Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc giám sát điều tra vụ nghi xâm hại bé gái

15/03/2017 - 12:01

PNO - Sau khi gặp gỡ, thăm hỏi gia đình cháu P.N., đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP.HCM cho biết, Hội sẽ có văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc,

'Tôi muốn đòi lại công bằng cho con'

Chiều 13/3, đại diện Hội LHPN TP.HCM đã đến nhà chị T.T.M.C. (ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) để thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời nắm bắt thêm thông tin liên quan đến việc cháu P.N. (học sinh lớp 1 Trường tiểu học L.T.V., Q.Thủ Đức) có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.

Tiếp xúc với cán bộ Hội LHPN TP.HCM, chị M.C. bức xúc: “Vụ việc xảy ra từ ngày 14/2, nhưng đến nay chưa được giải quyết và đang có dấu hiệu bị kéo dài. Tôi muốn cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra để đòi lại công bằng cho con tôi”.

Nhieu co quan chuc nang vao cuoc giam sat dieu tra vu nghi xam hai be gai
Chị M.C. trình bày vụ việc với phóng viên

Trong một diễn biến khác, theo cáo cáo nhanh của Hội LHPN Q.Thủ Đức, ngày 13/3, ngay sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị này đã liên hệ với bộ phận chuyên trách trẻ em của Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức để nắm bắt thông tin vụ việc.

Theo đó, ngày 15/2, khi nhận được thông tin về việc bé P.N. bị xâm hại, Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức đã phối hợp với cơ quan công an đến trường tiểu học L.T.V. (nơi cháu P.N học) để nắm tình hình. Qua kiểm tra hệ thống camera tại lớp học của cháu P.N, tổ công tác không nhận thấy có dấu hiệu bất thường.

Cán bộ chuyên trách trẻ em của Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức cũng xác nhận, sau khi xảy ra vụ việc, gia đình có đưa cháu P.N. đến bệnh viện giám định, nhưng phía Bệnh viện Từ Dũ từ chối do không có giấy trưng cầu giám định của cơ quan chức năng.

Lãnh đạo Công an quận Thủ Đức cho biết, kết quả giám định cho thấy, màng trinh của bé P.N. không bị rách, không có tinh dịch trong âm đạo. Tuy nhiên, đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng công an quận nhận định: “Không giao cấu không có nghĩa là không có hành vi dâm ô. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra”.

Nhieu co quan chuc nang vao cuoc giam sat dieu tra vu nghi xam hai be gai
Đại tá Lê Anh Tuận - Trưởng Công an quận Thủ Đức gặp gỡ báo chí thông tin vụ việc.

Đại tá Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi không loại trừ khả năng cháu P.N. bị xâm hại. Tuy nhiên, khó có khả năng cháu bé bị xâm hại trong lớp học. Chúng tôi đang chờ kết quả giám định ADN trên quần áo của cháu trong ngày xảy ra vụ việc để làm rõ thêm”. Ông tuấn khẳng định sẽ không có việc bao che, bưng bít thông tin liên quan đến vụ việc. 

Nhiều cơ quan vào cuộc giám sát điều tra

Trao đổi với chúng tôi ngay sau cuộc gặp với gia đình cháu P.N., bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Trong những ngày tới, Hội PN sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ vụ việc này để có hướng hỗ trợ tốt nhất cho gia đình cháu N.”.

Theo bà Thanh Thủy, ngay sau buổi gặp gỡ này, bà sẽ tham mưu cho lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM có văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị nhanh chóng làm rõ vụ việc, đồng thời sẽ thường xuyên trao đổi, động viên với gia đình nạn nhân và có các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Cũng trong ngày 13/3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã có buổi làm việc với gia đình cháu P.N. để nắm bắt thông tin và có biện pháp hỗ trợ cho gia đình. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, Hội sẽ cử luật sư theo sát vụ việc và hỗ trợ pháp lý cho gia đình cháu bé. 

Nhieu co quan chuc nang vao cuoc giam sat dieu tra vu nghi xam hai be gai
Quần áo dính nhiều máu của bé gái nghi bị xâm hại sau khi từ trường học về.

Qua nắm bắt một số thông tin liên quan đến việc bé P.N. có dấu hiện bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cũng đặt một số điểm nghi vấn liên quan đến vụ việc này: "Nếu cháu P.N. bị té, ra máu nhiều như vậy, tại sao nhà trường không đưa cháu đến phòng y tế hay bệnh viện để kiểm tra? Nhà trường cũng không hề có động thái hỏi thăm gia đình cháu? Bên cạnh đó, nếu bị té thì phải có các vết thương kèm theo".

Luật sư Nữ cũng cho biết, ngay sau buổi làm việc với gia đình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM sẽ làm công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các tình tiết liên quan vụ việc.

Nhiều tổ chức lên tiếng về nạn xâm hại tình dục trẻ em

Ngày 14/3, đại diện sáu tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ quyền con người và trẻ em đã tham dự tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em - Im lặng hay lên tiếng”, do tổ chức Mạng lưới bảo vệ quyền của người dễ bị tổn thương (RIM), Mạng lưới bảo vệ thúc đẩy và quản trị tốt quyền trẻ em (CRG), Mạng lưới phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái (GBVnet) phối hợp tổ chức. 

Tại cuộc tọa đàm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, còn nhiều “khoảng hở” trong luật Hình sự và Tố tụng hình sự khiến nhiều vụ việc trong thời gian qua bị “chìm xuồng” hoặc không được giải quyết.

Luật sư Lê Văn Luân - Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé tám tuổi bị xâm hại tình dục tại Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội - cho rằng, mô tả khái niệm “dâm ô” hiện nay trong luật Hình sự chưa đầy đủ. Những hành vi như sờ soạng, tiếp xúc với vùng kín trẻ em mới được xem là có tội nhưng ở các nước khác, chỉ cần có gợi ý tình dục, cho xem truyện tranh khiêu dâm… là đã bị cấu thành tội.

Cũng theo ông Luân, quy định luật pháp hiện đang “trọng chứng hơn trọng cung”, tức coi trọng “dấu vết vật chất” để lại trên cơ thể sau khi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, với tội dâm ô, hầu hết đều không để lại dấu vết hay nhân chứng. Do vậy, cơ quan điều tra không chỉ căn cứ vào các dấu vết vật chất mà phải dựa vào nhân chứng, hiện trường và đối chất.

Còn theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), chính khái niệm còn chung chung, chưa đầy đủ về vấn đề xâm hại tình dục là kẽ hở để có sự tráo đổi khái niệm khi thực thi pháp luật. Thực tế, đã có những trường hợp từ phạm tội hiếp dâm đổi thành dâm ô hoặc ngược lại để thay đổi mức độ phạm tội. Quy định không rõ ràng đã tạo điều kiện cho vấn đề tham ô, tham nhũng… vì có thể sau những tráo đổi đó, có vấn đề tiền bạc.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh, vấn nạn xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra là do phản ứng và hành động chậm trễ không chỉ của gia đình mà còn của khối cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội, cơ quan hành pháp… Sự chậm trễ này đã để lại những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe của các nạn nhân và gia đình cũng như ảnh hưởng lâu dài đối với  xã hội.

Sơn Vinh - Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI