Mắt những người đã khuất

28/07/2017 - 10:19

PNO - Mong rằng lương tri và trách nhiệm của những người có chức trách sẽ thôi không làm chạnh lòng, nản chí người trong cuộc để tiếng gọi đi tìm đồng đội, thân nhân người ngã xuống sẽ được hồi đáp và vọng lại không dứt.

Ngày 20 tháng 3 năm 2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ký ban hành Quyết định số 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. 

Ngày 19 tháng 7 năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công. 

Mat nhung nguoi da khuat
Lãnh đạo TP.HCM viếng và dâng hương các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).

Hai văn bản quan trọng nói trên sẽ là bước thúc đẩy công tác rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng về việc xác nhận người có công nhanh hơn, quy củ và chặt chẽ hơn; đặc biệt, sẽ góp phần làm vơi đi nỗi chạnh lòng không chỉ của những người trong cuộc mà còn là thân nhân của các gia đình người nằm xuống. 

Ngày 26/7/2017, sau khi báo Phụ Nữ phát hành loạt bài "Ngày trở về của nữ điệp báo", chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc cả nước. Nữ điệp báo Nguyễn Thị Yên Thảo (tức Tám Thảo, Nguyễn Thị Mỹ Nhung) đã điện thoại cho chúng tôi trong niềm xúc động, bà nói, tôi luôn tự hào về những công việc mà mình đã dấn thân và phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, đó là bằng công nhận lớn lao nhất mà lương tâm tôi tự trao cho chính mình. 

Mat nhung nguoi da khuat
Nữ điệp viên Tám Thảo chia sẻ luôn tự hào về những công việc mà mình đã dấn thân và phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc

Trước đó, vào ngày 18/7, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ trao bằng công nhận liệt sĩ cho 498 gia đình thân nhân liệt sĩ, trên tổng số 10.000 hồ sơ vừa được đưa vào rà soát (trong số 30.000 hồ sơ kê khai), trong đó có 94 người được công nhận là liệt sĩ sau 70 năm ngày họ hy sinh. 

Và tôi biết, trên mọi miền của Tổ quốc, vẫn còn rất nhiều gia đình người có công đang bền bỉ, âm thầm ngược xuôi vạn dặm, kể cả bươn mình sang nước bạn để tìm cho ra dấu tích còn sót lại của người thân đã ngã xuống trong những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Cuộc kiếm tìm không mỏi mệt, cuộc dìu đón những nắm xương khô hòa lẫn trong đất, không chỉ là an táng cho người ngã xuống mà còn là buổi đoàn viên với người đang sống. 

Kỳ lạ một đất nước mà gần nửa thế kỷ sau ngày được thanh bình, trên truyền hình truyền thanh mỗi ngày, vẫn còn tiếng gọi đi tìm đồng đội; ngay giữa phố xá tấp nập, thị thành, bất ngờ lại có tin vừa khai quật một nấm mồ tập thể của các chiến sĩ đã hy sinh. Dồn dập, từ Đồng Nai về đến Tân Sơn Nhất của Sài Gòn - TP.HCM rồi mới đây là An Tây, Bến Cát, Bình Dương. Những kỷ vật, những di hài vẫn đang nằm dưới đất, vẫn hiện hữu quanh đây trong nhịp sống đương thời. 

Có thấy và hiểu những điều “kỳ lạ” ấy để trước những điều… kỳ cục sau đây, chúng ta không khỏi bức xúc, thậm chí là phẫn nộ bởi bên cạnh những nỗ lực không ngừng đối với công tác chăm lo, hỗ trợ người có công, quan tâm đến gia đình chính sách trong suốt mấy chục năm qua thì có một “mặt trái” rất xấu xí vẫn tồn tại: đó là thói tham lam, trục lợi, gian dối của một bộ phận người khi lợi dụng các điểm thông thoáng trong chính sách đối với người có công để kê khai sai sự thật, chứng thực, công nhận thiếu trung thực, vô trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, triển khai các thủ tục hồ sơ…

Mat nhung nguoi da khuat
Trong những ngày qua, người dân đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của đất nước.

Dẫn tới những con số hết sức đau lòng và bẽ bàng: chỉ tính trong 5 năm, từ năm 2012 đến tháng 6/2016, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 quân khu (bao gồm Quân khu 2, 3, 4, 5, 7).

Qua kiểm tra trên 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng. 

Không chỉ người mạo nhận người có công, không chỉ cán bộ phụ trách trục lợi mà còn có cả dây chuyền từ dưới lên trên, trong đó có thành viên của hội đồng giám định y khoa. Rồi ngay cả khi đã “trần ai” đi xác nhận, đang được chuẩn bị thông qua thì cán bộ phụ trách chuyển công tác, không một động tác bàn giao, toàn bộ hồ sơ cứ thế đút vào tủ. Khóa luôn cả sự chờ đợi của thân nhân người có công. 

Câu chuyện 114 giấy chứng nhận Huân chương kháng chiến, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang… vừa được tìm thấy trong… tủ hồ sơ cán bộ phụ trách công tác Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn, thị trấn Ba Chúc, tỉnh An Giang vào tháng 6/2017, sau 15 năm đến 42 năm (các giấy chứng nhận được ký từ giai đoạn 1975-2002) là một ví dụ bẽ bàng! Mòn mỏi chờ chừng ấy năm, để khi lôi được mẫu giấy chứng nhận ra khỏi tủ thì có người đã mất, người không còn đủ sức khỏe để đến nhận, người đã ly hương, cháu con cũng không còn biết ở đâu mà thông báo để truy lĩnh. 

Một ghi nhận trên VTV, ngày 19/7 vừa qua, một trường hợp mỏi mòn đi chứng thực cho người thân đã hy sinh mấy chục năm qua, ấy là có tên trong bia tưởng niệm của nghĩa trang địa phương, có trong lịch sử Đảng bộ địa phương, có người chứng nhận về thời điểm hy sinh, nhưng vì mất giấy báo tử mà tới giờ vẫn không được cơ quan chức năng công nhận. 

Mat nhung nguoi da khuat
Sau 42 năm hòa bình, vẫn còn nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa có tên và 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập

Thời gian không chờ đợi ai, còn đó 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, còn đó 30.000 hồ sơ kê khai chưa qua rà soát, trong đó rất nhiều người đã mất, người làm chứng cũng không còn, hoặc già yếu, suy giảm trí nhớ; những giấy tờ chứng thực cũng ố vàng theo năm tháng… Để thấy, càng cách xa thời chiến và những di hậu chiến tranh thì lại càng cần sự hối thúc của lương tâm, trách nhiệm và sự quyết tâm đồng bộ để tháo gỡ, giải quyết, xác nhận rõ ràng (và dứt điểm) đối với mọi trường hợp đã, đang kê khai, chờ xác minh, xác nhận, công nhận. 

Sáng 26/7/2017, trong dòng thân nhân tìm đến nghĩa trang thị xã Bến Cát, Bình Dương, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thắc thỏm hy vọng tìm được anh trai mình, liệt sĩ Nguyễn Đức Bảo, hy sinh vào tháng 6/1974 trong chiến dịch Đường 7, An Điền, Bến Cát. 

Chiều ngày 27/7/2017, tin xác nhận bước đầu của Quân đoàn 4, liệt sĩ Nguyễn Đức Bảo vẫn chưa thể tìm thấy, anh không có tên trong danh sách các liệt sĩ vừa được quy tập tại Bình Dương. 

Có một người mẹ đang ngóng tin con trai ở nhà, bà vẫn chờ một cái gật đầu từ buổi sáng hôm qua. Còn người em gái, vẫn không thôi hy vọng, chị sẽ tiếp tục đi tìm… trong đất vì thi thể anh trai còn vùi sâu trong ấy, sẽ giám định ADN, sẽ…

Mong rằng thời gian và môi trường sẽ không làm gãy những khúc đoạn ADN, mong rằng lương tri và trách nhiệm của những người có chức trách sẽ thôi không làm chạnh lòng, nản chí người trong cuộc để tiếng gọi đi tìm đồng đội, thân nhân người ngã xuống sẽ được hồi đáp và vọng lại không dứt. Bởi trong lòng đất, những người đã khuất không bao giờ chết. Họ vẫn sống, vẫn nhìn và suy tư cho cuộc sống mà họ đã hiến dâng. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI