Mật điện lòng dân

30/04/2017 - 08:00

PNO - Tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” cũng như sự sáng suốt, tỉnh táo, quyết liệt của bức Mật lệnh 990B, 42 năm sau, vẫn được giữ vững trên từng đảo chìm đảo nổi, đá, rạn, trong quần thể đảo Việt Nam.

Mat dien long dan
Những đứa trẻ theo dõi duyệt binh trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Ái Mỹ

Bức Mật lệnh 990B/TK

Đêm 21/4/2017, tàu kiểm ngư KN 290 của Đoàn công tác số 4 TP.HCM đi thăm và làm việc với quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1-20 đã vào khu vực đảo chìm Thuyền Chài, một trong những rạn san hô dài nhất ở quần đảo Trường Sa, cách đất liền khoảng gần 700km. Chúng tôi neo tàu ngủ đêm để rạng sáng hôm sau sẽ xuống ca nô vào Thuyền Chài, qua ba điểm đảo A, B, C - vốn tạo nên một thế chân vạc vững chắc, kiên định. 

Biển tháng Tư êm ả, sóng dập dềnh quanh những mỏm đá mồ côi, ngay giữa đảo Thuyền Chài, có một hồ nước sâu, thủy triều xuống thấp nhất hồ vẫn ngập nước. Tôi men theo những vách chân đảo, nửa chìm nửa nổi, mường tượng những chiến sĩ đặc công thuộc Trung đoàn 126 năm nào, đang bí mật luồn sóng, vượt dòng nước xoáy, bám mép đảo, để đúng 4h30 sáng ngày 14/4/1975, hiệu lệnh từ phát đạn DKZ, quân ta mở màn chiến dịch giải phóng Trường Sa bằng trận đánh trực chiến vào đảo Song Tử Tây, theo bức Mật lệnh số 990B/TK của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 

17h30, ngày 4/4/1975, thay mặt Thường vụ Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức mật điện đặc biệt cho Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân, chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó chỉ rõ “khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Bức mật điện còn nêu quyết tâm: “Bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đánh chiếm đảo”. 

Tri thức, tư duy của một thầy giáo lịch sử, tầm nhìn của một thiên tài quân sự, tính cách của một Tổng tư lệnh đã tạo nên bức mật điện lịch sử, mà sau này, Thượng tướng Mai Năng, chỉ huy chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa đã nói: “Trong giờ khắc lịch sử ấy, bộ óc thiên tài Võ Nguyên Giáp thật anh minh, sáng suốt nhận định tình hình và kịp thời đưa ra những chỉ đạo rất trúng. Nếu chúng ta đến Trường Sa chậm một vài ngày, thậm chí chỉ một vài giờ khi quân đội Sài Gòn đã rệu rã, choáng váng vì các tin tức thất trận trong đất liền, thì nước ngoài có thể thừa cơ chiếm lấy quần đảo Trường Sa”. 

Mat dien long dan
Trẻ em ở thị trấn Trường Sa Lớn háo hức nhận kẹo từ Ni sư Tín Liên (Tịnh xá Ngọc Phương, TP.HCM)

Tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” cũng như sự sáng suốt, tỉnh táo, quyết liệt của bức Mật lệnh 990B, 42 năm sau, vẫn được giữ vững trên từng đảo chìm đảo nổi, đá, rạn, trong quần thể đảo Việt Nam. Bức mật lệnh đã truyền đến nhân dân một niềm tin son sắt vào mục tiêu, tầm nhìn về biển, về những “Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh”. 

Tôi đi qua Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan A, B, C, Thuyền Chài, An Bang và dừng lại ở Trường Sa Lớn - thủ phủ của quần đảo Trường Sa - giữa biển cả mênh mông, đôi khi chưa kịp định phương nhìn hướng, chỉ biết phóng xa tầm mắt, vịn vào những điểm chấm li ti, rồi lớn dần, rồi lội chân xuống nước, rồi đặt chân lên đảo; và tin rằng, cuối cùng thì cũng đã đến nhà! 

Từ đảo - nhà, nhìn ra tám hướng, lại mênh mông biển cả, nhưng đứng từ đài quan sát, cùng anh lính trẻ, nối những điểm đảo từ Đá Lát đến Trường Sa Lớn, từ Đá Đông qua Tốc Tan, từ An Bang sang Thuyền Chài… là một thủy đồ bất khả xâm phạm đối với bất cứ thế lực ngoại bang nào. 

Để thấy rằng, sự tài trí, sáng suốt, quả cảm của những người lính biển, luôn nhận diện rõ cái vô hạn của biển cả lẫn cái hữu hạn của lòng người, của tham vọng soán biển, độc chiếm Biển Đông mà lớp cháu con Viêm Đế thời nay đang uy văn múa võ, đang rình rập, chực chờ…

Mat dien long dan
Qùa tặng của Báo Phụ Nữ đã đến với các chiến sĩ đảo Đá Đông.

Việc lợi muôn đời

Sáng 20/4/2017, tại cột mốc chủ quyền của đảo Trường Sa Lớn, dưới lá cờ đỏ sao vàng, không nhạc không kèn, chỉ có hơn 200 con người dõng dạc đồng ca Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới…

Tiếng hát vừa dứt, âm ba của sóng dội về, tiếng đại hồng chung từ ngôi chùa Trường Sa Lớn ngân vang. Dưới những tán lá bàng vuông xanh ngắt, những đôi chân trẻ nô đùa, chạy nhảy, đang là giờ ra chơi của đám học trò trong ngôi trường Trường Sa.

Tụi nhỏ vây lấy Ni sư Tín Liên (Tịnh xá Ngọc Phương, TP.HCM) để nhận kẹo, có đứa còn mãi say sưa thưởng thức kem cây, món quà “đặc biệt” của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Nguyễn Thị Quyết Tâm gửi từ đất liền ra cho trẻ con Trường Sa Lớn.

Cái cảm giác thanh bình, yên ả. 
Cái cảm giác đất và nước, biển và bờ sao gần đến lạ! 

Bất chợt, dậy sóng một nỗi lo mơ hồ đâu đó, từ Trường Sa Lớn, hay như bao đảo nổi đảo chìm, là Lá-Chắn-Thép của lãnh hải Việt Nam, lại hiện diện những công dân trẻ thơ, những phụ nữ mang dáng vóc của biển, ran rát nỗi nhọc nhằn, mặn chát những âu lo. Biển quá đỗi rộng lớn, nhưng liệu biển có cưu mang hết những con người bé nhỏ ấy; lỡ như trong cơn cuồng nộ của thiên tai, địch họa, đâu là nơi trú ẩn sau cùng…

Tôi mang theo cái thắc thỏm ấy ngồi cạnh họ, không hỏi, vậy mà họ nói, cứ như không, ở đảo, quân với dân là một nhà, có bất cứ khó khăn, nguy hiểm gì là các anh che chở cho dân trước, vợ chồng, con cái tụi em cứ thế mà yên tâm, hễ các anh cần gì, cả xóm chạy sang phụ một tay - lời bộc bạch của chị Thu Sai, chị Trinh (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa). 

Nhìn rặng phi lao rì rào trong gió, ngắm những con người lặng lẽ ngồi chờ vị đại đức của chùa Trường Sa Lớn nắn nót cho chữ trên những viên đá nhỏ, ngẫm về những dòng sắc chỉ mà vua Minh Mạng đã ban cho bộ Công vào tháng Tám năm Quý Tỵ 1833: “Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó, dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn, xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”. 

Trong dư ba của hồi chuông, càng về đêm, biển càng lặng sóng, tiếng chân người trở ra cầu cảng, rầm rập, như thể cuộc hành quân, nghe như bước chân của những đội Hoàng Sa, Trường Sa, Bắc Hải mà hơn 200 năm trước, thời Gia Long, Minh Mạng đã được biệt phái ra khai thác đảo. 

Biển cứ dội về những dấu tích lịch sử, những minh chứng hùng hồn của quyền chủ quyền mà tiền nhân đã xác lập và gìn giữ, trao truyền cho con cháu nước Việt thời nay. Cớ làm sao những mưu đồ đen tối, những tham vọng điên cuồng cứ muốn bôi xóa, ngụy tạo, lật lọng? 

***

Rạng sáng 24 tháng Tư, tôi vẫn không tài nào ngủ được. Tôi rón rén rời phòng, lên boong tàu lớn, cứ buốt nhìn về hướng đảo. Cũng tầm giờ này, 42 năm 10 ngày trở về trước, mệnh lệnh tấn công được khai hỏa, địch có bắn trả nhưng pháo binh của ta dội lửa hỗ trợ kịp thời cho đặc công, bộ binh xông lên chiếm giữ mục tiêu. Chỉ trong vòng 30 phút, quân giải phóng đã làm chủ tình hình, cờ giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây. 

Khi thượng tá Mai Năng hỏi vì sao không kháng cự quyết liệt, trung úy, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây lúc đó nói rằng: “Nếu có một lực lượng nào khác đến chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi muốn bàn giao lại cho quân giải phóng vì miền Bắc hay miền Nam cũng đều là người Việt cả”. 

Cũng như, những đứa con của biển và bờ, chưa bao giờ rời khỏi cái hình hài chữ S, với tâm thế “tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra biển”, với tính cách bền chặt, căn cốt như đất như núi; phóng khoáng, bao dung, mạnh mẽ như biển mà ứng xử, mà hòa hợp với thiên nhiên, với cộng đồng. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI