Lỗi có phải do 'bác sĩ Google'?

16/04/2018 - 10:54

PNO - Cứ 10 bệnh nhân đến khám tại một phòng khám tư nhân chuyên bệnh khớp thì có 9 người biết đến phòng khám qua “bác sĩ Google”, thống kê của phòng khám luôn là như vậy.

Xu hướng hỏi “bác sĩ Google” của số đông người dân hiện nay là không thể cưỡng lại được. Điều đó dấy lên lo ngại và cũng là vấn đề nan giải với cách truyền thông y tế còn nặng hình thức hiện nay: làm sao để người dân tiếp cận ngay và luôn với các thông tin chính thống?

Loi co phai do 'bac si Google'?
 

Hành vi của người bệnh đang thay đổi nhanh chóng theo những thay đổi như vũ bão của công nghệ. Thay vì khi có dấu hiệu bất thường họ sẽ tìm đến trung tâm y tế, bệnh viện thì nay họ sẽ hỏi “bác sĩ Google” cho nhanh. Tiếc rằng, thông tin tuyên truyền về sức khỏe chính thống với nhiều bất cập chưa đủ sức lấn át những thông tin nhiễu nhương trên mạng.

Từ công cụ tìm kiếm thông dụng nhất hiện nay là Google, chúng tôi gõ các từ khóa mà phụ huynh quan tâm như sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm tai giữa… tuyệt nhiên, các nguồn y tế chính thống không thể nào xuất hiện trong khoảng 20-30 đường link đầu tiên.

Đó là chưa bàn tới giao diện và sự tiện dụng, hay tận dụng các công cụ mới như các ứng dụng OTT (Over-The-Top), với tình trạng cũ mèm, vắng bóng những vấn đề nóng mà người dân quan tâm, các trang web bệnh viện, trung tâm không giường bệnh hầu như cũng hoàn toàn không đầu tư cho kỹ thuật tối ưu hóa SEO (Search Engine Optimization). Do đó, có thể hiểu tại sao thông tin về dịch bệnh, thuốc men bởi các nguồn chính thống không thể nào xuất hiện ở vị trí vàng trong danh sách kết quả khi tìm kiếm với Google.

Người dân đang bị “bỏ rơi” giữa “rừng rậm” thông tin trên mạng, bởi kênh truyền thông y tế chính thống - các trang web bệnh viện, trung tâm không giường bệnh công - còn quá đơn điệu. Họ lạc lõng, hoang mang mỗi khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin về các bệnh lý thông thường, cách phòng bệnh, sử dụng các loại thuốc…

Và thậm chí mắc sai lầm khi bị dẫn dắt, thực hành theo các trào lưu được cổ xúy rầm rộ một cách “sang trọng” trên mạng xã hội như anti vaccine, từ chối các can thiệp có lợi cho trẻ sau sinh, sinh con thuận tự nhiên… Ở đó, truyền thông y tế chính thống gần như “vô can”, trừ khi có hậu quả nghiêm trọng.

Hằng ngày, những bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo những kiểu chữa bệnh nghe theo lời trên mạng, phản khoa học như: bệnh nhân ngụ tại Hà Nội phải chịu hậu quả cắt cụt chân do bị tiểu đường mà ngâm chân bằng nước nóng đun cùng hỗn hợp lá lốt, gừng, muối… Đây là bài thuốc được loan truyền nhiều trên mạng như loại “thần dược” để trị tiểu đường, gan, gút.

Một trẻ 3 tuổi bị hôn mê sâu, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, hạ đường huyết phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) do bé bị bỏng mà gia đình tin lời đi đắp thuốc nam… 

Một bác sĩ cũng cho biết, nhiều phụ huynh còn bày nhau đưa con bị tự kỷ đi cắt thắng lưỡi hay châm cứu vùng miệng sẽ nói được! Thế nhưng, về mặt khoa học, miệng chỉ là cơ quan phát âm. Quá trình hình thành ngôn ngữ, trẻ còn cần có thính lực tốt, chức năng não phù hợp và không bị sứt môi, chẻ vòm ảnh hưởng đến sự phát âm.

Còn nhan nhản phương pháp điều trị bệnh phản khoa học đang lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều người tin theo. Ví dụ, phương pháp ăn uống để thanh lọc, giảm đường huyết, giảm mỡ máu, phục hồi mạch máu và cơ thể, phòng ngừa biến chứng tiểu đường, đột quỵ, tiến tới kiểm soát được bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc!

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, giữa hiểu biết kiến thức lý thuyết về y khoa với chuyên môn lâm sàng là khác xa nhau. “Nên đọc những tin tức y khoa trên mạng để thu thập kiến thức, nhưng việc thực hành luôn là không thể được. Tôi khuyên khi đọc cái gì trên mạng thì cần kiểm chứng bằng cách trao đổi với cơ quan chính thống để nhận được những tư vấn đúng”, ông Duy nói. 

Trước nhiều thắc mắc của người dân về sức khỏe, một số bệnh viện, bác sĩ đã nhanh nhạy lập ra các trang fanpage để tương tác trực tiếp với người dân. 

Trang web của Bệnh viện Nhi Đồng 1 có đường dẫn kết nối với fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng của bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cùng các cộng sự, được rất nhiều bà mẹ tin tưởng. 

Bác sĩ Khanh cho hay: “Gần một đời nghề làm việc với trẻ em, tiếp xúc với phụ huynh; lắng nghe, giải thích, trấn an sự lo lắng của họ. Thời gian dài làm phòng mạch tư, ngập đầu cho việc khám, tư duy, chẩn đoán, cho thuốc, biết phụ huynh còn nhiều thắc mắc, còn nhiều quan niệm sai lầm nhưng không đủ thời gian giải thích, tư vấn cặn kẽ. Khi ngưng làm phòng mạch, tôi mở fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng trong sự tình cờ với mong muốn giải quyết vấn đề này”. 

Bên cạnh các thông tin y tế cập nhật từng ngày, trên trang web của Bệnh viện Nhi Đồng 2 thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến dành cho các phụ huynh với nội dung như: bệnh theo mùa, tư vấn chích ngừa, phòng tránh tai nạn ở trẻ, dịch bệnh truyền nhiễm. Phụ huynh được trực tiếp trao đổi với bác sĩ trong các buổi giao lưu trực tuyến, có link dẫn kết nối với fanpage của bệnh viện trên Facebook. 

Không chỉ dừng lại ở website, ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - chia sẻ, từ năm 2015, bệnh viện đã thành lập trang fanpage với hơn 2.500 nội dung kiến thức y khoa, thời sự y tế, cùng hơn 5.000 mục hỏi - đáp cùng chuyên gia. Tại trang fanpage của bệnh viện, mỗi năm tiếp nhận hơn 3.000 câu hỏi của người dân, 70% nội dung tương tác tập trung vào các thắc mắc về phòng ngừa bệnh, triệu chứng bệnh lý, định hướng thăm khám chuyên khoa nào phù hợp, phương pháp điều trị bệnh… 

Ngọc - Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI