Những đứa con thành phố: Bản giao hưởng nhói lòng

20/03/2017 - 16:15

PNO - Họ, những đứa con thành phố, khoác áo màu cỏ lá đi về miền xa, bởi một định đề bất biến rằng, những thời điểm bản lề của dân tộc, lịch sử chỉ gọi tên một người: Tuổi trẻ!

LTS: Đói, đau, bí bách nỗi niềm, cả cái chết cũng không từ bỏ, tất cả như thiêu đốt tuổi hai mươi của họ, những người mới hôm qua như đang chống cằm ở cà phê góc phố, nhìn mặt trời đang lùi xa, nhường chỗ cho ánh đèn đêm mở lối cho mộng mị đang chờ. Họ, những đứa con thành phố, khoác áo màu cỏ lá đi về miền xa, bởi một định đề bất biến rằng, những thời điểm bản lề của dân tộc, lịch sử chỉ gọi tên một người: Tuổi trẻ! 

Đi qua bao gian truân đẫm máu và nước mắt, bản tình ca thanh niên xung phong (TNXP) vẫn cất lên da diết, vì đó là ban mai diệu kỳ của đời người, là khúc hát vĩnh cửu của thanh xuân tha thiết yêu đời như câu thơ Tagore “tâm tình hiến dâng”. Họ đã cháy hết mình như một đốm lửa tận tình với đất nước, dẫu có tro tàn cũng mịn màng lặng lẽ đi vào đất, để mầm xanh nhú lên trên đất này sau bao nhiêu chinh chiến điêu tàn. 

Nhung dua con thanh pho: Ban giao huong nhoi long
 

Bài 1: Bản giao hưởng nhói lòng

“Kỷ niệm hả?...”. Trả lời xong, bỏ lửng, anh tựa ra ghế, giọng đã nhẹ, càng như mềm ra. “Nhiều, quá nhiều”. Năm tháng vụt trôi, thuở hai mươi mà bây giờ đã là ông nội. Bốn mươi năm rồi chứ ít ỏi gì nữa. “Ôi những năm tháng say mê âm ỉ mộng đầy  trời”. Một nhà văn đã viết như thế về tuổi trẻ, tuổi của  những áo hồng áo tím, của những dự phóng phía chân trời. Nhưng câu chuyện của tôi và anh thì khác.  

***

Công trường Lê Minh Xuân ở An Sương, Gò Vấp năm 1977. Thành phố vừa giải phóng, thanh niên không có việc làm. Thì đi. Đào kinh, rửa phèn, trồng mía, chuối, thơm, tạo màu xanh cho vành đai thành phố. Khổ thì khổ nhưng vẫn còn ở thành phố. Câu chuyện thực sự khổ chỉ bắt đầu khi tiếng súng vang lên ở biên giới tây nam.

“Đấy, vùng chỗ đài tưởng niệm TNXP ở Tây Ninh đó, nhưng lùi sâu vào đất Campuchia mấy cây số, tụi mình đã trần thân ở đó. TNXP thì ở tuyến sau, tải đạn, làm đường, chuyển thương binh. Em cứ hình dung thế này, hai đứa một võng, khiêng tử sĩ còn đỡ, chứ thương binh nặng  đâu có dám nghỉ, sợ họ chết, và không biết bao nhiêu người đã chết trên cáng trong tiếng rên la, mà mãi về sau, khi ngủ mình còn chiêm bao. Đừng nghĩ tuyến sau mà không chết. Mình là sinh viên dược năm thứ 3, ở thành phố có biết gì bom đạn. Vào chiến trường mới biết ở đời chẳng ai gan hơn ai, đối diện cái chết, là hết hồn.

Vừa tải pháo lên trận địa, chưa kịp lui thì xe tăng xuất hiện. Anh bộ đội vừa nhận đạn 85 li từ tay mình, bắn xong loạt đạn, mình ngó lại thấy hai chân anh bị bằm nát. Anh kêu lên giọng như van xin: Có thuốc tê không anh chích cho em đi? Mình có mang túi cứu thương, hai tay cầm cập không rút nổi thuốc mà tiêm. Vừa xong thì lúc đó máy bay mình xuất hiện, cắt bom. Y như phim, lần đầu tiên trong đời mình thấy bom rơi đạn nổ, chạy mất cả đôi dép râu”. 

Anh kể mà không cười. Như có khói, có lửa, có máu, có cái nhìn đau đớn tuyệt vọng của những người lính trong chớp mắt giã từ cuộc sống. Cả một thế hệ TNXP như cánh tay nối dài từ thời chiến qua thời bình, và thời bình đã tưởng ngủ yên, nào ngờ đâu máu vẫn đổ.

Câu chuyện về họ, đã dài, nhưng bản nhạc về tâm tư họ, những đứa con thành phố, sau một đêm giã từ quán cà phê, giảng đường, những cột đèn ngã tư ngã ba, những điểm hẹn gương mặt dấu yêu, ba lô, cuốc xẻng trên vai, và đi, hình như không gian đó, viết mãi cũng không hết, bởi đôi khi chỉ cần một tiếng khóc của cô gái chưa đến tuổi hai mươi, của chàng trai bàn tay chưa hề chai sạn, tiếng trở mình trên chiếc võng giữa rừng già khuya khoắt, với thiết tha kêu đòi cuộc sống, đủ sức dựng một bản giao hưởng nhói lòng.

Nhưng, thời đó, cuộc sống họ, là ước mơ xây đời. “Đó là một thời trong trẻo”. Tôi đã gặp nhiều cựu TNXP, nói y như vậy. Không luyến tiếc, nhưng như một lời căn dặn chính mình. “Đồng đội mình đã hy sinh nhiều, trong đó có một kỷ niệm của mình”. 

Nhung dua con thanh pho: Ban giao huong nhoi long
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc hát về những ngày xanh

Tiếng nhạc đã dứt. Quán vắng giữa trưa, có giọt nắng xô lệch tóc anh đã bạc, như cố tình đun đẩy một tâm cảm sắp bùng vỡ. “Mình có học hành cao nhất lúc đó ở Liên đội cơ động 3, thuộc Tổng đội Thành, nên phụ trách lớp bổ túc ban đêm. Nhiều anh chị em lúc đó mù chữ, trong đó có cô Nguyễn Thị Em, nghe nói tứ cố vô thân, 17 tuổi. Cô này học hay nói chuyện trong lớp, mình nhắc không được, bèn lấy cây thước gõ vào lòng bàn tay.

Một bữa trung đội của bà xã mình phụ trách bị tấn công. Có sáu-bảy nữ bị giết. Một chị sống sót, bây giờ làm ở tổng đội TNXP thành phố, nhưng báo chí không được gặp chị này, bởi chỉ cần chào cờ hô nghiêm là bị xỉu liền, chấn thương tâm lý quá nặng kéo dài đến giờ, hễ nói đến chiến tranh là bệnh thần kinh bùng phát. Mình được phân công đưa xác đồng đội về Bến Cầu-Tây Ninh.

Khi chuẩn bị chôn, mình mở bao xác, rửa mặt, thay áo quần cho họ, thì trong đó có Nguyễn Thị Em. Trẻ lắm em ơi, tất cả chừng 16, 17 tuổi, đứa lớn nhất là 19, họ nằm như ngủ giữa chiều trời mưa lất phất. Tê tái, ân hận dày vò kinh khủng, sao mình hôm kia nỡ đánh vào tay đồng đội mình, để bây giờ vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau nữa”.

“Đường làng tháng Giêng dài ra hút tắp - Em không về vắng một cuộc đưa dâu” (thơ Trần Tuấn). Sẽ không cách nào trả lại tuổi trẻ đã mất của họ, chỉ có lời nguyện cầu lặng im từ đất. Có thơ, có văn về họ, những cô gái TNXP bỏ tuổi thanh xuân lại ở những cánh rừng, nhưng đó là tâm tư của đàn ông viết về họ, còn họ nói gì, nghĩ gì trong tận cùng đáy tim, chỉ có họ biết. Đó là mất mát còn hơn cả cái chết, bởi ai rồi cũng chết, nhưng khi đàn bà diễn đạt cảm xúc cái chết và sự gian khổ, sẽ là bài học không người đàn ông nào đuổi kịp, vì từ trong bản thể họ là nước mắt…

Anh cúi xuống, không kìm được tiếng nấc. Con người ta có thể có nhiều lần, nhiều đoạn rơi nước mắt trong đời, nhưng khi người già khóc, thì không thể có điều gì đau đớn và chân thật hơn. Đó là im lặng của bùng vỡ, là của nả được chắt lọc, loại trừ qua bao tạp nhiễm, là tinh thể, là âm thương được  gìn giữ trên con đường nhọc nhằn gần về đích của bản nhạc kiếp người. 

***

Tôi vẫn hằng tin rằng, nếu biết phản tỉnh, chỉ cần một lần trong đời, người ta bị sốc bởi chính mình đã làm điều gì đó, dẫu nhỏ nhoi, dù vô tình, nhưng lại đối diện với những thét gào đau đớn, thì một trang khác sẽ được viết trong mình về sự chọn lựa hành vi. “Bao điều không nói hết được. Sự gian khổ, hy sinh, khát khao, cả những bồng bột, tự tin của tuổi trẻ chúng mình, khiến thế hệ tụi mình nhìn lại, nhiều lúc chỉ biết lặng im, rằng sao thời đó ta say mê như thế”. 

Nhung dua con thanh pho: Ban giao huong nhoi long
 

Hình như con người ta có một cái thời, chữ “đặt cược sự sống” không in hằn,  không hỏi han, không thắc mắc, chỉ biết sống, trong veo, và ngoảnh lại, chỉ có thời đó, sự giàu có của tâm hồn mới được gieo cấy, thành bài học văn hóa của đời người. Người nhạc sĩ này hẳn cũng thế. Gần 60 bài hát đã được anh khai sinh thuở TNXP, đã góp phần kiến tạo cuộc đời và sáng tác của anh bây giờ. Những tà áo xanh bạc màu, những ngày xanh với  cơn đói xanh người, bàn chân bật máu, nhưng tâm tư chỉ là một dải lụa thẳng băng, xanh với lý tưởng tận hiến. 

Tôi kéo anh ra giữa cơn bão trong tim, bèn hỏi về con đường nào đã sinh ra nhạc sĩ Lê Văn Lộc bây giờ, thì nhận được câu trả lời như thế. Thanh niên lúc đó chỉ biết nhạc vàng, cứ nghỉ làm là họ hát. Họp thì anh bị chỉ huy trách sao để họ cứ rên rỉ, mà không cần biết rằng, nhạc vàng hễ cất lên là con người ta thấy mình như đang lặn lội trong đó. Không cấm được, chỉ có cách là thay thế, giai điệu là như thế, nhưng con người và hoàn cảnh thì khác.

Người ta hay nói như thế. Đúng như chưa đủ. Anh nhớ lại rằng, khổ lắm, nên thương nhau nhiều, rồi ám ảnh cái chết, nỗi cô đơn, nó đi vào nhạc, là lời tự sự của chính mình. Nơi miền biên viễn bên đất bạn, có nỗi buồn nào hơn khoảnh khắc đêm giao thừa, đốt đèn dầu giữa rừng hiu hắt. “Ừ, tụi con gái khóc quá trời, quá khổ, thành phố yêu dấu lại xa lắc, tụi mình phải dỗ dành, kể chuyện tiếu lâm cho quên đi, khuya về mình phải viết: Mùa xuân theo tấm lòng của đất - Để đêm biên giới vào xuân - nghe tiếng pháo bồi hồi - Thương mắt em một thời hạt nắng lung linh… Đó là giọt nước mắt tụi nó nhớ nhà”. 

Họ đã sống thật, không giấu giếm, và họ đã là chính họ, để bây giờ nhớ lại lắm lúc ngơ ngác đến bàng hoàng, như dâu bể đi qua nhanh trên đầu người. Lứa đó, giờ đã tóc bạc rồi, nhưng chuyện xưa không phải để “ngâm đùa chơi”, khi một thời lửa đạn đã trui rèn ý chí  làm người. Không ít người đã thành danh từ chiến trường mà TNXP - một đội quân ở trong tư thế của chiến binh, hun đúc họ cảm xúc, tình yêu với cuộc sống, cả bản lĩnh để đối đầu với đời thường lắm ngõ ngách.

Quãng đời đó, với họ là đẹp nhất. “TNXP dạy mình từ yếu đuối đến lạc quan, yêu đời, vượt gian khổ, lúc đó, phải trái rõ ràng, đồng đội thương nhau như anh em ruột, với mình đó là đạo, mà khi cởi áo xanh về với cuộc sống, thì là về với đời, phải sống với bao tế nhị”. 

Ngoài kia áo trắng học trò đang nối nhau trên phố. Có đứa học trò nào mà không thuộc bài Bụi phấn sáng tác của Lê Văn Lộc - Vũ Hoàng, với lòng tri ân thầy cô, thì đây, tác giả đang ngồi trước mặt tôi, ngày đó, cũng lứa đó, lên đường.

Họ, những TNXP một thời, mỗi người một số phận, đang sống, đang tồn tại, có người thành danh, có người phải bươn chải, nhưng hình như địa chỉ của họ, nếu được phép nói, là những cánh rừng  mùa khô cháy khát, là mênh mông đồng nước, là mưa tầm tã nhầy nhụa nơi bìa rừng, ở đó là tuổi trẻ của họ, mà có người bây giờ không thể hòa nhập nổi với cuộc sống thời bình. “Ừ, nơi đó là đồng đội mình…”. Anh bỏ lửng câu trả lời. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI