Lo ngại thế hệ trẻ 'bụi đời' trên mạng xã hội

30/05/2018 - 08:59

PNO - Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về một thế hệ trẻ bụi đời trên mạng xã hội, sống ảo, lệch lạc, trái với chuẩn mực đạo đức khi bàn về dự thảo Luật An ninh mạng.

Cần bảo vệ trẻ cả ngoài đời lẫn trên mạng

Sáng 29/5, thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV về một số nội dung của dự thảo Luật An ninh mạng (sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 12/6 tới), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) đề xuất có thêm quy định về việc bảo vệ trẻ em trong không gian mạng.

Lo ngai the he tre 'bui doi' tren mang xa hoi
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu - Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Dù Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, nhưng các tác động từ web đen, trò chơi online không phù hợp với trẻ em chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ra nỗi lo cho gia đình, nhà trường và xã hội. 

“Nếu chúng ta không kiểm soát được việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ thì không khác gì để con em chúng ta đi bụi đời trên mạng xã hội và sẽ có một cuộc sống ảo lệch lạc. Chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc” - đại biểu Cảnh nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Bình Định cũng cho rằng, đối với trẻ em, dù có đi ngoài đời thực hay đi trong môi trường mạng, đều phải được quan tâm, hướng dẫn nhằm bảo vệ và giúp các em lựa chọn con đường đi phù hợp với lứa tuổi của mình. 

Cho rằng khó có thể điều chỉnh được nội dung này một cách cụ thể trong thời gian ngắn, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, dự thảo luật cần có một điều quy định về vấn đề này. Cụ thể, cần bổ sung quy định là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, phát triển một cổng thông tin thích hợp dành riêng cho trẻ em, sử dụng tại các gia đình, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ internet.

Việc này sẽ hướng tới mục tiêu để trẻ em chỉ tiếp thu các thông tin đã được xây dựng và chọn lọc, được liên kết với các nguồn thông tin trong nước, quốc tế, phục vụ cho việc học tập, vui chơi.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) đề nghị, nội dung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần xây dựng theo hướng quy định trách nhiệm của gia đình, của người chăm sóc trẻ, của nhà trường và cả của trẻ. Luật cũng phải quy định bổn phận của trẻ em khi tham gia không gian mạng.

Facebook, Google phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam?

Quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng phải lưu trữ dữ liệu, đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận trong dự thảo Luật An ninh mạng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng, Google hay Facebook đều là những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng. Do đó, trong Luật Thương mại năm 2005, đặc biệt mới nhất là Luật Ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết về vấn đề phải đặt văn phòng đại diện. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải đặt dịch vụ theo luật điều chỉnh này.

“Hiện nay, Facebook đã có 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia trên thế giới và 70 văn phòng đại diện ở các khu vực trên thế giới, rõ ràng chúng ta thấy không có gì đáng ngại trong vấn đề này” - đại biểu Đức phân tích.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ) đánh giá, quy định như trên sẽ hữu ích trong việc kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động.

“Tuy nhiên, khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài như Google hoặc Facebook không thực hiện thì giải pháp của chúng ta ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không” - đại biểu Thưởng nêu vấn đề.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (tỉnh Thanh Hóa) lại khẳng định, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong không gian mạng phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là điều khó khả thi và không phù hợp thực tiễn.

“Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân” - đại biểu Thủy phát biểu. 

 Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI