Nên cho TP.HCM giữ lại 18.800 tỷ đồng để xử lý các vấn đề cấp thiết

15/11/2017 - 09:44

PNO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dù có cho TP.HCM cơ chế đặc thù, vẫn nên tiếp tục hỗ trợ 18.800 tỷ đồng từ ngân sách giúp địa phương xử lý các vấn đề cấp bách là chống ngập và xây dựng hai bệnh viện tuyến cuối.

Sẽ sớm tăng thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt?

Sáng 14/11, trình bày báo cáo thẩm tra về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải cho biết, Hội đồng nhân dân TP.HCM được quyền quyết định dự toán và phân bổ ngân sách của mình. Đây là quy định cần thiết để tạo sự chủ động hơn cho chính quyền TP.HCM, giải quyết các vấn đề thực tế tại địa phương.

Nen cho TP.HCM  giu lai 18.800 ty dong de xu ly cac van de cap thiet
 

Liên quan đến vấn đề cho phép TP.HCM thí điểm xây dựng, thực hiện chính sách thuế tài sản, tăng mức thuế, thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, một số đại biểu lo ngại sẽ khiến tất cả các loại thuế đều tăng, gây áp lực lên các doanh nghiệp và làm mất đi tính cạnh tranh của TP.HCM.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, mặc dù quy định như vậy nhưng TP.HCM vẫn phải thực hiện trên tinh thần đảm bảo hài hòa và phù hợp với điều kiện thực tế. Trong trường hợp tăng thuế, TP.HCM phải có đề án tính toán chi tiết, đánh giá tác động đầy đủ và do cấp thẩm quyền quyết định.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, do TP.HCM đang đứng trước thực trạng ô nhiễm, kẹt xe, ngập lụt... nên trước mắt, có thể tính toán để thực hiện ngay một số loại phí, lệ phí như bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt. Đồng quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hoàn toàn hợp lý nếu TP.HCM quyết định chọn tăng một số loại thuế, phí mà thành phố này hiện đang phải chịu gánh nặng, cụ thể như bảo vệ môi trường, tiêu thụ rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ…

Báo cáo thẩm tra và nhiều ý kiến tại cuộc thảo luận tổ cũng ủng hộ một số cơ chế mới được đề xuất nhằm tạo đà phát triển cho TP.HCM như: được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với đất; huy động theo phương thức đối tác công tư PPP hoặc vay để hoàn thành các dự án do trung ương tài trợ một phần hoặc toàn bộ nhưng chưa bố trí được vốn, sau đó trung ương sẽ hoàn trả.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng được vay với mức dư nợ không vượt quá 90% số thu ngân sách, con số này tăng lên 20% so với quy định cũ trước đây. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, với GDP và thu ngân sách của TP.HCM thì mức dư nợ này là hoàn toàn chấp nhận được và không tác động tới nợ công.

Cắt hỗ trợ ngân sách chống ngập là không hợp lý

Điểm đáng lưu ý tại dự thảo nghị quyết (về cơ chế đặc thù cho TP.HCM) là cho phép TP.HCM hưởng số cổ phần của nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế nhưng ngân sách trung ương không bổ sung 18.800 tỷ đồng để TP.HCM thực hiện dự án chống ngập, xây hai bệnh viện tuyến trên. Tại cuộc thảo luận, nhiều đại biểu QH cho rằng, việc cắt 18.800 tỷ đồng là chưa hợp lý và đề nghị để TP.HCM được giữ lại khoản tiền này.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, số tiền 18.800 tỷ đồng thuộc dự toán ngân sách đầu tư công trung hạn, đã được QH phân giao cho TP.HCM chứ không phải là số tiền TP.HCM xin thêm. Do đó, nếu đồng ý với dự thảo nghị quyết thì phải cắt bớt phần đã giao cho TP.HCM. 

Báo cáo thẩm tra của QH cũng nêu rõ, đa số ý kiến đề nghị không nên khấu trừ lại khoản tiền 18.800 tỷ đồng, bởi số thu từ cổ phần hóa phụ thuộc vào tình hình của thị trường, khó xác định trong tương lai. Trong khi đó, dự án chống ngập và xây dựng hai bệnh viện tuyến cuối đều bức thiết.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) lập luận: “Chống ngập ở TP.HCM là vấn đề cực kỳ cấp bách. Chúng tôi ở Cần Thơ, mỗi lần lên TP.HCM gặp mưa vào buổi chiều thì không biết giờ nào mới về được nhà. Nếu có nguồn rồi thì cứ đầu tư, khi thành công sẽ cải thiện được môi trường, đời sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Hơn nữa, khoản tiền cổ phần hóa cần có thời gian chứ không phải có ngay được”.

Bên cạnh các vấn đề liên quan tới tài chính, một nội dung của dự thảo nghị quyết được nhiều đại biểu quan tâm là cho phép Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định mức lương cho cán bộ công chức và các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Báo cáo thẩm tra đồng tình, nhưng cũng đề cập một số ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù này sẽ tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, từ đó đề xuất: chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, không nên lo sợ điều này; nếu TP.HCM thí điểm thành công, tạo động lực phát triển thực sự thì nên mở rộng ra cả nước, cải cách chính sách tiền lương để giữ người tài. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI