Ngày đầu tiên bên gia đình của hai đứa trẻ trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì

20/07/2018 - 14:00

PNO - Hai đứa bé đều ngủ rất ngon, không quấy khóc khi về với bố mẹ ruột. Đêm đầu tiên ấy có cả niềm vui và nước mắt của những người đã phải xa con đẻ mình 6 năm trời.

Chị Vũ Thị Hương cho biết, trong đêm đầu tiên, cháu Phùng Thanh H. lạ nhà nhưng vẫn ngủ rất ngon trong vòng tay mẹ. Còn nhỏ nhưng cháu H. rất tự lập và hiểu chuyện. Ôm con trong tay, chị Hương không cầm được nước mắt và lại có thêm một đêm mất ngủ.

Ngay dau tien ben gia dinh cua hai dua tre trong vu trao nham con o Ba Vi
Hai đứa bé về bên gia đình mới sau buổi trao nhận ngày 19/7

"Sau buổi lễ trao nhận con, dù phải xa gia đình cũ nhưng con không khóc, chỉ lặng lẽ thu dọn đồ chơi, quần áo để về nhà mới. H. làm quen với mọi người rất nhanh, nhất là với em Khánh (người con thứ 2 của chị Hương - PV) rồi sau đó tự chơi một mình. Tôi đã đưa con đi cắt tóc rồi nấu cho con món yêu thích. Sau khi ăn cơm, H. ra chơi với các em rồi khi buồn ngủ thì tự lên giường đi ngủ", chị Hương chia sẻ.

Nói về con trai, chị Hương cho rằng với tính tự lập như vậy, H. sẽ sớm thích nghi được với gia đình mới. Khác với H., cháu M. là đứa bé nhút nhát nên khi về với bố mẹ đẻ sau buổi lễ trao nhận con, cháu vẫn còn khóc rất nhiều và gọi: "Mẹ Hương ơi, mẹ cứu con! Mẹ đừng bỏ con". Cũng vì thế, chị Hương càng đau xót khi phải chia tay với M., đứa con chị nuôi nấng suốt 6 năm. Chị nghẹn ngào: "Chia tay M. là nỗi đau khổ lớn nhất trong cuộc đời tôi lúc này. Từ trước đến nay M. chỉ sống với tôi, làm gì cũng phải có mẹ, cháu tình cảm lắm nên tôi rất lo, sợ con không kịp thích nghi với gia đình mới", chị Hương bật khóc.

Ngay dau tien ben gia dinh cua hai dua tre trong vu trao nham con o Ba Vi
Chị Hương và cháu M. rất quấn quýt bên nhau

Đúng như chị Hương lo ngại, theo anh Phùng Giang Sơn, lúc mới về, cháu M. khóc rất nhiều, đòi về với mẹ Hương bằng được. Anh Sơn và vợ phải thay nhau dỗ dành, giải thích cho con hiểu đây là nhà của con, bố mẹ là bố mẹ của con thì cháu mới chịu nín.

Để con khỏi tủi thân, anh Sơn nhờ các cháu bé ở hàng xóm sang chơi cùng M. rồi dẫn con đi siêu thị, đi xem phim. Đến tối về nhà, M. cũng bắt đầu quen với gia đình mới, đã gọi bố Sơn, mẹ Hiền và đồng ý để chị Hiền tắm và đút cơm. Anh Sơn nói: "M. vẫn nhớ mẹ Hương lắm, khi nào nhớ ra lại hỏi. Nhưng đây là ngày đầu tiên, tôi nghĩ thế cũng là tốt rồi. Sau một thời gian chắc chắn con sẽ quen và chấp nhận gia đình mới của mình".

Ngay dau tien ben gia dinh cua hai dua tre trong vu trao nham con o Ba Vi
Hai đứa trẻ bên hai người mẹ

Khi hỏi về việc trao nhận con bất ngờ, không giống như những gì đã dự tính trước đó có làm hai đứa bé bị sốc tâm lý hay không, anh Sơn cho biết, anh đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và thấy rằng, việc trao trả con dù có buồn nhưng rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả. "Gia đình tôi cũng có nguyện vọng nếu cháu H. học cùng M, sẽ chu cấp và lo tiền học cho cháu. Tuy nhiên chị H. không đồng ý, muốn cho con học ở Hà Nội nên chúng tôi cũng tôn trọng", anh Sơn chia sẻ.

Theo anh Sơn, trước khi M. bước vào năm học mới, sẽ tổ chức đi du lịch để con gần gũi bố mẹ và sớm vượt qua "cú sốc" vừa qua. Ngoài ra, sau khi hoàn thiện các thủ tục trao nhận con, anh dự tính sẽ đổi tên bé Đoàn Nhật M. thành “Phùng Đăng Khoa”. “Tôi muốn đổi tên con để cả gia đình quên đi những chuyện mệt mỏi vừa qua. Thêm vào đó, dù sao là con ruột của mình tôi cũng muốn tự đặt tên cho con”, anh Sơn chia sẻ.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI