Tuy nhiên, qua điều tra, chúng tôi xác định, đây là dự án chưa được cấp phép. Vậy, Công ty cổ phần bất động sản Cao Thắng (gọi tắt là CT Cao Thắng) huy động 600 tỷ đồng để làm gì? Phải chăng đây là hình thức lừa đảo huy động vốn?
|
Một hội trường xây trên dự án “ma” lấy tên là “Nhà hàng Cao Thắng” để làm nơi tổ chức hội thảo kêu gọi “nhà đầu tư” |
Giấy phép đầu tư, xây dựng đều không có
Trong quá trình điều tra, chúng tôi xác định, cơ sở để CT Cao Thắng kêu gọi mọi người ồ ạt góp vốn cho mình chính là việc xây dựng KDLST Phú Hữu và “nổ” rằng đây là dự án KDLST lớn nhất ĐBSCL.
Theo thiết kế bằng... miệng của ông Trần Quốc Cường - Phó tổng giám đốc (GĐ) CT Ước Mơ Việt, phụ trách khu vực miền Tây - tại các hội thảo mời gọi đầu tư, KDLST Phú Hữu sẽ được xây dựng trên khu đất 30 héc-ta với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó, CT Cao Thắng đã đầu tư 400 tỷ đồng vào việc mua đất và đang cần góp vốn 600 tỷ để xây dựng dự án.
Ông Cường “nổ” rằng, KDLST Phú Hữu sẽ là điểm DLST kết hợp với biệt thự nghỉ dưỡng, gồm các hạng mục như nhà vườn, khu cà phê giải trí, nhà hàng, khu cà phê ngoài trời, khu giải trí ngoài trời... Điểm đặc biệt của dự án này là có xây dựng Vịnh Hạ Long thu nhỏ, đảo Đào Hoa, có hang động, khu tâm linh... Hiện tại dự án đã hoàn thành 5-30%, dự kiến trong 6-12 tháng, chậm nhất là 18 tháng sẽ hoàn thành 100%.
Cũng theo ông Cường, khi hoàn thành, KDLST Phú Hữu sẽ chào đón mỗi ngày 5.000 lượt khách. Toàn bộ phòng ốc trong dự án sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Những sản phẩm có trong dự án đều được CT Cao Thắng đặt từ châu Âu về.
Ngoài ra, ông Cường còn “vẽ” ra một bối cảnh hết sức lý tưởng cho người tham gia đầu tư dự án: “Hiện nay, dự án chưa đi vào hoạt động, nhưng CT đã có lợi nhuận. Lợi nhuận vì tăng giá trị đất, đó là tài sản hình thành trong tương lai. Đầu tư 1.000 tỷ thì giá trị hình thành tài sản trong tương lai là 4.000 - 5.000 tỷ. Thu nhập ổn định của công ty là vài chục tỷ mỗi tháng” - ông Cường thuyết.
|
Ông Đỗ Văn Thọ - GĐ chi nhánh CT Ước Mơ Việt tại TP.HCM - “nổ” về dự án KDLST Phú Hữu với phóng viên |
Để làm rõ về dự án KDL lớn nhất miền Tây cũng như hình thức đầu tư “siêu lợi nhuận” của CT Cao Thắng, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Bền - Trưởng phòng Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hậu Giang. Khi chúng tôi đề cập đến dự án KDL của CT Cao Thắng đặt tại tỉnh Hậu Giang, ông Bền tỏ ra khá bất ngờ và khẳng định: “Cho đến thời điểm này, UBND tỉnh chưa có chủ trương gì đối với dự án KDLST Phú Hữu”.
Ông Bền cho biết, ngày 27/12/2016, CT Ước Mơ Việt cùng CT Phúc An Thịnh (trụ sở chính tại số C7B/25 đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có gửi thư ngỏ kèm theo bản đồ quy hoạch xin chỉ tiêu quy hoạch dự án KDLST 10 hec-ta tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với mức vốn 2.468 tỷ đồng.
CT khẳng định đã có nguồn tiền do nước ngoài tài trợ. Ngày 4/1/2017, Sở KH&ĐT tỉnh họp, đề nghị nhà đầu tư điều chỉnh dự án để phù hợp với nhu cầu đầu tư; yêu cầu sau khi điều chỉnh thì gửi lại Sở KH&ĐT tỉnh để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Sở này cũng đề nghị nhà đầu tư có trách nhiệm bồi hoàn, tái định cư với những hộ dân có đất trong dự án. Tuy nhiên, cho đến ngày 25/7/2017, nhà đầu tư vẫn bặt tăm.
Không chỉ vậy, khi ông Bền cho chúng tôi xem thư ngỏ xin dự án của CT Ước Mơ Việt (là CT đã “đẻ” ra CT Cao Thắng) gửi cho các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, chúng tôi phát hiện thư ngỏ này hoàn toàn khác so với bộ hồ sơ mà đại diện cho CT này gửi cho khách hàng “VIP” để kêu gọi đầu tư.
Theo hồ sơ mà CT Cao Thắng cung cấp cho khách hàng “VIP”, ngày 9/1/2017, CT TNHH Thương mại và dịch vụ Duy Danh đã làm hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án KDLST Phú Hữu với diện tích 12 héc-ta, tổng giá trị dự án là 700 tỷ đồng. Nêu nhận định về việc chuyển nhượng nói trên, ông Bền cho hay: “Dự án KDLST Phú Hữu từng được UBND tỉnh cấp cho CT Duy Danh. Việc CT này chuyển nhượng toàn bộ dự án cho CT Cao Thắng mà không xin chủ trương của UBND tỉnh (thông qua Sở KH&ĐT) là trái quy định của luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015).
Trong hồ sơ của chúng tôi, hoàn toàn không có hồ sơ xin chuyển nhượng của CT Cao Thắng nên việc CT này lấy dự án KDLST Phú Hữu huy động vốn là không đúng quy định của pháp luật”.
Ông Tô Chí Quá - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - khẳng định: “Hiện nay CT Cao Thắng chưa có giấy phép xây dựng KDLST Phú Hữu và cũng chưa có chủ trương cho CT này xây dựng nên nói xây dựng dự án lớn nhất miền Tây gì đó thì phải xem lại”.
Ông Quá cho biết thêm, do dự án KDLST Phú Hữu chưa xin phép xây dựng, đầu tư nên vừa qua phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành có xuống kiểm tra. Chủ trương của huyện là chỉ cho CT Cao Thắng sửa chữa lại một số hạng mục có sẵn; nếu xây dựng mới, sẽ bị xử lý.
Vẫn ráo riết kêu gọi đầu tư
Theo công bố của CT Cao Thắng, hiện đã có hơn 8.000 “hội viên” tham gia vào dự án (mỗi người được công nhận là hội viên phải đầu tư tối thiểu 50 triệu đồng). Trên thực tế, mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe, hàng trăm lượt khách đến tham quan, dự hội thảo và góp vốn vào dự án.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND xã Phú Hữu, huyện Châu Thành cho biết, người tham quan, đầu tư hầu hết ở địa phương khác đến. Thực tế, CT đầu tư, xây dựng gì thì xã chưa nắm cũng như chưa nghe ở trên thông tin gì.
Với các thông tin từ cơ quan chức năng các cấp của tỉnh Hậu Giang thì dự án KDLST Phú Hữu chỉ là dự án “ma”, nhưng ngoài 8.000 hội viên đã bị “chiêu dụ” góp vốn, hiện CT Cao Thắng vẫn liên tục mở các cuộc hội thảo “kêu gọi đầu tư” mà vẫn không gặp bất cứ sự can thiệp nào của cơ quan chức năng.
Chiều 26/7, chúng tôi quay trở lại KDLST Phú Hữu thì thấy dòng người vẫn nườm nượp đổ về nơi đây để làm “nhà đầu tư”. Trong vai một doanh nhân từ TP.HCM xuống tham quan dự án, chúng tôi lập tức được một thanh niên tên Nhân tự xưng là GĐ kinh doanh của dự án chào đón niềm nở và thao thao bất tuyệt về dự án.
Khi chúng tôi quay lại TP.HCM thì GĐ Nhân liên tục gọi điện thuyết phục chúng tôi tham gia làm “nhà đầu tư”. Để chúng tôi “sập bẫy” ông Nhân ra giá, chỉ cần “đầu tư” 50 triệu đồng vào CT, chúng tôi sẽ trở thành hội viên, hưởng mức lương 2 triệu đồng/tháng và sẽ “bổ nhiệm” chúng tôi vào CT làm việc với mức lương cứng là 10 triệu đồng, không cần biết trình độ học vấn.
“Đâu cần trình độ gì đâu, tướng em dọn lên là giống y giám đốc rồi. Em chỉ cần đưa khách về tham quan là có lương cứng 10 triệu, chưa kể hoa hồng”. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “KDL chưa xây xong mà tham quan gì?”. Ông Nhân đáp: “Tham quan ở đây là tham quan dự án, mời khách về tham quan và tham gia dự án, em vừa có lương cứng, vừa hưởng thêm hoa hồng…”.
Cùng với GĐ Nhân, hàng loạt GĐ chi nhánh của CT Ước Mơ Việt và CT Cao Thắng cũng đang ráo riết “săn” hội viên đầu tư vào dự án “ma” để... đủ chỉ tiêu, hưởng lương và hoa hồng.
Ước Mơ Việt lừa cả cơ quan công quyền tỉnh Hậu Giang?
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, ngày 27/12/2016, CT Ước Mơ Việt có gửi một thư ngỏ cho các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, trong đó có đề cập đến việc xin quỹ đất để làm KDLST. Theo CT Ước Mơ Việt, đơn vị này sẽ liên doanh với CT Phúc An Thịnh triển khai dự án với tổng kinh phí 2.468 tỷ đồng, nguồn tiền đã có sẵn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ngày 27/7, chúng tôi tìm đến địa chỉ của CT Phúc An Thịnh (số C7B/25 đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - địa chỉ do CT Ước Mơ Việt cung cấp trong thư ngỏ) thì đây là nhà dân, do ông P.C.V. và bà P.T.A. sở hữu. Đại diện UBND xã Bình Hưng cho biết, trước đây, có một CT đến thuê địa chỉ trên để làm văn phòng nhưng chỉ có vài người làm việc và cũng đã trả mặt bằng, chuyển đi từ cách đây ba - bốn năm rồi. Hoàn toàn không có CT Phúc An Thịnh nào ở địa chỉ trên.
Phải chăng CT Ước Mơ Việt đã “mượn danh” một CT với địa chỉ không có thật để lừa xin UBND tỉnh Hậu Giang cấp đất cho mình?
|
Nhóm Phóng Viên