'Lò nóng triệu độ mà còn lỗ hổng pháp luật thì cũng không thể đưa củi vào'

13/06/2018 - 17:50

PNO - ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, lò đã nhóm lửa, nhưng kể cả nóng tới triệu độ mà pháp luật vẫn còn những kẽ hở thì cuối cùng cũng không thể xử lý các đối tượng tham nhũng.

Chiều 13/6, thảo luận về Luật PCTN (sửa đổi), ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nhận định, sau hơn 10 năm Luật PCTN 2005 triển khai, ngoài kết quả đạt được, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, hiệu quả chưa cao, phát hiện tham nhũng còn hạn chế. Điều này thể hiện qua nhiều vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế lớn xảy ra trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân chính, theo ĐB Tạ Văn Hạ là còn có kẽ hở trong pháp luật.

ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, việc công khai tài sản cá nhân cần quy định giống như công khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng cách dán niêm yết, đưa lên trang điện tử. Trong thực tế, việc kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng này, cơ quan có thẩm quyền không thể đủ người, chuyên môn, khả năng để xác minh tất cả.

“Công khai minh bạch tài sản cán bộ, công chức để dân giám sát, phát hiện là hiệu quả nhất”, ĐB Hạ nói.

'Lo nong trieu do ma con lo hong phap luat thi cung khong the dua cui vao'
ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng, hầu hết các tài sản tham nhũng sẽ hợp thức hóa sau khi về hưu

Theo ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, xử lý hành vi tham nhũng đưa hối lộ phải được xử lý nghiêm túc. Ông không đồng tình với khoản 3, điều 108 và khoản 1 điều 110 bởi có tính chất thương lượng, thỏa hiệp như những người có hành vi tham nhũng. Cụ thể là nếu người tham nhũng tự giác nộp tài sản thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt pháp luật.

“Ở đây, Luật là phòng và chống tham nhũng, nên ngoài việc tuyên truyền, giáo dục phải xây dựng hệ thống cán bộ, môi trường làm việc không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Làm sao các đối tượng từ tư duy – nhận thức- hành động không còn hai hành vi: tham và nhũng”.

Về đối tượng kê khai tài sản, ĐB Hạ đề nghị xem xét các đối tượng có vị trí, nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí khi nghỉ hưu. “Hầu hết hiện nay các tài sản tham nhũng cất giấu, gửi ngân hàng hoặc cho người thân, bố mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt, đứng tên. Đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa. Nên đề nghị phải xem xét đối với các đối tượng này, bổ sung những người ruột thịt nêu trên”, ĐB Hạ nói.

Câu chuyện của ĐB Tạ Văn Hạ nêu ở hội trường vừa hài hước nhưng cũng chứa nhiều ý nghĩa: “Có một ông bố nghèo ở quê có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần mời luật sư đến và nói sẽ chia cho mỗi con 500 cây vàng. Khi người con hỏi, sao bố có nhiều tiền vậy? Ông bố trả lời: làm gì có cây nào, chỉ là để phòng các con sau này phải kê khai nguồn gốc tài sản”.

'Lo nong trieu do ma con lo hong phap luat thi cung khong the dua cui vao'
ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, PCTN phải siết chặt các lỗ hổng pháp luật

Cũng liên quan đến kẽ hở pháp luật trong phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhiều vụ việc xuất hiện khối tài sản khủng của cán bộ công chức nhưng kết quả không làm gì được vì con thành niên thì không phải kê khai tài sản thu nhập. “Vì không có luật nên thua về lý”, ĐH Nguyễn Anh Trí nói.

ĐB đề xuất ban soạn thảo sửa đổi Luật trong vấn đề này, khi dư luận báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng gây tham nhũng có thể yêu cầu con thành niên cũng phải kê khai tài sản.

“Lò có nhóm lửa nhưng có nóng đến triệu độ mà lỗ hổng pháp luật vẫn còn thì củi vẫn không thể đưa vào lò”, ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI