Ngọn lửa Lý Tiến Dũng và cuộc chạy tiếp sức

21/06/2017 - 07:40

PNO - “Dũng là người đi thẳng, kiên cường, gan dạ, không làm dáng, õng ẹo. Mỗi lần gặp, tôi hay sờ lưng Dũng coi như có mặc áo giáp không. Tôi nói là Dũng à, hãy mặc áo giáp đi, ăn đạn đấy"...

Nhìn lướt qua, người  dự buổi ra mắt cuốn sách: Lý Tiến Dũng, hành trình một con người sáng 20/6 ở đường sách Nguyễn Văn Bình, ngoài báo giới, những chiến hữu với anh thuở hào sảng cười vang ở tòa soạn báo Phụ Nữ năm nào, tất nhiên là có má anh - bà quả phụ Lý Chánh Trung, vợ con anh, những đắng cay không bao giờ vơi đi trên mắt họ, để hôm nay một lần nữa niềm đau dâng lên, khi gặp trên từng thước phim, gặp ở lời của bao đồng nghiệp.

Tôi nghe chị Thế Thanh dặn nhà thơ Lê Minh Quốc: “Nhớ nghen Quốc, nhớ phải giới thiệu những đồng đội Dũng thời bộ đội, họ cũng đến dự đó”. Nghe đến đây, tôi không giấu được nỗi bồi hồi. Những người lính, không ai chung thủy bằng họ, sống chết chiến trường, và hạnh phúc thay cho Lý Tiến Dũng, họ theo anh đến huyệt mộ, theo cả những dòng chữ anh đã viết; chưa đủ, họ đến đây một lần nữa, như chìa tay ra nắm, như thầm nói không hổ danh lính chiến một thời…

Có cả ở đó, trong cái nắng chói chang kịp xiên khoai qua cuốn sách có gương mặt phong trần, cái nhìn trong suốt, hóm và sắc, đặc biệt là nụ cười, như mở lòng với tất cả mà bối rối khi ai đó nói về mình.

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc

“Biết ai đây không? Bé Bông đó”. “Ủa, hồi đó nó có chút xíu hà”. Có người hỏi nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM Nguyễn Thế Thanh. Chị kéo cô bé ngày nào, bây giờ đã là thanh nữ.

Chị kể: “Lúc đó là 1993, 1994, bé Bông được ba dẫn vô tòa soạn, mà cả tòa soạn Phụ Nữ lúc đó được gọi là nhà trẻ, bởi con cái anh chị em cơ quan không ai coi sóc, đều chở đến để đó, nó tự chơi, ba mẹ phải đi làm. Có bữa bé Bông đói quá ngủ luôn trên ghế, mình lay dậy hỏi con ăn chưa, nó mếu máo chưa, thế là cho ăn”.

Cô bé đó bây giờ đã đi làm và ký ức tuổi chập chững cũng mù sương rồi, chỉ có đồng nghiệp của ba bây giờ đang hồi nhớ về những ngày tháng cũ, tiếc, nhớ và nhìn nhau với bao điều không nói được.

Chừng ấy năm, kể từ ngày gỡ ba lô ra khỏi vai, Lý Tiến Dũng bước vào báo Phụ Nữ năm 1991, không chút vốn nghề giắt lưng, chỉ có máu làm báo âm thầm chảy trong huyết quản, bởi thân phụ anh là nhà báo Lý Chánh Trung. Chừng đó chưa đủ, khi “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nhưng Lý Tiến Dũng đã không  phụ lòng “hổ phụ”. 

Sách dày 700 trang, như trì đằm xuống hơn, khi tôi lật mục lục phần về nhà báo Lý Tiến Dũng, mảng điều tra, với những tít bài mà đến giờ, nói thẳng, chỉ lướt qua là… sợ và ngán: Bùng nổ ma túy tại Việt Nam: Từ đâu vòi bạch tuộc?; rồi Họ đã tiếp tay Phạm Huy Phước như thế nào?, Phạm Huy Phước không thể tham ô một mình, Đối mặt với công lý, Trắng và đen quanh cuộc “tập trận” của Tăng Minh Phụng, Mansanto - Dow Chemica: Nỗi ám ảnh  trên đồng ruộng Việt Nam

Hết điều tra là viết diễn đàn, bình luận, với những câu chuyện nóng rẫy: Nghệ thuật “bao che”; Quay lại với hai chữ “con người”, Gia nô da vàng, Đoạn tuyệt với lối tư duy “cung đình”… Nhiều, còn rất nhiều bài nữa, chạm đến cả chuyện nghề của nhà báo.  

Tôi đọc, có cảm giác như mình anh đứng đó, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ đi tìm tư liệu, viết, viết không khoan nhượng. Những vấn đề vĩ mô, những câu chuyện đau lòng, ung nhọt, những ông trùm phá hoại kinh tế bằng lắm thủ đoạn nham hiểm, cả khi chính họ vừa là tội phạm, vừa là nạn nhân của cơ chế, đụng đến họ là chơi với dao, hớ tay là đứt, mà người chém anh chưa hẳn là họ, có khi là những kẻ đứng sau đục nước béo cò, nhưng khoác áo công lý, nhân danh đạo đức, quyền năng.

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc
Cuốn sách “Lý Tiến Dũng hành trình một cuộc đời”. Ảnh: Trân Duy

“Dũng là người đi thẳng, kiên cường, gan dạ, không làm dáng, õng ẹo. Mỗi lần gặp, tôi hay sờ lưng Dũng coi như có mặc áo giáp không. Tôi nói là Dũng à, hãy mặc áo giáp đi, ăn đạn đấy. Dũng không ăn đạn, nhưng dính thứ đạn khác, âu cũng là số phận của người làm báo vì lẽ phải…”, giọng nhà báo lão thành Nguyễn Hồ như nghẹn lại khi nhớ về đứa em, đứa cháu đồng nghiệp của mình.

“Lý Tiến Dũng không dừng lại ở điều tra sắc bén, Dũng còn là nghệ sĩ tài hoa, nên anh không bỏ qua những cái đẹp của cuộc sống, những số phận, những câu chuyện gợi yêu thương”, chị Thế Thanh nấc nghẹn.

Từ hàng ghế đầu, vợ, má anh, rồi ghế sau, ở phía xa, nhiều người chậm mắt. 18 năm cầm bút mà như dằng dặc cả một đời dài ưu tư trầm mặc phận dân mệnh nước, tạc vào lòng bao người chân dung một nhà báo chí tình, chí nghĩa, hào sảng, tài hoa, kiên cường, một tính khí “Từ Hải đất phương Nam”. Chỉ như  vậy mới có thể lay động những ai còn sống, để họ không từ nan gian khó, khi anh nằm xuống, bèn mọi cách có được cuốn sách hôm nay.

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc
Nhà báo Nông Thanh Vân, vợ nhà báo Lý Tiến Dũng. Ảnh: Trân Duy

Tôi hỏi chị Nông Thanh Vân, vợ anh: “Thời điểm dữ dội nhất của anh Dũng, ảnh cô đơn không?”. “Không em, hồi đó chị cũng làm báo Phụ Nữ, mọi người chia sẻ hết”. Tấm lòng của tập thể đó, không dứt khi anh ra đi.

Chính chị Thế Thanh đã lục tìm bản thảo của lính mình, mà chị Vân nghẹn ngào nói rằng “thủ trưởng cũ” đầy kính trọng, tử tế, quyết ra sách cho anh, rồi nhiều người nữa, âm thầm vào thư viện hai tháng trời, lục lại những bài viết cách đây 18 năm, những ẩm mốc của thời gian dán lên từng con chữ, nhưng dòng nhiệt huyết với đời, với nghề nơi anh, chỉ vẫn bừng cháy ở đó, tìm về, để một lần nữa cho nó sáng lên, với niềm tin, nó không lẻ loi, lạc lõng giữa thời buổi này, bởi đó là cái đẹp không tì vết.

Bộn bề và chất ngất thương mến, quý trọng. Làm báo mà được như thế, hỏi có được mấy người?

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc
Chị Nông Thanh Vân (trái), phu nhân nhà cố báo Lý Tiến Dũng tặng tiền biểu trưng cho đại diện chương trình hoạt động xã hội.

Nhưng một mình anh đâu làm nên chân dung một nhà báo điều tra nổi tiếng Lý Tiến Dũng. Tôi nghĩ, chị Thế Thanh khóc, đâu chỉ thương nhớ đứa em, mà chị đang lặng đi trong nỗi nhớ vàng son, mà những ai làm ở Phụ Nữ dưới thời chị cầm chịch, những ai biết đến báo Phụ Nữ những năm 90 thế kỷ trước, đều… ớn lạnh tờ báo này, không phải nữ nhi thường tình đâu,  mà lăn xả vào trận địa của bao nhiễu nhương, phức tạp, nguy hiểm, bằng mọi cách đưa ra ánh sáng những góc khuất của lòng tham, cái ác, sự phi lý.

“Ngày đó, anh Dũng chống tiêu cực, có làm chị khổ không?”. Chị nói ngay rằng, không làm khổ mình, mà mình đồng cam cộng khổ với anh em. Trong hồi ức của mình, chị kể rằng, khi Lý Tiến Dũng chống tiêu cực ở công ty in mà báo đang in ở đó, nửa đêm anh đến tòa soạn, nói rằng, nếu cần anh sẽ rút bài, vì tờ báo, vì chị, dù rất buồn. Sáng hôm sau anh đến, thấy bài vẫn in, bèn cười hà hà “thế mới là đồng đội chứ”.

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc
Nhà báo Thế Thanh (phải), nguyên TBT báo Phụ Nữ TP.HCM và nhà báo Nông Thanh Vân. Ảnh: Trân Duy

Vậy là tâm thế mỗi nhà báo, đều xác định mình là chiến sĩ, mà ra trận thì có đồng đội, không thể và không hề đơn độc. Vậy làm sao để một chiến binh khi xung trận, họ không cảm thấy lạnh lưng, trống trải?

“Xin hỏi chị, ngoài những phẩm chất cần có của một tổng biên tập, thì tôi cho rằng, người quản lý buộc phải chấp nhận cô đơn, như ai đó nói, là sự cô đơn của quyền lực, chị có thấy vậy không?”. “Đúng, cô đơn, nói đúng hơn là đơn độc, nhiều lúc đơn độc, lẻ loi. Có những vấn đề phóng viên chia sẻ với mình, thì hãy nghĩ rằng, anh em họ viết không phải cho mình, cho họ, mà cho cuộc sống này, thì hãy lắng nghe, thấu hiểu và đồng điệu với họ. Chống  tiêu cực, trung ngôn nghịch nhĩ,  nó hợp với lương tri, nhưng không hợp với ai đó, nhưng mình chịu hết, gánh hết. Báo chí là một trận địa, mà mỗi tòa soạn là một cái chốt, phải làm sao cho anh em thấy họ yên lòng chiến đấu và bảo tồn được sinh mạng ở chốt của mình. Phải tồn tại, tồn tại vì điều hay, lẽ phải, vì sự trong sáng, thì lịch sử sẽ trả lời…”.

Dẫu có lúc thăng lúc trầm, nhưng phải nói rằng, những câu chuyện luận bàn giao ban, những tranh cãi quyết liệt, lên bờ xuống ruộng với nghề, đau đáu cho tờ báo thoát ra khỏi cái nhìn mặc định “Phụ Nữ mắc chi  nói chuyện chính trị” thuở ấy, đến nay vẫn còn nguyên đây, như là sự kế thừa và tiếp bước mạnh mẽ, mà rõ nhất là mỗi sáng ra, măng-sét Phụ Nữ lại đập vào mắt bạn đọc những phản biện sắc bén, cái nhìn khác biệt mà hợp lý, nhân văn, những sẻ chia thật lòng như đòi hỏi tự thân của đời sống, nóng rẫy.  

Có được điều đó, là sự cố gắng hết mình của tập thể  tòa soạn, cố thoát ra cái nhìn cũ kỹ, đi tìm sự thật bằng niềm tin và sự quyết liệt phải thay đổi bản thân mình để đáp ứng và không phụ lòng tin của bạn đọc.

Sẽ không thể kể hết được những tuyến bài điều tra, lính ngoài mặt trận, tổng biên tập ở nhà “online” liên tục, căng sức hướng dẫn và tiếp lửa, chỉ sơ sẩy một chút là dính họa; rồi phập phồng lo kết quả nó ra sao, bởi mọi thứ đều có thể khác đi, khi mình chỉ có ngòi bút trong tay.

Ngon lua Ly Tien Dung va cuoc chay tiep suc
Phu nhân của cố Giáo sư Lý Chánh Trung, thân mẫu nhà báo Lý Tiến Dũng tại buổi giao lưu. Ảnh: Trân Duy

Chị Nông Thanh Vân, vợ anh Dũng, nói rằng đây không chỉ là cuốn sách cho riêng anh, mà nó chứa đựng một năng lượng của yêu thương, cái đẹp và sự tử tế. Đám cháy từ cuộc đời nhà báo Lý Tiến Dũng và câu chuyện một thời vẫn hừng hực, bởi đó là sự kêu đòi, réo gọi từ cuộc sống, và sứ mệnh của nhà báo là cất lời lên giúp họ. 

Những ẩm mốc của thời gian dán lên từng con chữ, nhưng dòng nhiệt huyết với đời, với nghề nơi anh, chỉ vẫn bừng cháy ở đó, tìm về, để một lần nữa cho nó sáng lên, với niềm tin, nó không lẻ loi, lạc lõng giữa thời buổi này, bởi đó là cái đẹp không tì vết.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI