Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi: Viết trên ký ức nữ tính của phụ nữ Sài Gòn

19/05/2018 - 16:12

PNO - Những người “từng làm Báo Phụ Nữ vào những năm chín mấy”, hầu như vẫn giữ trong nhà sách dạy nấu ăn, cắt may, dạy làm đẹp của bà Triệu Thị Chơi.

Ra đời từ năm 1975, ngay từ thuở non trẻ Báo Phụ Nữ đã được lưu dấu nhiều tư tưởng, “bí quyết” của nữ chuyên gia hàng đầu về kỹ năng phái đẹp này trong hành trình đồng hành cùng hạnh phúc của phụ nữ. Cuộc chuyện trò sau 43 năm vì thế mà chất chứa nhiều ký ức chung về một thời kỳ “mở đường” cho nền giáo dục nữ giới, nữ tính ở Sài Gòn.

Nha giao uu tu Trieu Thi Choi: Viet tren ky uc nu tinh cua phu nu Sai Gon
 

- Bà có biết rằng, rất nhiều phụ nữ từ 40 tuổi ở Sài Gòn vẫn còn… hồi hộp khi nghe cái tên “Triệu Thị Chơi”, vì chính những ký ức nữ tính từ khi họ còn là một cô gái phấp phỏng chờ cuốn Sổ tay nội trợ của bà ra sạp mỗi tháng?

- Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi: (Cười) Thời gian qua lâu quá rồi, phải mấy chục năm, nhưng chính tôi vẫn còn nhớ cảm giác phấp phỏng đó. Hồi ấy, cả thành phố chỉ có báo Phụ nữ và cuốn Sổ tay nội trợ là món ăn tinh thần và nguồn tri thức về giới cho phụ nữ. Sổ tay nội trợ thì xuất bản theo chu kỳ tháng.

Báo Phụ nữ ra hai số và một tờ tạp chí cuối tuần. Nhưng hình như chừng đó vẫn chưa đủ. Bạn đọc cứ thấp thỏm chờ báo, rồi lại quay sang hối thúc tăng kỳ của cuốn sổ tay nội trợ. Từng kỳ báo hay sổ tay nội trợ ra sạp là rộn ràng những phản hồi, góp ý. Tôi tin rằng, những anh chị làm Báo Phụ Nữ giai đoạn đó cũng như tôi, như những phụ nữ từ độ tuổi 40 ở thành phố này vẫn nhớ rõ ký ức sinh động, dễ thương ấy.

- Nhưng chắc chỉ mình bà là hiểu trọn vẹn về nguồn cội và quá trình ra đời từng cuốn Sổ tay nội trợ?

- Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi: Cũng như mọi cuốn sách mà tôi viết sau này, cội nguồn của Sổ tay nội trợ vẫn là ý muốn mang đến cho phụ nữ những kiến thức cụ thể trong cuộc sống, từ nấu ăn, cắm hoa cho đến chăm sóc bản thân.

Nha giao uu tu Trieu Thi Choi: Viet tren ky uc nu tinh cua phu nu Sai Gon
Cô Triệu Thị Chơi (trái) làm giám khảo một cuộc thi nấu ăn - Ảnh: internet

Thời điểm đất nước mới thống nhất, kinh tế khó khăn nên những nhu cầu tinh thần khá xa lạ với người dân. Khi cả xã hội đang lo toan cho từng miếng cơm, manh áo, thì việc hướng dẫn cách nấu một món ngon, cắm một lọ hoa đẹp dễ khiến người ta… lạc loài. Nhưng vì được học trong chuyên ngành Kinh tế gia đình (sau này gọi là “Nữ công gia chánh”), tôi hiểu giá trị của những điều này với hạnh phúc của một gia đình hay một phụ nữ.

Chính những điều này có khi lại trở thành động lực để người ta vui sống mà có cảm hứng làm việc, cải thiện cuộc sống. Lúc đó, ngay cả việc mở lớp dạy cắm hoa, hay ra một chuyên san về nội trợ cũng là một việc làm khá… lạ đời, như tạo ra những sản phẩm xa xỉ vậy. Nhưng đó là do đặc điểm lịch sử của xã hội, nên những người làm công tác phụ nữ phải đi từng bước để thuyết phục người dân, thuyết phục lãnh đạo. 

- Đúng là thế hệ sau này thật khó để hình dung về cái “buổi ban đầu”…

- Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi: Tôi nhớ hồi đó tôi đang làm việc ở Hội trí thức thành phố thì mấy dì ở câu lạc bộ Phụ Nữ (tiền thân của Nhà văn hóa Phụ Nữ thành phố) sang chia sẻ về ý định mở lớp dạy nghề cho phụ nữ cùng nỗi lo “không có người rành chuyên môn và tổ chức lớp học, sợ không thu hút được học viên”.

Tôi hăm hở về câu lạc bộ, tham gia tổ chức mảng “kiến thức và kỹ năng cần thiết”, trong đó có các lớp truyền nghề, dạy kỹ năng cần thiết trong vai trò một người có chuyên môn về phụ nữ.

Nha giao uu tu Trieu Thi Choi: Viet tren ky uc nu tinh cua phu nu Sai Gon
Cô Chơi trong căn bếp ấm áp nhà minh - Ảnh: Phùng Huy

Câu lạc bộ Phụ Nữ vốn đã có uy tín về tính chính quy, bài bản nên các lớp học được phụ nữ thành phố hưởng ứng nhiệt tình. Khí thế học tập lan ra cả ở phụ nữ các tỉnh lân cận. Câu lạc bộ phụ nữ đông lên từng ngày, có người đến ở cả ngày tại câu lạc bộ, học hết môn này đến môn khác.

Nhận thấy nhu cầu học kỹ năng sống và kiến thức nội trợ của phụ nữ rất lớn, nhưng mọi lớp học đều bị điều kiện hóa về số lượng tham gia và khoảng cách địa lý, rất nhiều chị em muốn học nhưng không thể dự lớp, nên tôi bắt đầu suy nghĩ một phương thức dạy ngoài lớp học. Cuốn sổ tay nội trợ ra đời từ đó.

- Từ nguồn cội đó, bà chủ biên Triệu Thị Chơi đã làm gì để xoay xở giữa quy trình tháng một kỳ sổ tay, cùng bao nhiêu góp ý, kỳ vọng của độc giả?

- Nhà văn hoá Phụ Nữ khi ấy rất ít nhân sự, hầu như ai cũng quá tải công việc. Cuốn Sổ tay nội trợ, dù được các dì (lãnh đạo nhà văn hóa và Hội LHPN TP.HCM) ủng hộ, tôi vẫn phải phụ trách hoàn toàn để đảm bảo mỗi tháng ra một kỳ như cam kết. Sổ tay nội trợ lúc đó có 17 mục.

Những số đầu, để chủ động, tôi phải chuẩn bị toàn bộ nội dung, rồi bắt đầu viết lời mời độc giả cộng tác. Cuốn Sổ tay nội trợ được đón nhận nồng nhiệt sau một thời gian rất ngắn từ ngày ra mắt. Bạn đọc trên cả nước gửi bài cộng tác rất nhiều. Cứ thế, hễ có bài của bạn đọc ở mục nào thì tôi rút bài của mình ra.

Tôi làm việc miệt mài để luôn có sẵn ít nhất 4 số gối đầu: một số ra sạp, một số xin giấy phép, một số đang in, và một số đang đánh máy. Mỗi số ra 50.000 - 60.000 bản. 

Giai đoạn đó sôi động vô cùng vì hai trụ sở sát nhau, tòa soạn Báo Phụ Nữ thì ra… Báo Phụ Nữ, Nhà văn hóa Phụ Nữ thì có cuốn Sổ tay nội trợ. Độc giả gửi thư liên tục để góp ý, hiến kế. Tôi nhiều lần “được” độc giả phê bình là… “mỗi tháng chỉ làm một số, ít quá, phải tăng kỳ đi”. Có lần, tôi còn được nghe một anh nhà báo người Mỹ sang Việt Nam tìm mua hai cuốn Sổ tay nội trợ và Kiến thức ngày nay.

- Được biết, hiện tại vẫn có rất nhiều cuốn sổ chép tay những công thức nấu ăn, bí quyết may vá từ chính những… cuốn sổ tay nội trợ được phụ nữ thành phố lưu giữ từ hơn hai mươi năm trước. Điều đẹp đẽ như vậy sao chỉ có thể là ký ức, thưa bà?

- Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi: Khác với báo Phụ nữ, Sổ tay nội trợ thuần túy truyền đạt kiến thức, kỹ năng. Sau này thì internet làm rất tốt điều đó nên nhu cầu về một cuốn sổ tay phải chờ từng tháng để đón đọc dần mất vị thế. Nhưng tôi vẫn tin rằng, những sản phẩm truyền đạt kiến thức về phụ nữ và dành cho phụ nữ được viết trên giấy - vẫn luôn có giá trị.

Năm 1986, nhà xuất bản Periplus Editions của Singapore sang mời tôi cộng tác thực hiện cuốn The food of Vietnam - đó là cuốn sách đầu tiên viết về văn hóa ẩm thực và cách chế biến món ăn Việt Nam được quảng bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đã hơn 30 năm, nhưng họ vẫn tái bản đều đặn mỗi năm.

Có lần, một người bạn làm trong ngành xuất bản đi công tác ở Úc, vô tình nhìn thấy cuốn sách về món ăn Việt do tôi là tác giả bày bán ở nhà sách xứ người, anh ấy đã vui mừng mua về… khoe, rồi đặt tôi làm nội dung cho một cuốn lịch về ẩm thực Việt. Rồi tôi lại viết.

Hàng trăm cuốn sách nấu ăn, cắt may đã ra đời và sẽ còn nữa, khi tôi còn sức viết. Đó là cách mà những điều đẹp đẽ tồn tại và “chuyển đổi hình thức” trong cuộc sống ngày một đổi khác này.

- Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này!

Những sản phẩm truyền đạt kiến thức về phụ nữ và dành cho phụ nữ được viết trên giấy - vẫn luôn có giá trị. Năm 1986, nhà xuất bản Periplus Editions của Singapore sang mời tôi cộng tác thực hiện cuốn The food of Vietnam - đó là cuốn sách đầu tiên viết về văn hóa ẩm thực và cách chế biến món ăn Việt Nam được quảng bá đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đã hơn 30 năm, nhưng họ vẫn tái bản đều đặn mỗi năm.

 Minh Trâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI