Kỳ họp lần thứ năm Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục mổ xẻ dự luật được người dân đặc biệt quan tâm

21/05/2018 - 10:08

PNO - Kỳ họp Quốc hội thứ năm sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), là một trong những luật được quần chúng vô cùng quan tâm

Kỳ họp Quốc hội thứ năm sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), là “một trong những luật được quần chúng vô cùng quan tâm”, theo nhận định của Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. 

Không để người trả lời chất vấn “câu giờ”

Sáng 21/5, Quốc hội (QH) khóa XIV chính thức khai mạc kỳ họp thứ năm. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. 

Ky hop lan thu nam Quoc hoi khoa XIV: Tiep tuc mo xe du luat duoc nguoi dan dac biet quan tam
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội sáng 21/5/2018

Theo chương trình dự kiến, chiều cùng ngày, hai tờ trình dự án luật được QH đưa ra thảo luận, cho ý kiến là Luật Trồng trọt và Luật Đặc xá (sửa đổi). Ngoài hai dự án luật trên, kỳ họp QH này cũng cho ý kiến về 6 dự án luật khác, gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, QH xem xét thông qua 8 dự án luật, trong đó có một số luật, như Luật Tố cáo, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật An ninh mạng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. QH cũng thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký QH - cho biết, điểm mới của kỳ họp lần này là đổi mới hoạt động chất vấn. Thời gian dành cho các đại biểu QH chỉ có 1 phút nên phải chắt lọc nội dung, câu hỏi phải ngắn gọn và dễ hiểu. Người trả lời sẽ có 3 phút, do đó phải trả lời tập trung vào vấn đề được hỏi, không “câu giờ”. Để các bộ trưởng quen với cách đổi mới này, sẽ có 3 người hỏi một lần, sau đó bộ trưởng trả lời. 

“Rối” trong xử lý tài sản kê khai không trung thực

Một trong những dự án tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến của QH kỳ này là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo Phó tổng thư ký QH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng, đây là một trong những luật được quần chúng vô cùng quan tâm. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được QH xem xét, thông qua trong ba kỳ họp. Tại kỳ họp thứ tư, QH đã cho ý kiến lần đầu. Sau đó, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện một bước dự án luật, trình ra kỳ họp QH thứ năm để cho ý kiến lần hai. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, giải trình để trình QH thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

Ky hop lan thu nam Quoc hoi khoa XIV: Tiep tuc mo xe du luat duoc nguoi dan dac biet quan tam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

Về nội dung, Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến, nhưng theo Phó tổng thư ký QH Hoàng Thanh Tùng, vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản tham nhũng. Thực tế, qua kê khai, xác minh, nhiều người đã thực hiện không trung thực hoặc không giải trình được  một cách hợp lý với các tài sản tăng thêm. Về vấn đề này, trong Chính phủ còn nhiều ý kiến khác nhau. Tại kỳ họp QH lần này, Chính phủ đưa ra hai phương án: thu 45% thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản giải trình không hợp lý hoặc kê khai không trung thực; xử phạt hành chính với mức phạt bằng 45% trị giá của tài sản tăng thêm và không trung thực đó.

Tuy nhiên, qua xem xét, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tài chính QH đều cho rằng, hai phương án trên đều chưa thực sự phù hợp. “Tinh thần là phải xử lý nghiêm, thu hồi toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có, nhưng bên cạnh đó, phải tôn trọng và bảo đảm quyền sở hữu tài sản hiến định. Nếu đó không phải tài sản tham nhũng, không phải do vi phạm pháp luật nhưng vì lý do “gì đó” mà người kê khai chưa kê khai được thì tài sản đó không thể tịch thu” - ông Hoàng Thanh Tùng chia sẻ. 

Cử tri kiến nghị xem lại việc đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng

Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp QH lần này, Đoàn đại biểu QH TP.Hà Nội cho biết, đã nhận được 31 ý kiến. Trong đó, có ý kiến kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét về quy định đánh thuế nhà ở theo dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, xem xét chỉ đánh thuế đối với các trường hợp đầu cơ, tích trữ nhà, đất từ hai ngôi nhà và có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên thay vì 700 triệu đồng như dự thảo đưa ra.

Cử tri TP.Hà Nội cũng đề nghị xem xét lại một số quy định về việc vận hành nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư tại Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng. Cụ thể, quy định phải có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã bàn giao tham dự hội nghị chung cư lần đầu; thành viên ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư; quy định về chỗ đỗ xe… là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI