Khát vọng sống: Trả lại mặt cho 'người gốc cây'

22/03/2017 - 10:29

PNO - Chị ra kênh Nhiêu Lộc, vừa nhón chân nhảy xuống cầu tự vẫn thì nghe tiếng khóc của cậu bé bán vé số: “Xin mẹ đừng bỏ con!”. Hoàn hồn, chị tức tốc chạy về nhà với gia đình mình.

Nhìn khuôn mặt mình giống gốc cây, chị cầm ly choảng vào gương. Gương vỡ, chồng khóc, con khóc, cả gia đình chị bất lực. Một giờ khuya, chị ra kênh Nhiêu Lộc, vừa nhón chân nhảy xuống cầu tự vẫn, chị nghe tiếng khóc của cậu bé bán vé số: “Xin mẹ đừng bỏ con!”. Hoàn hồn, chị tức tốc chạy về nhà. Và sau 16 lần lên bàn mổ, các bác sĩ đã “hô biến” khuôn mặt của chị trở về gần giống với ngày xưa. Chị là Vũ Thị Loan, 39 tuổi, quê ở tỉnh Hưng Yên.

Khat vong song: Tra lai mat cho 'nguoi goc cay'
Chị Loan cùng gia đình mưu sinh bằng nghề sửa xe máy sau khi bị tạt axit kinh hoàng.

Ca axít oan nghiệt

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông, với bốn chị em gái, hoàn cảnh khó khăn nên chị Loan rời quê, vào Sài Gòn phụ bán xe đạp cho người anh họ. Trong một lần đi sửa xe ở tiệm vỉa hè của anh Phạm Quang Tân, thấy anh thật thà, lại liệt một tay từ nhỏ nên chị đem lòng thương. Kể từ ngày lấy anh, chị trở thành lao động chính trong gia đình. Buổi sáng lo cơm nước cho chồng con, buổi chiều, chị đẩy “đồ nghề” ra vỉa hè để bơm, vá, sửa xe cho khách. Còn anh Tân đi giữ xe cho một cơ quan, tối về lại ra phụ chị. 

Người thân, bạn bè, chòm xóm khu trọ ai cũng nghĩ gia đình bé nhỏ của chị sẽ hạnh phúc suốt đời, bởi họ đến với nhau không phải vì vật chất. Cứ ngỡ sống an phận, tử tế sẽ gặp nhiều điều may.

Thế nhưng, chị nhớ như in: “Chiều 21/9/2013 như ngày định mệnh. Tôi đang vá xe cho khách, bất ngờ có hai thanh niên đi xe máy đến, cứ tưởng đến bơm xe, ai dè bất ngờ tưới nguyên ca chất lỏng vào tôi và người khách nam ngồi kế bên. Tôi gào thét đau đớn vì toàn thân cháy rát, áo quần cháy dính vào da thịt. Ca axít bị vứt vội lăn lóc ngoài đường cũng khiến mặt đường bốc khói. Hai thanh niên rồ ga bỏ chạy, đến nay công an vẫn chưa tìm được hung thủ”. 

Ngồi kế bên, anh Tân, chồng chị kể: “Đưa vợ đi cấp cứu, nhìn vợ đau đớn, da thịt cháy đen, bốc mùi khét mà đau lòng. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy lắc đầu giải thích, trường hợp của chị Loan là “còn nước còn tát” và gia đình nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Tôi đã chết điếng”. 

Anh van nài bác sĩ cứu vợ, bao nhiêu tiền cũng trả đủ cho bệnh viện. Nói vậy chứ anh cũng không biết lấy đâu ra tiền để chạy chữa cho vợ. Vợ chồng anh đều là dân lao động nghèo, nhà trọ mướn mỗi tháng hơn ba triệu đồng: “Vợ chồng tôi đều không có bảo hiểm. Tôi chạy về nhà chuẩn bị thủ tục nhập viện cho vợ mà trong túi chỉ còn 800.000đ để dành mấy ngày qua”. 

Chi phí phẫu thuật cho chị Loan vượt quá khả năng của anh. Rất may lúc đó, người thân và các nhà hảo tâm thương cho hoàn cảnh gia đình anh mà gánh thay viện phí hơn 100 triệu đồng cho 11 lần chị lên bàn mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

May mắn, các bác sĩ đã cứu chị thoát khỏi cơn nguy kịch, chị lại được “ở lại trần gian” với chồng con. Nhưng sự oan nghiệt của ca axít biến chị thành “người gốc cây”, với nửa khuôn mặt bên phải và gần toàn bộ cơ thể bị sẹo dày cộp. Các bác sĩ đã cắt hai lần phần da bụng đắp lên làm da mặt mới cho chị nhưng da mới cũng bị hỏng. Các bác sĩ lại cắt tiếp phần da bên bắp đùi chân trái để làm da mặt cho chị, nhưng da đùi cũng bị đào thải. 

Trở về nhà với khuôn mặt như gốc cây, sẹo phỏng co rút siết chặt phần mặt vào cổ nên chị không thể ngước lên, nhìn sang phải hay sang trái. Hai cánh tay của chị cũng không thể giơ lên cao được nữa vì sẹo bỏng dày cộp co kéo. Tay không thể làm việc được, chị bỏ nghề, con trai nhỏ của chị vừa đi học vừa phụ gia đình bơm vá xe kiếm sống.

Khat vong song: Tra lai mat cho 'nguoi goc cay'
Chị Loan ngày vừa thoát chết với chi chít sẹo khắp người.

Tiếp tục vá xe nuôi chồng con

Từ lúc bị tai nạn đến khi xuất viện, không ai cho chị nhìn vô gương vì sợ chị mặc cảm. Khi trở về nhà, một lần nhìn vô gương, chị hoảng hồn, gào thét, không chấp nhận người trong gương là mình: “Tôi la lên, cầm ly choảng vào gương. Gương bể, chồng khóc, con khóc. Cả chồng và con ôm tôi mà bất lực, an ủi tôi sẽ đẹp trở lại như xưa”. 

Cái ôm của chồng con khiến chị nguôi ngoai ý định tự tử; nhưng nhiều lần ra ngoài đường, chị thấy nhiều người nhìn mình với vẻ thương hại, xót xa nên chị càng đau. Tối về, chị dụ một đứa cháu mua giùm thuốc ngủ để tự tử. Sau nhiều lần van nài, người cháu vẫn cự tuyệt và mong chị suy nghĩ lại. 

Một bữa chờ chồng và con ngủ say, chị lén lút mở cửa chạy đi tìm nơi tự tử. Chị chạy men theo kênh Nhiêu Lộc, bắt đầu từ quận Tân Bình. Trên đường chạy xe, chị suy nghĩ kỹ, vì nghĩ rằng mình sống chỉ làm khổ chồng con, gia đình đã quá đau khổ rồi. 
Nghĩ đâu đó xong, chị dừng lại ở cầu số 8.

“Tôi bắt đầu dựng xe máy một góc và bỏ giấy tờ tùy thân lại, để người ta có vớt xác thì biết mà đưa về nhà. Vừa bỏ dép qua một bên, tôi nhón chân, nhắm mắt và chuẩn bị nhảy xuống cầu thì từ dưới chân cầu, vọng lại tiếng khóc xé lòng của một cậu bé bán vé số “Mẹ ơi, đừng bỏ con!” khi bị mẹ đánh ngồi dưới chân cầu. Hoàn hồn, tôi sợ chết. Tôi sợ rớt xuống cầu. Vội vã mang dép vô, tôi chạy về ôm con trai. Nhìn chồng và con ngủ say, tôi thấy mình có lỗi. Nếu ngày mai, anh và con nhận được tin tôi chết, chắc có lẽ họ sẽ không sống nổi. Tôi đã sai rồi” - chị Loan bồi hồi nhớ lại.

Khat vong song: Tra lai mat cho 'nguoi goc cay'
Chị Loan đã tìm lại được nghị lực sống sau ngày tháng đau khổ, có ý định tự tử vì khuôn mặt biến dạng do axit gây ra.

Qua cơn mưa, trời lại sáng. Một lần tình cờ đọc câu chuyện cảm động của gia đình chị trên báo Phụ Nữ, các bác sĩ Bệnh viện Quận 2 đã nhận tái tạo khuôn mặt của chị hoàn toàn miễn phí. Sau cái gật đầu của bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2, tiến sĩ - bác sĩ Phan Minh Hoàng - Trưởng khoa Tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ đã mời thêm các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp hồi sinh khuôn mặt cho chị Loan.

Suốt một tháng trời, sau hai lần phẫu thuật, mỗi cuộc kéo dài suốt 14 giờ, các bác sĩ đã xẻ lấy một phần da đùi bên trái để “đắp” lên mặt cho chị Loan và tách dãn da vùng cổ và tay, giúp chị cử động được cánh tay. Toàn bộ cơ thể chị dường như không còn chỗ lành lặn, chỗ sẹo thì co rút, đau đớn, chỗ da lành thì bị cắt xén để làm da mặt…

Vừa chích thuốc dưới lớp da mới ghép, bác sĩ Phan Minh Hoàng cho biết, thuốc sẽ giúp da đùi trở nên mỏng như da mặt, đồng thời ranh giới giữa lớp da mới và lớp da mặt sẽ không còn gồ ghề về sau; ranh giới này sẽ tự mất dần sau vài lần tiêm thuốc nữa.

Bác sĩ Phan Minh Hoàng kể: “Trong ca ghép cho chị Loan, tôi sợ nhất là vạt da không sống được thì không biết lấy da đâu để ghép nữa. Vì toàn bộ cơ thể chị bị bỏng, chỉ còn vài chỗ ghép được thì cũng đã bị hoại tử trước đó. Thế nhưng, sau 24 giờ ghép da và nối mạch máu, tôi thấy da chị dần hồng hào, bỗng dưng nước mắt mình trào ra lúc nào không hay. Đối với tôi, ca nào cũng là ca khó. Riêng với ca chị Loan, tôi mừng vì không phải đây là ca ghép đầu tiên mà mừng vì đã cứu thêm một người khỏi đau khổ”.

Hẹn gặp chúng tôi trong lúc bác sĩ Hoàng đang chích thuốc vào lớp da mặt vừa mới ghép, chị Loan hồ hởi: “Bây giờ, mặt của tôi đã trở lại gần 90% của ngày xưa rồi. Đúng là cuộc sống có những điều kỳ diệu. Tôi cứ ngỡ chết là hết, nhưng tôi đã sai. Chết là đầu hàng. Tôi may mắn có được gia đình bên cạnh và những bác sĩ giỏi, nhiệt tâm cùng với những nhà hảo tâm âm thầm giúp đỡ”. 

Góc vỉa hè ở ngã ba Trường Chinh - Ấp Bắc (Q.Tân Bình), nơi gia đình chị hành nghề vá xe đã sôi động trở lại sau nhiều ngày vắng bóng chị. Giữa trưa tháng Ba nóng bức, một mình chị lại kéo lê đồ nghề, máy bơm ra vỉa hè chờ khách. Xắn tay với sẹo chi chít, chị cười: “Hôm nay, anh Tân bệnh rồi, nằm chèo queo ở nhà, mỗi mình chị ra đây, nhưng nhiều khách quen, có cả những khách biết chuyện cũng thường ghé vá xe ủng hộ”. Tháo khẩu trang che mặt, chị giải thích: “Vết thương mặt vẫn còn, không che mặt, nhiều người lạ ngại đến sửa xe”.  

Vừa đưa tay quệt mồ hôi, tay kia vẫn tiếp tục gãi lớp da bỏng dày cộm gây ngứa ngáy ở đùi bên trái, chị Loan phấn khởi: “Tìm đến cái chết là dại nhất trong đời khi mình vẫn còn nhiều người thương yêu, đặc biệt là ông xã. Ngày đầu tiên tôi đến với anh, anh nói anh nghèo, không nhà cửa, anh bị yếu liệt tay, cưới anh chỉ khổ… nên tôi phải sống, sống để dìu anh đi tiếp đoạn đường phía trước”. 

 Văn Thanh

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI