Lòng lính Trường Sa không có bão

22/12/2017 - 08:42

PNO - Chuyện rằng, 2g sáng 5/2/1990, bão kèm theo sóng quá lớn quất vào nhà giàn Phúc Tần. Trong chớp mắt, nhà giàn đổ sập xuống biển. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã phải chống chọi giữa đêm tối mịt mùng...

Ngày 21/12, mở mạng, lại thẫn thờ vì bão số 15 hoành hành trên biển. Bão không vào đất liền, hú hồn, nhưng khiến bao người cuống cuồng lo sợ, đối phó. Lại nối dài những đau khổ, bởi thiệt hại cứ dồn dập. Mắt lướt qua rồi dừng lại ở đoạn bão nhồi dập dữ dằn ở Trường Sa đến cấp 11. Lòng chùng xuống và nhớ câu chuyện bão giữa Biển Đông. 

Long linh Truong Sa khong co bao
Đảo chìm Len Đao

Chiều đó, tôi lên đảo Len Đao. Biển lặng như tờ, chỉ phần phật gió. Những chậu rau cải xanh lá xòe như bàn tay trẻ thơ trong cái nắng chát chúa. Đứng cạnh nó là cụm hoa giấy và mấy chậu cúc. Nếu như không có anh lính vạm vỡ da sạm đen tay cắp AK đứng nghiêm chỗ cột cờ, và không để ý chỉ một vài sải chân là chạm mép nước, sẽ chẳng biết đây là đảo chìm san hô.

Có nụ cười thật hiền ở anh lính trẻ tên Mai Đức Thành, quê Nam Định, vào đây đã bảy tháng. Thật kiệm cười, chỉ khẽ đáp rằng, “mùa này nắng còn đỡ, chứ mùa mưa bão, tụi cháu cực lắm, nhưng rồi cũng quen”. 

Mang tiếng là đảo, nhưng đó là một khối nhà chừng 100m2, cao chừng 10m. Tôi ước lượng nếu sóng lớn, tất cả sẽ như bàn cờ bị chụp phủ, hất đổ, xóa sạch trong chớp mắt. Nhưng mọi thứ ở đây không hề xám lạnh, cô lẻ như bê tông. Lính đảo kiệm lời; ở người trẻ, hình như điều đó còn nhiều hơn. Họ nói về gian truân như thử thách bình thường của đời người đàn ông, chưa cần phải quàng gánh thêm trách nhiệm che chắn, giữ gìn cương thổ Tổ quốc, ngay cả khi kể về cực khổ. 

Tôi nhớ thiếu úy thông tin Lê Mạnh Hùng, quê Ninh Bình, kể rằng anh đến đây đã hơn ba tháng. Đời lính Trường Sa cứ luân chuyển liên tục từ đảo này qua đảo kia. Chuyến đi nào cũng thế, không hiểu sao đều trùng vào mùa mưa bão. Kỷ niệm nhớ đời của anh là chuyến đi đến đảo An Bang. Lênh đênh trên sóng 29 ngày mới đến nơi, nằm bẹp dí trên sàn tàu.

Như đọc được ái ngại của tôi về khối đá khiêm tốn nhưng không thể mờ đi trên hải trình cắm cọc giữ gìn bờ cõi, khi bão biển ngày một dữ dằn, khi ngoại bang chưa một lần từ bỏ dã tâm, anh bèn kể rằng, bão ở đây dữ lắm, tầm tháng 9 đến tháng 12, sóng biển đánh lên tới tầng 2. Khiếp lắm, ai trực thì phải lên, còn lại đóng kín cửa chứ ra ngoài là nó đánh bay xuống biển liền. Mùa nắng chát chúa cũng có sóng dữ, có đêm sóng nện thình thình mà trời thì nóng khô da, sáng ra thấy nền nhà trắng xóa muối. 

Long linh Truong Sa khong co bao

Những đứa trẻ theo dõi duyệt binh trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Ái Mỹ

 

Những đảo lớn nhỏ, nổi chìm xa khơi ấy, khắc trong trí nhớ của tôi là mầm xanh của rau, của cây phong ba, cây tra, cây bàng, cây sứ giữa giông gió khắc nghiệt. Cứ lặn lội đi tìm câu hỏi, rồi tôi cũng hiểu ra rằng, màu xanh gian khổ ấy chính là đôi mắt, là gương mặt người lính, họ ký thác tâm tư, từ nỗi nhớ quê nhà đến ước vọng bình yên trong giấc mơ xanh. 

Ở đảo Sinh Tồn Đông, có mùa, bão đánh bật gốc 20 cây tra lớn. Rau xanh bị gió quật tan nát, không thì cũng bị táp hơi mặn lên mà chết. Lúc đó, bộ đội thèm rau đến tái lòng nhưng đành chịu. Bão biển với lính đâu chỉ ám ảnh chính họ mà cả người thân ở đất liền, mỗi khi có bão xa, lại thắt tim vì lo, và khi có bão quần thảo ở Trường Sa thì như chỉ biết giơ cánh tay lên, níu nhau trong hy vọng, dẫu rằng ở đó, những pháo đài giữ đảo thì không bão nào quật nổi. 

Làm lính Trường Sa, gian khổ chất chồng, ngoại bang hầm hè thủ đoạn, thiên tai hung hiểm, chỉ có lòng người mạnh hơn sắt thép mới mong trụ được giữa bốn bề gian khó bủa vây. Hy sinh thầm lặng của họ, nghe kể cũng đã nao lòng. Tôi đã ngồi thâu đêm sau buổi chiều lên nhà giàn Tư Chính DK 1. Những khối thép như người đàn ông khổng lồ mọc lên từ biển, thách thức gió mưa.

Anh em ở đó nói rằng, giờ chắc chắn rồi, nhưng bão lớn cũng lo, bởi mọi thứ cứ bị quật đẩy, nên mọi phương án đều phải chuẩn bị. Bão to là nhà giàn chao nghiêng, xê dịch. Nhiệm vụ đặt ra là, bất cứ tình huống nào cũng phải giữ, bởi đây là cột mốc chủ quyền, dù có phải trả bằng máu. 

Tôi không ngủ được, vì hôm qua, lịch trình có ghé nhà giàn DK 18 và 1.18,  nhưng rồi đành lỡ hẹn, khách và chủ chào nhau qua bộ đàm rồi hát. Nhìn xa xa, nhà giàn nhỏ nép vô căn nhà lớn như được ẵm bồng. Lịch sử Trường Sa đâu chỉ là những trận quyết tử, những viên đá thấm máu từ đất liền mang ra dựng lên từ ruột biển, mà chính những nhà giàn như thế, có hẳn một chương riêng cho tầm nhìn chiến lược. Ở đó có máu người lính hòa với thép. 

Chuyện rằng, 2g sáng 5/2/1990, bão kèm theo sóng quá lớn quất vào nhà giàn Phúc Tần. Trong chớp mắt, nhà giàn đổ sập xuống biển. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã phải chống chọi giữa đêm tối mịt mùng. Lúc đó, tàu cứu hộ chưa đến được, mà có đến cũng chẳng làm được gì. Để rồi khi sáng ra, bão tan, ba người lính đã vĩnh viễn nằm lại với lòng biển. Mỗi lần tàu qua đó đều làm lễ thả hoa, nhắc người còn sống rằng, dưới sâu thẳm kia, có đôi mắt đang nhìn chúng ta. Họ đã ra đi, để bình yên ở lại.

Nhớ và nhớ những con thuyền như lá, những lô nhô đảo, những sắt thép trơ gan với tháng năm, và hơn tất cả là những cái nhìn cương nghị. Ở đất liền, không ngày nào không bão. Bão bởi đủ thứ ô trọc, hung dữ, tham lam của lòng người. Chợt nghĩ, anh lính Trường Sa mùa bão co mình trong gió, nhưng bão chỉ lướt qua da thịt họ, chứ lòng họ làm chi có bão, thứ bão của trò đời. Bởi với họ, chỉ có giấc mơ giản dị rằng, đừng bão để vườn rau xanh tốt. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI