Những đứa con thành phố: Không chỉ là một tên gọi

27/03/2017 - 13:05

PNO - Tiếng hô gọi đồng đội vang lên ba lần, tôi chợt nhận ra, “thanh niên xung phong” không chỉ là một tên gọi. Nó hàm chứa cả một lời hiệu triệu và vang dội tiếng đáp từ.

Giữa hội trường, nhạc sĩ Lê Văn Lộc hô to: “Thanh niên!”. Tức thì, ở dưới, hơn 60 người phụ nữ, đàn ông trên dưới lục tuần thoắt trở nên linh hoạt, giọng đanh thép: “Xung phong! Xung phong! Xung phong!”.

Nhung dua con thanh pho: Khong chi la mot ten goi
 

Đi tìm

Vẫn cái nếp nói to, hành động dứt khoát, những người đồng đội trong những bộ đồng phục màu cỏ úa - màu xanh phố thị mừng rỡ chào nhau, cười nói rổn rảng, rồi cuống quýt với tay chào những đồng đội phía bên kia hội trường. Những “giai đoạn”, những năm “sáu mấy”, “bảy mấy” hay “thời chống Mỹ”, “thời xây dựng kinh tế mới”, cùng những phiên hiệu khó nhớ của từng đơn vị Thanh niên xung phong vẫn rành rọt trong từng cuộc chuyện trò.

Không khí của ngày “lên đường” hơn 40 năm trước như tái hiện ở hội trường chương trình “Gặp gỡ, giao lưu: Những đứa con thành phố” do báo Phụ Nữ TP.HCM - Hội LHPN TP.HCM tổ chức sáng 26/3. 

Ở hàng cuối cùng, chị Thắng vội vã vói tay kéo áo một đồng đội khi nghe chị nói tiếng Quảng Bình: “Cậu có nhớ phiên hiệu của mình hồi đó không?”. Đến khi chị Nguyễn Thị Tố Tâm đọc làu làu: “Tớ đi năm 1969, phiên hiệu đơn vị là N133P31”, chị Thắng thừ người, giọng buồn xo: “Mình có một chị bạn cũng đi thanh niên xung phong ở Quảng Bình, xuất ngũ rồi lưu lạc mãi, mất hết giấy tờ, không còn nhớ phiên hiệu. Nhưng chị đi năm 1968”.

Chị Thắng lại rời đi, ngang qua những cuộc trò chuyện khác như đang cố kiếm tìm một giọng nói Quảng Bình cho một người bạn vắng mặt nào đó. Khắp hội trường, từ hàng ghế trong những giờ trước và sau chương trình, cho đến những câu chuyện được kể trên bục giao lưu, người ta đều như đang cùng kiếm tìm một điều gì đó.

Nhung dua con thanh pho: Khong chi la mot ten goi
Đồng đội cũ chăm sóc nhau ngày hội ngộ.

Một cái tên đơn vị, một địa danh từng chiếm giữ một phần thanh xuân; những câu chuyện sinh tử; những vất vả, những lựa chọn; những cha già mẹ yếu em thơ, và những con phố bị bỏ lại; những rừng thiêng nước độc lần đầu biết đến ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu - được kể ra, đều như để kiếm tìm một điều gì đó cũng quen biết, cùng thân thuộc với những-người-cùng-thời đang hiện diện.

Cuộc “đi tìm” được thu lại trong khuôn khổ cuộc giao lưu này, cũng được làm nên từ những kiếm tìm của chính người làm chương trình. Mở đầu cuộc giao lưu, chị Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM nhấn mạnh, thanh niên xung phong không phải là một lát cắt, mà là một tinh thần, một thái độ sống và mọi sự tri ân sau này đều chỉ là một động thái hồi đáp lại lòng biết ơn của hậu thế - với người mà họ mang ơn.
Và chúng tôi lại tỏa đi tìm kiếm mỗi độ tháng Ba về. Rồi, ở những con hẻm hun sâu, những ngôi nhà siêu nhỏ với hàng chục người cùng cư trú, bên những hành lang chung cư cũ tối và dài như vô tận - chúng tôi gặp các chị. Hình ảnh sáng rõ của hiện tại va đập với những hào hùng cũng tỏ tường không kém từ những ngày “xung phong”.

Lên đến tầng ba, ngay bên chiếc cầu thang, chúng tôi gặp chị Kim Loan. Đó là nơi cư ngụ của một người đàn bà từng bươn bả suốt quãng thanh xuân ở những khu rừng làm kinh tế mới, rồi vào sinh ra tử ở chiến trường Campuchia. “Khoảnh nhà” ấy cũng chứng kiến chị mồ côi mẹ, rồi cùng người chị gái dứt ruột tiễn đưa đứa cháu mắc ung thư.

Nhung dua con thanh pho: Khong chi la mot ten goi
Họ ôn lại những ngày tháng kiêu hùng.

37 năm lấy hành lang chung cư làm “nhà”, lấy những đồng tiền lẻ mọn từ mớ ve chai nhặt ở khu phố làm nguồn sống bên cạnh ký ức hào hùng thời “xung phong”, chị vẫn tỉnh rụi: “Quen rồi!”. Nhưng, đến khi nghe chị Lê Huyền Ái Mỹ - người đã tìm đến gặp và viết bài về mình, lên chia sẻ với chương trình về cuộc sống của chính chị trong suốt 37 năm - và vẫn đang tiếp diễn từng ngày, chị lại cúi mặt, bật khóc. 

Gặp lại nhau vào cuối buổi giao lưu “Những đứa con thành phố”, trong bộ đồng phục thanh niên xung phong, chị hối hả chống cây nạng đi nhanh về phía tôi, hồ hởi chào. “Chị mừng quá! Gần bốn chục năm mới có lại một ngày vui với nhiều đồng đội như vầy. Giờ chương trình kết thúc, nghĩ cảnh về nhà tiếp tục “thèm người”, “thèm đồng đội”, chị rầu quá cưng ơi!”.

Như vừa đi và nói quá sức, chị quăng cây gậy, ngồi sập xuống chiếc ghế ngoài hành lang, ôm ngực thở. Người nữ thanh niên xung phong của Liên đội Kiên Cường 1 này, tôi đã từng “tìm thấy” mới đây trong “một cuộc mưu sinh bất động”. Trước căn nhà xập xệ trong con hẻm số 161 Cô Giang, trên chiếc ghế đẩu, bên cạnh cây nạng sắt, chị Nguyễn Thị Như Mai ngồi cầm xấp vé số từ sáng đến chiều, chờ bà con hàng xóm qua lại, mua giúp.

Đó là lối mưu sinh duy nhất kể từ ngày bị tai biến cách đây 5 năm. Trở về thành phố sau hơn hai năm tham gia thanh niên xung phong, lại tiếp tục đăng ký đi nghĩa vụ quân sự; cuộc sống xông pha của chị kết thúc sau một lần bị viêm ruột thừa cấp. Lần về phép sau ca mổ, sức khỏe suy kiệt không cho phép chị trở lại đơn vị. Quyết định ra quân thời điểm ấy, chẳng ngờ lại vận vào chị cái tiếng “đào ngũ”.

Nhung dua con thanh pho: Khong chi la mot ten goi
 

Từ lúc ấy, về tá túc lại ở căn nhà cũ của gia đình, đến khi lần lượt mồ côi cả cha lẫn mẹ, chị quẫy đạp mãi trong cái “án” đào ngũ, vẫn phải sống một cuộc đời vô thừa nhận, không giấy tờ, không hộ khẩu.

Chạm vào một cái tên, lại thấy nối dài với những ngày tháng kiêu hùng là chuyện đời muôn ngả. Biết vậy, nhưng vẫn tìm. Như những vị lãnh đạo nhiều thế hệ của Thành ủy TP.HCM mới đây vừa theo chân ông Hai Nhựt (ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, người anh lớn của lực lượng TNXP TP.HCM) tìm về Bến Cầu, Tây Ninh, tưởng nhớ những thanh niên xung phong đã nằm xuống, ăn một bữa cơm với người đương thời.

Như một vài đồng nghiệp ở báo Phụ Nữ TP.HCM, ngay lúc chương trình đang diễn ra vẫn bươn bả xuống quận 12, tặng quà cho một cặp vợ chồng thanh niên xung phong không đủ sức khỏe dự chương trình, hỗ trợ họ hoàn thành thủ tục nhà đất. Hay, như những câu hát về những thanh niên xung phong được chính những nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc, Thế Hiển hát lên trước hàng chục “nhân vật” như vừa bước ra từ lời hát - mà có khi chỉ với một “cái cớ” là: “Chị gái của Thế Hiển cũng là một nữ thanh niên xung phong”.

Tất cả những bày tỏ vô tư ấy là gì, nếu không phải là những động thái kiếm tìm một điểm gì đó chung, một cảm giác được dự phần, được gần gũi với những con người mà mình cảm kích, tự hào?

“Giành lại” tương lai

Đến với cuộc giao lưu như một sự trở về với lực lượng mà mình từng gắn bó trong nhiều năm tháng, ông Hai Nhựt chia sẻ: "Ngoài những ý nghĩa về mặt xã hội, những tổ chức thanh niên xung phong còn có vai trò quan trọng trong việc giành lại thế hệ thanh niên thời bấy giờ, giữa giai đoạn mà người trẻ rất dễ lạc đường, sa ngã".

Hồi đất nước vừa giải phóng, giữa những tranh tối tranh sáng của những đổi dời trong xã hội, ở hai bên lằn ranh của sự yên bình phố thị với tiếng gọi mãnh liệt của những miền xa, giữa hưởng thụ - cống hiến, trưởng thành - sa ngã, mỗi một lựa chọn của người trẻ đều có thể đưa đến những đường đời trái ngược.

Giữa ngã rẽ ấy, lời hiệu triệu của từng đơn vị thanh niên xung phong như đã tạo ra “từ trường” của bầu nhiệt huyết, tinh thần xung phong, và những năng lượng tích cực của tuổi trẻ. Và mỗi lựa chọn lên đường, mỗi một lựa chọn “đi tiếp” hay trở về, lùi hay tiến trong suốt hành trình ấy - đều là một cuộc “giành lại” tương lai.

Nhung dua con thanh pho: Khong chi la mot ten goi
Những cựu TNXP háo hức hát khúc ca cuối chương trình.

Lớn lên ở Quảng Bình, năm 1969, học xong phổ thông, chị Nguyễn Thị Tố Tâm nhận được giấy báo nhập học sư phạm. Chứng kiến nhiều cuộc lên đường của những người thân quen, chị bắt đầu phân vân chuyện tiếp tục đi học. Giữa lúc ấy, ở địa phương phát lời kêu gọi người trẻ tham gia thanh niên xung phong, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chị bỏ hẳn ý định đi học tiếp.

Thời điểm ấy, hai anh trai chị vừa hy sinh ở chiến trường, chuyện “ra trận” của những đứa con như trở thành một nỗi ám ảnh, dù phần đông người trong gia đình chị vẫn đang tham gia kháng chiến. Chẳng ngờ, lúc chị quyết đi, cả gia đình đều ủng hộ. Chị háo hức xuôi theo đồng đội, tham gia làm thủy lợi, rồi đi mở đường chín Nam Lào ở Quảng Trị.

“Nhìn vầy chứ hồi đó tui vác được tảng đá to bằng cái bàn, cứ vác rồi quăng ra hai bên để dọn đường” - chị kể - “Lúc ấy không có sự lựa chọn, cứ thế cắm cúi làm, vừa làm vừa hát, hết đường chín Nam Lào lại đi mở đường Trường Sơn”. Nói là vậy, nhưng từng khoảnh khắc sống đã là một lựa chọn. “Cắm cúi làm, vừa làm vừa hát” cũng là một lựa chọn - đẹp đẽ vô cùng.

“Một đêm được đổi ca để về nghỉ ở đơn vị, tôi nghe tiếng nổ lớn ở hướng hiện trường. Tờ mờ sáng, linh cảm đưa tôi băng rừng chạy ra. Ngay đoạn đường đang làm, một vài đồng đội nằm đó. Tôi chạy xuống hầm, tất cả những chị em còn lại đều nằm đó, đủ cả. Ấy là ngày 27/7/1972 - cuộc chiến chống Mỹ đang vào hồi ác liệt nhất”. Những nỗi đau thảng thốt vẫn ghi nhớ rành rọt ấy, không khiến họ chùn chân. “Mình và đồng đội vẫn tiếp tục đi tiếp. Mỗi ngày lên đường là một lần chào “vĩnh biệt”, bởi đã hiểu và sẵn sàng với mọi nguy biến”.

Không chỉ ở những lằn ranh sinh tử, mọi lựa chọn thường nhật của người trẻ thế hệ ấy cũng là biểu hiện của một thái độ sống. Chia sẻ với chương trình về hoàn cảnh ra đời của bài hát nổi tiếng về nữ TNXP Em đi qua cầu cây, NS Lê Văn Lộc cũng vô tình chia sẻ một trong hàng trăm sự lựa chọn, hàng trăm thời khắc quyết định như đã trở thành hơi thở của những ngày ấy.

Hồi ấy, trên đường đi đến đơn vị mới có một con suối vắt ngang. Mùa nước, suối dâng tràn bờ. Cây cầu khỉ được những đồng đội đến trước làm bắc qua suối bị “bay” hết tay vịn, “mặt cầu” gập ghềnh, khó đi. Đứng bên này gọi đồng đội, đoàn của NS Lê Văn Lộc được gợi ý “ngủ bên này một đêm, mai đò sang đón”. Thời điểm ngặt nghèo, bị động; lại áp lực về thời gian với những nhiệm vụ đang chờ; họ quyết định sang suối bằng chính cây cầu ấy. Chính hình ảnh khéo léo, tháo vát của những đồng đội nữ trong thử thách bất ngờ ấy đã khiến nhạc sĩ cảm kích mà viết nên ca khúc.

Mỗi câu chuyện được kể lại đều mang dáng dấp của một sự lựa chọn. Mỗi lựa chọn lại cuộn vào nó một cuộc trưởng thành mà mỗi lúc kể ra đều lẫn lộn khóc cười. Những cái nắm tay run run ngày gặp lại, những lời kể ngập ngừng vì nhịp thở của chính câu chuyện, hay cả những giọt nước mắt đầm đìa trong những cuộc tìm gặp đâu đó - không hẳn chỉ vì cái hào hùng, bi thương, hay trong trẻo, đẹp đẽ. Cảm xúc ấy, lắm khi lại là sự rung động bởi cái lẽ sống mình đã “trót” biết trong những ngày tháng xung phong, để dễ đau đáu, rưng rưng giữa những yên ả sau này.

Không có đồng phục, mặc chiếc áo trắng đã hơi ngả màu, chị đứng nhỏ xíu giữa những đồng đội cũ, vừa vỗ tay vừa ngước lên, háo hức hát khúc ca cuối chương trình. Tôi nhìn sang hai bên chị, những nam nữ mặc đồng phục cũng vô tư vừa hát vừa lắc lư. Tôi như thấy rõ mồn một những gương mặt ấy giữa những đồng nước mênh mông, hay trên những chiếc xe không có kính nào đó giữa cái trập trùng đất đỏ, vẫn ung dung hát. Dù rằng, chính những hình ảnh ấy, vừa mới đó thôi vẫn còn đanh giọng, hô: “Xung phong!”.

Minh Trâm

Ban tổ chức chương trình Những đứa con thành phố xin cảm ơn Tổng Công ty Điện lực TPHCM, Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi, Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã đồng hành cùng chương trình.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI