầy nhỏ, dẻo dai.
Cảm giác, cái thể phách ấy như được “chưng cất” từ lớp dưỡng chất trần gian suốt gần 40 năm qua, kể từ ngày chị rời liên đội Kiên Cường vào năm 1980, nương náu nơi chốn tạm bợ này, ngày lượm ve chai, bán, kiếm được chừng hai mươi ngàn đồng, 6 giờ chiều, đèn hành lang mở, cơm nước, đến tối, kéo tấm ni-lông, hai chị em chị ngủ ngay trên sàn, bên kia tấm màn, tiếng chân người vẫn qua lại, lên xuống…
|
Chị là thanh niên xung phong thời chống Mỹ, em là thanh niên xung phong thời hậu chiến,
họ gặp nhau lần đầu, ôm chầm nhau trong niềm xúc động khôn tả |
- Quen rồi, tối, mọi người giữ ý, đi đứng yên tĩnh. Mình ở cũng lau chùi, giữ gìn sạch sẽ.
Tôi ngước nhìn cái bàn thờ, hai di ảnh, một già một trẻ. Chị nói luôn:
- Hồi trước, má còn sống, con gái bà chị còn sống, bốn người tui ở đây. Từ hồi nhỏ cháu bị ung thư chết, má bị tai nạn nằm một chỗ được ba năm rồi cũng chết, còn hai chị em tui.
- Hồi trước nữa, má chị cũng ở đây?
- Ở bên kia, chỗ khu chợ Nguyễn Thái Bình. Má tui cũng đi lượm ve chai. Nghèo quá, nhà cửa hông có, đến năm 80, tui đi Thanh niên xung phong (TNXP) về, ở đây luôn tới giờ. Quận, phường biết hoàn cảnh nên cũng tạo điều kiện cho ở tạm.
- Vì sao chị tình nguyện đi TNXP?
- Ờ, thì nghe lời kêu gọi của ông Kiệt (tức cố thủ tướng Võ Văn Kiệt), hồi đó tui 17 tuổi, trắng, tròn, chứ không như giờ; giấu má, đăng ký rồi đến đêm, lẻn ra chỗ tập trung, rạng sáng là xe đưa lên Bến Cát, Bình Dương luôn. Tình nguyện đi nên háo hức, dù chẳng biết sẽ góp sức được gì.
Tôi xích lại gần chị hơn, nhìn sâu vào đôi mắt đã trong hơn, ký ức của những tháng ngày tuổi trẻ cứ ngắt quãng mà trở về:
- Lần đầu cầm cuốc, được mấy anh hướng dẫn, cuốc tới chừng 3m, đào xuống khoảng 1m, cứ nhằm mà cuốc. Rồi dọn cây, trồng cây, nấu cơm cho các đội xây nhà, đón dân lên xây dựng “kinh tế mới”. Ngày làm, đêm đốt lửa trại, hát hò, đùa giỡn. Vui. Được cho về thăm nhà, ở đúng một đêm rồi cũng trở lên đơn vị ngay vì nhớ.
Rồi chị vỗ vỗ vào tay tôi, mắt ngó quanh cái giang sơn của mình:
- Giờ sống có nhiêu đây, cũng vui à nhen, hông buồn à!
Có vệt nắng xuyên qua ô cửa gió, làm ánh lên mấy sợi tóc cụt, muối tiêu của chị:
- Rồi có lúc mưa nắng, chạnh lòng không chị?
- Không, không có. Còn trở về, còn đồng đội anh em, còn chỗ tá túc như zầy, là vui rồi. Ốm đau, có bảo hiểm y tế, anh em biết thì ghé thăm. Ai cho thì lấy, dứt khoát không xin. Xin nó hèn đi, hèn mình, danh dự của Lực lượng, mình phải giữ.
Vệt nắng dài hơn, chói sáng hơn, quét lên tấm lưng gầy đang đứng dậy sửa cây đèn trên cái gác thờ má:
- Hết Bến Cát, chị về Rạch Sỏi, Kiên Giang, rồi năm sau, lại một mạch tiến về Tây Ninh, qua đất bạn, ngó zầy mà hồi đó cũng khiêng đạn, vác gạo, khi không khiêng vác gì thì vô bếp nấu cơm cho đồng đội. Đạn dược quý lắm, mất một viên đạn là đền ba ký gạo đó em. Thương lắm, cách có hơn cây số, sáng sớm, anh em còn đang tập thể dục, tụi nó tràn qua, bắn giết. Đêm ấy, đồng đội đi giữa xác đồng đội, đau đớn lắm em ơi… Rồi bệnh sốt rét hành hạ, có người nằm lại mãi với rừng.
Có bao nhiêu người đàn bà mỗi ngày vẫn đi nhặt rác, vẫn lượm ve chai nơi mỗi con đường, góc phố; và trong số họ, mỗi số phận “bên lề” ấy lại mang theo cả khoảng trời khốc liệt, những “điển tích” của lòng hy sinh tận hiến. Cuộc mưu sinh cằn cỗi, héo úa lại không hề làm phai lợt cái màu xanh thăm thẳm của rừng chiều biên giới, của những sải chân xung phong về miền biên địa, của một phần cái di sản không tên đang lặng lẽ chìm khuất vào đất, vào ngày tháng cứ lùi dần về phía lãng quên… Không dưng, tôi lại muốn cúi đầu, nghiêng mình trước người đàn bà nhặt ve chai mỗi ngày trên đường phố.
Cái vệt nắng tháng Ba quét lên bờ tường bong tróc nơi hành lang chung cư cũ, nó không rực rỡ, lung linh và nhảy múa như màu nắng trong tranh của Laurent Parcelier nhưng bỗng chốc, nó khiến cái hành lang bé nhỏ ấy lấp lánh, tinh tươm, ấm áp. Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống. Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu…
|
Đã 37 năm, chị trú ngụ nơi hành lang chung cư này |
2. Vừa gặp Kim Loan, chị đã ôm chầm. Kim Loan ở liên đội Kiên Cường, thuộc TNXP thời bình, còn chị là TNXP thời chống Mỹ. Vậy mà lần đầu giáp mặt, chị ôm Kim Loan gọn trong vòng tay, thời nào cũng vậy, ở đâu cũng thế, miễn là dân TNXP, phải không em? Kim Loan gật gật, ôm riết lại. Kim Loan dẫn chị lên cái hành - lang - nhà - mình.
Sáng nay, chị đang trên đường đi châm cứu, làm việc quá sức, chị bị bệnh xương khớp, thoái hóa đốt sống hành hạ, nghe tôi kể về hoàn cảnh của Kim Loan, chị nói, đau cỡ nào, chị cũng ghé qua thăm. Sợ kẹt xe, chị nhờ cháu trai chở xe máy lại, trễ có năm phút, chị đã gọi áy náy. Kim Loan nghe, nhắc, từ từ thôi chị, đâu có gấp gáp gì, em đi lượm ve chai sớm, về nhà đợi chị thôi…
Hình như chị vẫn chưa tin, cái góc xó hành lang này lại là nơi cư ngụ của hai chị em Kim Loan, để khi nhìn thấy di ảnh, gối mền và cả cái nồi cơm điện xếp trong góc tủ thì chị… bật khóc. Người phụ nữ nhân hậu, mực thước ấy, như không thể kềm được nỗi xót xa, cả sự bàng hoàng trước gia cảnh của người em đồng đội. Tôi nghe một tiếng kêu thốt lên từ trong lồng ngực của chị, sao lại như thế này Loan ơi…
Kim Loan chai sạn, rắn rỏi là thế, cũng ứa nước mắt, nhưng tay lại nắm lấy, nắn lấy bàn tay chị, cho chị yên tâm: "Không sao đâu chị, em quen rồi, em ổn,
em khỏe".
Rồi cứ thế chị hỏi, Kim Loan trả lời. Em ăn sao, nấu sao, tắm giặt sao, ngủ sao. Mỗi ngày đi lượm ve chai được nhiêu tiền, rồi khi ốm đau sao… Hỏi xong, có khi mếu máo, có khi ôm lấy cái thân hình gầy đen ấy, rồi chị nắm lấy tay Kim Loan, áy náy vì tay mình… trắng hơn, dù đang phải châm cứu để cử động bình thường trở lại.
Tôi lặng im ngồi giữa cuộc trùng phùng tháng Ba, miên man nghĩ về cái dặm dài đất nước kỳ lạ, được dệt nên từ những người đàn bà chân yếu tay mềm. Họ đã từng vào sinh ra tử, vác trên vai từng hòm đạn, tải cáng thương, khai thông, trấn giữ những cung đường phía trước, ở lại tuyến sau, làm người rút lui cuối cùng để bảo toàn đồng đội. Như chị, tuổi 14 chưa tròn trăng, chị được cha đồng ý cho tham gia lực lượng TNXP. Cha chị, Trần Hữu Nghĩa, tức Út Cần - một chỉ huy chiến trường, ông được lệnh điều động sang làm chỉ huy lực lượng TNXP của tuyến đường C1 trước chiến dịch Mậu Thân 1968.
Ngày hôm ấy, từ quê nhà Cà Mau, chị lên vỏ lãi theo dòng sông Ông Đốc để vào chiến dịch, cha chị cũng trên một con tàu, ngược dòng đi làm nhiệm vụ. Thoáng thấy bóng cha, chị chỉ kịp kêu "cha ơi, con đây!", rồi vẫy tay chào, có ai ngờ, đó lại là lời từ biệt. Cha chị hy sinh trong những ngày mùa xuân tấn công vũ bão năm ấy, thân thể ông cháy xém, riêng cái xơ-cốt đựng tiền của tổ chức lại được ông bảo vệ an toàn cùng sáu người đồng đội đã kịp thoát khỏi vòng phục kích.
Nhiệm vụ tải hàng trăm hàng ngàn tấn đạn dược từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam lại đặt lên vai một phần quan trọng là những cô gái TNXP tuổi đôi mươi. Cung đường C1 huyền thoại đã trở thành bất tử bởi sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần quả cảm, hy sinh của bao thế hệ TNXP ngày ấy. Đó là những nét chạm trổ của lịch sử, còn những “nghệ nhân” tạc nên bức phù điêu Thành đồng ấy, có một người đang hiện diện trước mắt tôi, lại không hề kể chuyện chiến công, cũng chẳng nghe chị ký thác về một thời hoa lửa. Cuối câu chuyện, chị em cầm tay nhau dặn nhỏ, giữ sức khỏe, sống tử tế, mãi là TNXP,
nghe em!
Chị về, Kim Loan lại thủng thẳng xuống đường đi nhặt ve chai, còn chúng tôi, chuẩn bị ngày mai tìm về nhà Tư Cẩn, một trong sáu đồng đội (ba người đã mất) của cha chị còn sống, bệnh tật và nghèo khó ở quận 12. 42 năm thành phố này bình yên nhưng vẫn cần biết bao những cuộc lên đường, để tìm về, để gặp lại, mà gìn giữ, bù đắp, nâng niu những hy sinh chưa kể hết, những ân tình chưa kịp gọi tên…
Lê Huyền Ái Mỹ