Ngơ ngác với… vỉa hè

28/07/2017 - 14:34

PNO - Chiến dịch “giành lại vỉa hè” khởi phát từ TP.HCM vào tháng 1/2017 đến nay vẫn chưa có hồi kết, thậm chí còn phảng phất mùi tiêu cực, khó an dân.

Nhiều người dân mưu sinh trên vỉa hè hai ba chục năm “quy hàng” chiến dịch, mất hẳn kế sinh nhai hoặc giảm đáng kể thu nhập. Để rồi ai đó trong chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh “ngơ ngác” của họ khi chiến dịch lắng xuống, vỉa hè lại bị chiếm dụng.

Ngo ngac voi… via he
Lực lượng chức năng quận 1 ngày dầu tiên ra quân giành lại vỉa hè trên đường Trần Quang Khải

Có khi, ngay tại vị trí mà họ buôn bán trước đây, tiếp tục có người khác “xí chỗ”. Rồi chúng ta cũng chả hiểu sao cả dãy phố mình sống, có nhà phải tháo mái hiên, tháo pa nô bảng hiệu, nhưng có nhà thì không? Hoặc có kẻ được duy trì thềm, bậc trên vỉa hè trong khi các hộ khác phải đập bỏ? Còn nhiều cái “ngơ ngác” lắm!

Ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ năm HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra hồi đầu tháng Bảy này, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - thẳng thắn đặt vấn đề “có bảo kê vỉa hè”. Tương tự, đánh giá sáu tháng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè từ các quận huyện cũng thừa nhận có trường hợp xử lý chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính công bằng, có tình trạng nể nang do quen biết… dẫn đến việc chưa tạo đồng thuận cao trong ý thức tự giác chấp hành của người dân.

Rõ như ban ngày, việc tái chiếm vỉa hè là đương nhiên, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa “có bảo kê” mà người đứng đầu cơ quan tham gia xây dựng chính quyền của thành phố đã “nghi vấn”. Từ đó, dẫn tới có thực tế nương tay, cả nể, bất công. Dễ dàng tạo cho người dân cái cảm giác việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường là nhằm để tạo ra “một trật tự khác”. Đỉnh cao của cảm giác này còn có “đóng góp” của dự thảo đề án thu phí vỉa hè mà Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra ngay sau chiến dịch. Dù rằng, đây là điều tương đối cần thiết mà các đô thị lớn trên thế giới đã làm.

Ngo ngac voi… via he
Sau 6 tháng, vỉa hè một số tuyến đường tại quận 1 lại lâm vào tình trạng bị tái chiếm.

Giải pháp nào, hiệu quả đó. Chiến dịch sẽ thành công hơn nếu có thời gian, lộ trình với những giải pháp bền vững giúp hàng vạn người dân “kinh tế vỉa hè” dần chuyển đổi sinh kế hoặc dần đi vào trật tự quản lý, thay vì “giành lại vỉa hè” theo cách tạo ra thế đối nghịch giữa cơ quan quản lý với người dân. Cũng vậy, dự thảo thu phí vỉa hè sẽ dễ được người dân chấp nhận hơn nếu có những giải pháp hài hòa trước đó, chứ không phải là chiến dịch đập phá. Cần bỏ hẳn tư duy quản lý “xóa bỏ cái gì đó”, để rồi có “cái khác” chứ chưa hẳn là cái mới, càng không phải tạo ra chuyển biến thật sự cần cho sự phát triển. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại yêu cầu UBND các tỉnh thành “trở lại” cuộc vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè, để rồi lại tiếp tục tiến tới việc đồng loạt ra quân lập lại trật tự trên tất cả hệ thống đường bộ theo phương châm “bình đẳng, không có vùng cấm”. E rằng, công cuộc này lại một lần nữa nếm thất bại bởi chỉ thị nhiều khả năng sẽ chỉ tạo ra “thượng phương bảo kiếm” giúp hệ thống quản lý yếu kém “đập bỏ” cái cũ, tạo ra “cái khác” mà không phải là cái mới cần cho phát triển.

 Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI