Mỹ Lai - giấc mơ không đòi trả

16/03/2018 - 14:13

PNO - Tôi rẽ qua núi Ấn, thong dong trôi trong hương cỏ mật, lướt qua những đồng mướp hoa đã vàng, bắp đã trổ cờ và lúa tháng ba đang thì con gái.

Tôi rẽ qua núi Ấn, thong dong trôi trong hương cỏ mật, lướt qua những đồng mướp hoa đã vàng, bắp đã trổ cờ và lúa tháng ba đang thì con gái. Một mảng xanh non, hiền hòa rạo rực, dài không dứt hai bên đường như muốn chiêu dụ lòng người đắm mình trong giấc mơ thanh nhẹ, cởi trút hết những ưu phiền. Đường từ cầu Trà Khúc về Sơn Mỹ có lẽ là một trong những đường quê đẹp nhất ở Quảng Ngãi. 

Tôi đã xem sa hình làng quê Sơn Mỹ trước ngày kinh hoàng 16/3/1968, tất nhiên là dựng lại; đối chiếu, suy luận và mờ mắt đi trước những bức ảnh thảm sát. Làng quê ấy, bây giờ như người bộ hành vừa đi qua một cơn sấm sét.

My Lai - giac mo khong doi tra
Bà Phạm Thị Thuận

Chếch bên kia đường, trước Khu chứng tích Sơn Mỹ (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là nhà của bà Phạm Thị Thuận và Trương Thị Lê. Trước khi quay lại Sơn Mỹ, tôi đã hỏi các đồng nghiệp lẫn anh em làm ngành văn hóa tại Quảng Ngãi, rằng “có cái gì khác để làm không?”. Câu trả lời là không. “Đây đi lại khu chứng tích cách mấy bước chân, bác vô chơi miết mà” - bà Thuận cười hiền hậu. “Thì nhớ chứ, bà con, anh em, nhà cửa mình trên hình chứ đâu” - bà tiếp tục câu chuyện -  “có cái hình bác dẫn con Liên đó”. 

Trên bức hình đen trắng, màu thuốc đã phai, một người đàn bà cao lớn dắt bé gái chừng 5 tuổi. Buổi sáng đó, bà 30 tuổi. Tiếng đạn ràn rạt. Người đổ. Nhà cháy. La hét, kêu gào. Không ai kịp hiểu điều gì xảy ra, chỉ biết mình sẽ chết. Cha và năm chị em bà chết.

“Lúc đó, nó lùa đi tập trung, xô hết xuống mương để bắn. Con Liên lúc đó khoảng 2 tuổi, đang bồng bú, bác ép chặt vô ngực luôn, còn con Tận 5 tuổi, tay phải bác ghì tụm đầu sát vô luôn. Họ chết quá chừng, đè lên mình. Mẹ con bác không chết là nhờ họ chết trước. Lúc bò dậy, mọi người  thấy con Liên vẫn bú khi ngủ, tưởng nó chết rồi”. 

Năm mươi năm, nỗi kinh sợ không còn giăng mắc trong lời bà nữa: “Lúc nó đốt nhà, lùa ra bắn mấy người hàng xóm, nó bắt mình ngồi, rồi đứng, rồi bắt đi, tưởng nó cho về, ai ngờ nó lùa xuống mương và bắn. Hồi đó tức lắm, nghĩ nếu mình là đàn ông thì nhất định tìm súng bắn lại. Giờ thì qua rồi, có tức cũng chẳng để làm chi. Giờ Mỹ tới thăm quá chừng kìa”.

Sơn Mỹ hay Mỹ Lai là cái tên không lạ của cơn đau từ năm mươi năm trước. Có lẽ, trong vô vàn hình khối làm nên đời sống, nỗi đau là thứ khiến người ta không ngừng ngỡ ngàng. Mỹ Lai, tên ban đầu là Mỹ Lại. Người Mỹ đã trở lại, không phải để ra tay bạo tàn lần nữa, mà tấu vĩ cầm trong cơn mưa ăn năn tội lỗi.

Tóc đã bạc trắng, bà Thuận ở với con. Chị Liên bây giờ là nhân viên ở khu chứng tích. Trước nhà bà Thuận, lúa đang xanh. Tiếng chim trong khu chứng tích ồn ã vọng đến chỗ chúng tôi ngồi. Câu hỏi hay đặt ra từ giới truyền thông là: người Sơn Mỹ nghĩ gì về tội ác kia? Nỗi đau không bao giờ cũ. Lịch sử thì không quên. Sống thì tha thứ...

“Bác có chiêm bao về ngày đó không?”. “Có chứ, thấy nó dẫn mình ra, sao nó bắn mà mình còn sống. Cứ vậy. Lâu rồi, cũng hết thấy”. Cơn đau đã ngủ yên rồi. “Bác cũng gần đất xa trời rồi, chỉ mong bình yên”. Những người đàn bà chân quê Sơn Mỹ chỉ mong yên ổn, cả khi chết, bởi họ đã đi qua một quãng đời khủng khiếp và họ biết, không có giá trị nào hơn là hòa bình. 

My Lai - giac mo khong doi tra
102 người đã bị bắn chết dưới con mương này

Bà Lê cũng chiêm bao như bà Thuận vậy. Năm nay bà 87 tuổi rồi. Ngày đó, mẹ, em dâu, em gái và sáu cha con anh trai bà đã chết. “Bác thấy nó đặt cây súng trung liên lên bờ mương, bác liền nói thằng Dũng lúc đó 6 tuổi, là con không được khóc nghen, khóc là Mỹ bắn chết. Nó gật, thế là mẹ con bác nằm xuống vạt lúa sát mương, lấy lúa rắc phủ lên, rồi mấy người bị bắn ngã đè lên. Từ 8g đến chừng 10g, bác hé xác chết ngó lên, hai thằng Mỹ đen và trắng thấy bác, thằng đen định bắn thì thằng trắng đưa tay cản”. 

Anh Dũng đi làm về, ngồi cạnh mẹ. Anh làm thợ hồ. “Lứa tôi lúc đó đông lắm, sau trận đó còn tám đứa; mấy năm qua, chiều 16/3, sau lễ tưởng niệm, anh em ngồi lại với nhau, thành lệ rồi, mừng mình may mắn. Ừ, may mắn chứ biết nói chi, thù hằn làm chi, chỉ mong khỏe mạnh để làm ăn”.

Dân thường trên thế giới này, đông gấp tỷ lần chính trị gia, nhưng họ đâu có quyền; họ chỉ mơ, mong mỏi và cầu nguyện, quỳ xin cả trong mơ được yên ổn. “Ờ, ờ, ờ. Chiêm bao thấy nó bắn, nó đốt, nó hiếp, thấy miết, chạy mà chạy không nổi, mở mắt ra không thấy chi hết, mừng quá” - giọng bà Lê đứt quãng.

Bà cởi chiếc khăn quấn đầu. Tôi nhìn rõ hơn những vết ngang dọc của thời gian cày ủi, xô chém trên gương mặt bà. Tuyệt nhiên không tìm thấy một chút biểu hiện cảm xúc nào. 

Người Mỹ đã trở lại, nỗi thiết tha xin tha thứ là có thực. Người Sơn Mỹ như bà không đòi trả nợ, kể cả giấc mơ. Máu đã khô. Vết bầm đã lặn. Những cánh đồng đã xanh sau mùa nắng cháy... 

Mỗi lần ghé Sơn Mỹ là một lần ngột ngạt. Nói điều xin lỗi thì dễ, nhưng làm sao để không bao giờ thốt ra, mới khó. Những đôi dép chỉ còn một chiếc, cái kẹp tóc, chiếc áo… có địa chỉ sau bữa lửa và đạn dọn sạch làng, dễ khiến người ta nghĩ đến những đòi đoạn, chia xa. 

Nhưng ở đó, nằm lặng lẽ cuối góc phòng nhà trưng bày, có một hiện vật không địa chỉ. Đó là một cái mâm bằng gỗ, bày trên đó là sáu chén, 11 chiếc đũa, hai nồi đất, một cái tô, một chén nhỏ có muỗng bên trên, với dòng chú thích “bữa ăn sáng của người dân Sơn Mỹ ngày 16/3/1968”, tuyệt nhiên không nói là của nhà ai. Ai là chủ nhân, ai còn, ai mất, hay là bây giờ họ đã lang thang đâu đó trong thế giới hỗn độn này? Hãy hình dung cả nhà quây quần ngồi bệt dưới đất và bất ngờ đạn réo, lửa cháy bừng bừng. 

My Lai - giac mo khong doi tra
Những người sống sót sau thảm sát Sơn Mỹ

Tôi dứt ra khỏi cơn gào thét không lời đó, lang thang trong khu vườn chứng tích. Mười năm trước, tôi đến đây, hỏi anh Phạm Thành Công - Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ - là tại sao những con đường bê tông trong khu vườn này đầy rẫy những vệt dài, những bàn chân lớn nhỏ giẫm lên khi bê-tông chưa cứng? Câu trả lời là anh cố tình cho làm như thế. Hãy để ý đi, lớn nhỏ, ngang dọc, xéo quằn, giẫm đạp, ngay dưới chân bạn đó, như là lỗi thi công.

Để làm việc đó, anh phải nhờ bà con, tụi con nít trong xóm ra giẫm. Còn khổ bàn chân quá lớn, in dấu giày, anh phải đi mượn giày bốt-đờ-sô của lính Mỹ ở bảo tàng các nơi về in dấu xuống… Một sáng bình yên, đường làng sau tết chưa kịp ráo trong mưa xuân, thế là tất cả bị xô đẩy, kéo lê, giẫm đạp, quằn quại dưới đạn thù.

Về Sơn Mỹ, hãy một lần nhìn xuống con đường mình đang đi. Ở đó có những bàn chân đau, câm nín. Hãy áp chân mình lên đó để nghe lời vọng của những trái tim ngừng đập trong tức tưởi, bàng hoàng. 

Anh bảo vệ khu chứng tích nói: “Anh cứ thoải mái, em về ăn cơm”. Mình tôi ngồi trong khu vườn, nghe lá hát rì rào trong tiếng chim chí chóe sau góc nhà trưng bày. Lịch sử là câu chuyện buộc phải viết trên cái nền đã qua với sự hiện diện vốn có, tươi ròng, không thêm thắt. Câu chuyện Sơn Mỹ đã được phô bày hết, cả bên này lẫn bên kia đều đã nói hết. Năm mươi năm, mọi thứ đều đã được giải mật. 

Đời dân Sơn Mỹ không cần giải mật, bởi cái họ cần là đồng xanh, cá, mắm và gió biển, áo cơm. Màu xanh trở mình no ấm trong khu vườn của họ là mật thư lớn lao nhất, tha thiết gửi đến những ai hay thuyết giảng về quyền sống... 

Vào sáng 16/3/1968, quân đội Hoa Kỳ truy quét lực lượng “Việt cộng” tại Mỹ Lai (Sơn Mỹ). Binh lính dồn dân chúng - gồm phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già - rồi xả súng giết hại họ, đồng thời đốt cháy nhà cửa và tiêu diệt vật nuôi. 

Tổng số 504 dân thường đã bị giết, cho đến khi một nhóm lính Mỹ từ một máy bay trực thăng quân sự của Hoa Kỳ can thiệp. Năm 1978, Khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng để ghi nhớ tội ác chiến tranh này. Năm 2002, Khu chứng tích Sơn Mỹ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI