Mở đường từ lòng người

11/10/2017 - 13:46

PNO - Mỗi câu hỏi như xoáy vào nỗi đau đã cũ của chị Phượng. Nhưng, những lý lẽ của người sở hữu đất, những tình cảm của người gắn bó với đất, đành phải thua cuộc trước hiểu biết của một công dân.

LTS: Họ cũng thiệt như đất, bền như đất mà cũng dễ mủi lòng như đất, bởi họ từ đất đó mà ra, thấu tâm can muối mặn gừng cay của những ai hễ nghĩ về đất là đụng đến nơi sâu xa của đời người. Có lẽ cũng chính vì vậy, họ đã kiên trì vận động người dân nhường đất mở đường. 

Mũi “đột phá” cam go, vượt qua những chướng ngại, âu lo, cả những gút thắt  tâm linh vô hình trong lòng người. Chuyện sẽ không thành, nếu lòng họ không  thật thà như đất, không hòa điệu tận lòng giấc mơ cho tương lai. 

Đi trên đại lộ thênh thang phía đông Sài Gòn, không thể thấy bóng họ, không thể biết về họ, những cán bộ dân vận vô danh nơi đất đai cằn khô mặn chát khuất nẻo một thời, đã âm thầm góp cho con đường ấy những sãi nhịp rộng dài…

“Bao nhiêu cái sành điệu của Sài Gòn cũng bắt đầu từ những con đường. Đường sá ngon lành trước, rồi “bộ mặt đô thị" hay hiện đại gì đó… tính sau!”. Chị Biện Thị Lang nói vậy, lúc chị cùng chị Phan Thị Phượng (Bí thư Đảng ủy khu phố 3, phường An Phú, Q.2) dắt tôi đi xem đình thần Đông Phú mới dựng lại năm ngoái, sau cái lần bị giải tỏa để làm đường Nguyễn Thị Định, dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Mỏ duòng tù lòng nguòi
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thời điểm thi công

“Chuyện dài mút chỉ", kể suốt từ cái buổi trưa ngồi trong quán cà phê Điểm Hẹn gần Mega Market An Phú cho đến chiều. Nhưng “chốt lại", “bao nhiêu con đường đang nâng cấp hay làm mới mỗi ngày ở Sài Gòn, là bấy nhiêu cuộc “dân vận” trầy vi tróc vảy, với những câu chuyện nhiều mơ hồ, của đất. 

“Lai lịch” của đất

Từ Mega Market An Phú, đi dọc đường Nguyễn Hoàng về hướng Lương Định Của, nhà cửa thưa thớt giữa những bãi cỏ dài. Buổi chiều tối nhập nhoạng theo những bầy chim bay thấp, chíu chít kêu chiều. Chở chị Lan đi song song tôi, chị Phan Thị Phượng nói đặc sệt giọng Nam bộ: “Đó, chỗ đây hồi xưa toàn là ruộng với dừa nước. Giờ chỗ nào chưa kịp xây nhà thì cỏ cũng mọc um tùm, chim bay tứ tán cứ như đất nông nghiệp thứ thiệt vậy đó!”. Chị nói, rồi bật cười vì cái ẩn ý “thứ thiệt" trong câu nói sau cùng.

Nói “đất nông nghiệp thứ thiệt", là vì có những “đất nông nghiệp... không thứ thiệt", rồi lại thêm “đất vườn ao liền kề đất ở", “đất xen kẽ trong khu dân cư", rồi “đất thổ cư" - mấy khái niệm gây nhốn nháo khắp làng trên xóm dưới, từ đợt vùng Bưng Sáu Xã bắt đầu đô thị hóa. Đúng như lời chị Lang, người gắn bó nhiều đời với vùng đất này: “Mọi thứ bắt đầu từ những con đường". Đất xưa phần lớn là ruộng, nước, kênh rạch chằng chịt.

Mỏ duòng tù lòng nguòi
Thời điểm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang xây dựng, hai bên con đường tỷ đô đa số là dừa nước hoang và ruộng lúa

Cũng là cửa ngõ vào thành phố, nhưng cứ ra khỏi làng vào buổi sáng thì chiều chiều phải lo về, không dám trễ, sợ cướp. Xa lộ Hà Nội vào cái thời chị Phượng còn con gái cũng… “ốm dong dỏng”, không “rộng thênh thang, làn này lối nọ" như bây giờ.

Người xứ này rời đi nơi khác, mỗi lần về thăm vẫn còn nhắc cái “xa lộ không đèn" nối từ cầu Sài Gòn xuống Thủ Đức xưa. Xa lộ Hà Nội được nâng cấp dần, rồi đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của mở ra khang trang. Những con đường làm nên dáng dấp đô thị. Vùng cửa ngõ phía Đông Sài Gòn cũng từ bỏ đời sống nông nghiệp, trở thành một phần phố thị, đầu mối của những con đường dẫn vào thành phố, dẫn xuống Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhưng, bao nhiêu lần vùng đất được “nâng cấp" là bấy nhiêu lần “xê dịch" của dân cư lâu đời ở xứ này. “Lai lịch của đất" bấy lâu chỉ là câu chuyện trong nhà, trong những cuộc phân chia, cho tặng, thừa kế giữa thế hệ này với thế hệ kia - giờ trở thành câu chuyện pháp luật. Những mảnh đất thuộc sở hữu gia đình, được phân năm xẻ bảy sau mỗi thế hệ, giữa cuộc giải tỏa làm đường lại được… “hỏi tên”. Ngược chiều thời gian, cứ sau mỗi thế hệ, khuôn đất rộng bao gồm nhà cửa lẫn vườn tược lại được phân chia cho con cháu làm nhà. Đất vườn hồn nhiên trở thành đất ở.

Nhưng, đến năm 2013, trước thông tin giải tỏa trắng 90 hộ thuộc khu phố 3 để làm đường Nguyễn Thị Định dẫn vào cao tốc, mỗi cái tên “đất ở", “đất vườn" không còn là tên gọi mục đích sử dụng đất, mà là một khái niệm được quy định bởi những nguyên tắc pháp lý, và trở thành căn cứ để áp dụng các chính sách đền bù.

Cả một vùng đất được gọi tên là “đất ông bà để lại" xáo xác những cuộc minh chứng bằng bao tờ giấy mua bán, cho tặng viết tay, và những luận cứ yếu ớt trước quy định rành mạch của pháp luật. Hầu hết các hộ dân đều không có giấy tờ thể hiện mảnh đất mình đang ở thuộc loại thổ cư. Chính sách đền bù theo diện đất nông nghiệp bỗng trở nên… “không thỏa đáng".

Mỏ duòng tù lòng nguòi
Cầu Long Thành trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhộn nhịp xe cộ ngày nay

Những cuộc họp dân cư về vấn đề giải tỏa, đền bù triền miên tranh luận, phần lớn người dân “kiên quyết không dời đi”. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khởi công từ hướng Long Thành đã tiến dần đến đầu TP.HCM, mà chuyện giải tỏa, đền bù ở phía phường An Phú cứ vướng víu.

Lời vận động từ tận đáy lòng

Chôn nhau cắt rốn ở vùng An Phú, chị Phan Thị Phượng (Bí thư khu phố 3, phường An Phú) cũng từng thừa kế 5.000m2 đất, với chiều dài hơn 50m mặt tiền Tỉnh lộ 25. Trước đợt giải tỏa để làm đường cao tốc, khu đất của gia đình chị đã chịu hai lần giải tỏa, nhường tổng cộng 4.000m2 đất cho các dự án của quận 2. 4.000m2 đất được đền bù theo diện đất nông nghiệp, dù với chị, nó đã trở thành đất ở từ lâu.

Ngậm ngùi cầm khoản tiền đền bù thấp hơn nhiều lần so với mong đợi, mấy năm sau, trong vai một bí thư khu phố, chị lại “đau” lần nữa khi chứng kiến sự cương quyết khước từ khoản đền bù, nhất nhất bám đất của xóm giềng trong đợt giải tỏa làm đường Nguyễn Thị Định. 

Trong vai một cán bộ dân vận, chị đến nhà bà Tư Mua. Căn nhà hiu quạnh, buồn thiu so với những tranh cãi ồn ào của chủ nhà trong mỗi cuộc họp giải tỏa đất. Sau bao nhiêu ngày tháng kiên quyết “không đi đâu hết", bà Tư hạ giọng, tình thật với chị Phượng: “Cô tính coi, cả nhà tui chỉ có 500m2 đất của ông bà để lại, tui tính để chia cho mấy đứa con làm vốn mà giờ giải tỏa trắng, Nhà nước chỉ đền bằng một lô đất thổ cư, rồi vợ chồng con cháu tui biết đi đâu?”.

Ở nhà ông Hai Móm - một hộ phản đối mạnh mẽ nhất chính sách giải tỏa - người đàn ông già nua sở hữu mấy ngàn mét đất cũng mếu máo giữa cơn tiến thoái lưỡng nan: “Đất nhiều bao nhiêu tui không kể, mà giờ con cháu tui cất 3 cái nhà, ba hộ gia đình ăn ở trên miếng đất này rồi. Giờ giải tỏa nó như một lô đất thổ cư mà biểu tui đi, thì tui cầm tiền đó đi đâu mua đất cho đặng?”.

Mỗi câu hỏi như xoáy vào nỗi đau đã cũ của chị Phượng. Nhưng, những lý lẽ của người sở hữu đất, những tình cảm của người gắn bó với đất, đành phải thua cuộc trước hiểu biết của một công dân. Tất cả những vùng đất không có giấy tờ chứng minh, đều phải chấp thuận giải tỏa theo diện không phải đất thổ cư. Đó là lẽ phải. Bằng lý lẽ đó, chị đi từng nhà, thuyết phục người dân “chấp nhận hy sinh vì dự án chung của quốc gia, và cũng là bài học kinh nghiệm cho việc minh bạch giấy tờ trong sử dụng đất".

Miệt mài suốt một năm trời, chị Phượng vừa thở phào khi 90 hộ dân đều thuận lòng di dời, thì vùng đất được giải tỏa còn… trơ trọi một ngôi đình Đông Phú. Ngôi đình có từ hàng trăm năm trước, qua bao dâu bể chỉ còn một chiếc mão thần là di vật tâm linh của người dân trong vùng bao đời. 

Đình thần gắn liền với đời sống tâm linh, đến tận bây giờ, mỗi năm, ở khu phố 3 vẫn diễn ra Hội đình bầu 32 người trong làng vào Hội đình. Lúc thông báo giải tỏa đình thần Đông Phú, 32 người trong Hội đình trở thành 32 người đại diện, kiên quyết phản đối. Ngày chính quyền phường An Phú họp với Hội đình về việc giải tỏa đình Đông Phú, chị Phượng đang tất bật với công việc của Hội Chữ thập đỏ mà chị kiêm nhiệm. 

Nghe tin “cuộc họp giải tỏa đình thần gặp trục trặc", chị vội vàng chạy lên phường, hỏi toàn bộ thông tin về lộ trình giải tỏa, đền bù. Tất cả bước vào cuộc họp với các giấy tờ về số tiền đền bù, các phương án di dời trong tay; chị gặp riêng từng người có uy tín nhất trong Hội đình để thuyết phục, rồi tuyên bố “chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc di dời, xây mới đình Đông Phú".

Trước lời danh dự của người phụ nữ đã 7 năm trời miệt mài làm hồ sơ cho các đối tượng chính sách bị thiếu mất giấy tờ, đi tìm rồi quy tập hài cốt liệt sĩ, rồi vận động làm nhà tình thương cho người nghèo trong khu vực - Hội đình chấp thuận quyết định giải tỏa.

Trở về từ mỗi cuộc họp như thế, chị Phượng cũng… bàng hoàng với những gánh lo vừa… rước vào mình. Suốt 3 năm trời sau đó, chị như trở thành một người trong Hội đình, cứ tất bật hỏi han, thúc bách phía chính quyền để nhận tiền đền bù, rồi quáng quàng đi mua đất, dõi theo suốt thời gian xây lại đình Đông Phú mới.

Trong ngày khánh thành đình, dân làng tay bắt mặt mừng, khen chị “làm nên kỳ tích". Việc miệt mài theo đuổi việc dời đình, xây mới đình làng thuận ý người dân cũng khiến chị được tuyên dương ở phường như một cán bộ dân vận khéo. Nhưng, dắt tôi đi khoe từng chi tiết được chăm chút cẩn thận của ngôi đình mới, chị Phượng nói: “Tôi làm những điều này không bằng cương vị của một cán bộ, tôi không vận động người dân bằng lý lẽ đúng sai. Tôi làm với tư cách một công dân cũng từng trải và đồng cảm với họ, nhưng đã sớm biết cái riêng - cái chung, mà cân bằng".

“Bấy nhiêu tiền thì bõ bèn gì? Sao mà gầy lại được mảnh đất tổ tiên" - câu hỏi dễ đã nghe cả ngàn lần trong những ngày tháng làm “dân vận" ấy, đều đã từng cồn cào trong chị, khi nghĩ đến tổ tiên bao đời, nghĩ tới con cháu mai sau. Nhưng, có một “mai sau" rộng lớn hơn cả cái “mai sau” của con cháu chị. Đó là “mai sau" của thành phố này, của diện mạo chung cho vùng đất rộng lớn chị đang thuộc về. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI