Khách hàng muốn giải quyết dứt điểm nợ, ngân hàng lại... né?

06/11/2017 - 10:39

PNO - Khách hàng nhiều lần đề nghị cung cấp sao kê chi tiết về khoản vay để giải chấp tài sản, nhưng phía ngân hàng cứ mãi “ngó lơ”. Khách hàng đặt nghi vấn có nhiều khuất tất, vi phạm quy định cho vay trong vụ việc này…

Cho giải ngân khi chưa có xác nhận của bên bảo lãnh

Gửi đơn kêu cứu đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Hồ Thị Hồng Loan (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, mình là đại diện theo ủy quyền của bà Tạ Thị Ngọc Tú - Việt kiều Mỹ, người đứng tên bên thế chấp nhà và đất tại địa chỉ 1014/24 Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q. Tân Bình, TP.HCM cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) chi nhánh TP.HCM vào tháng 8/2010.

Khach hang muon giai quyet dut diem no, ngan hang lai... ne?
Thông báo có nhiều khuất tất của VietBank Ảnh: Quốc Ngọc

Thời điểm đó, căn nhà trên của bà Tú được định giá hơn 3 tỷ đồng, được thế chấp nhằm ký bảo đảm cho khoản vay 28 tỷ đồng của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp (viết tắt là Công ty KTCN, đóng tại Q.1, TP.HCM) theo hợp đồng cấp tín dụng hạn mức tại VietBank, với thời hạn vay 1 năm kể từ ngày 10/8/2010.

Ngoài tài sản của bà Tú, còn có thêm ba bất động sản và hai khoản phải thu khác nhằm bảo lãnh cho công ty được cấp tín dụng. Tổng trị giá của các tài sản này là hơn 50 tỷ đồng. “Sau khi ký hợp đồng bảo đảm, gia đình bà Tú xuất cảnh sang Mỹ và gần 7 năm qua, phía ngân hàng không có bất cứ liên lạc gì với vợ chồng bà Tú, dù căn nhà thế chấp vẫn được vợ chồng bà cho thuê và mọi liên hệ đều có thể thông qua địa chỉ này” - bà Loan cho biết.

Đến tháng 6/2017, bà Tú về Việt Nam đề nghị VietBank trao lại giấy tờ nhà. Ngân hàng này từ chối với lý do Công ty KTCN vẫn chưa thanh toán hết nợ vay. Bà Tú yêu cầu ngân hàng cho biết cụ thể các khoản nợ để thanh toán và giải chấp tài sản, nhận lại giấy tờ nhà. Từ đây, họ phát hiện nhiều khuất tất trong việc cho vay, giải ngân và xử lý nợ của VietBank.

Trước hết, tại hợp đồng cấp tín dụng hạn mức cho Công ty KTCN, chỉ có chữ ký của đại diện bốn bất động sản bảo lãnh, tuyệt nhiên không có chữ ký của đại diện hai khoản phải thu; hai khoản thế chấp nhằm bảo lãnh cho khoản vay nói trên lên đến hơn 26 tỷ đồng. Thế nhưng, ngân hàng vẫn chấp thuận cho công ty giải ngân.

Bên cạnh đó, hợp đồng cấp tín dụng hạn mức mà bà Tú đã ký bảo đảm có rất nhiều lần sửa đổi, bổ sung giữa ngân hàng và công ty sau khi bà xuất cảnh mà bà không hề hay biết. Chưa hết, xuất hiện thêm một hợp đồng cấp tín dụng hạn mức thứ hai, VietBank cho Công ty KTCN vay thêm 20 tỷ đồng. Phía bà Tú không có trách nhiệm bảo lãnh trong hợp đồng này, nhưng ngân hàng vẫn tính chung trong dư nợ với hợp đồng trước (?).

Tại công văn số 763/2017/CV-KSNB ngày 16/9 vừa qua, VietBank xác định, tính đến 31/7/2014, Công ty KTCN còn nợ gốc hơn 32 tỷ đồng, cộng với các khoản lãi phát sinh thì tổng nợ lên đến gần 53 tỷ đồng. Công văn này cũng ghi rõ, VietBank đã thu hồi được 16,2 tỷ đồng tiền gửi của công ty và 26 tỷ đồng từ hai khoản phải thu (ký bảo đảm trong hợp đồng cấp tín dụng hạn mức thứ nhất), ngoài ra còn thu được hơn 3 tỷ đồng từ tài sản là các bất động sản tại huyện Củ Chi của chính giám đốc công ty.

Như vậy, ngân hàng đã thu hơn 45 tỷ đồng, trong khi hạn mức mà bà Tú dùng tài sản của mình thế chấp và bảo lãnh vay chỉ có 28 tỷ, tức là ngân hàng đã tự ý “gô cổ” người bảo lãnh vay, bắt phải gánh luôn hợp đồng vay thứ hai của công ty, vốn không liên quan gì đến bà Tú.

Vi phạm các quy định cho vay

Quá bức xúc, bà Tú ủy quyền cho bà Loan nhiều lần đề nghị phía ngân hàng cung cấp sao kê chi tiết khoản vay của Công ty KTCN, nhưng đã gần ba tháng nay, VietBank vẫn chưa thể cung cấp cho khách hàng. “Ngân hàng là đơn vị kinh tế, mọi giao dịch tiền tệ đều phải rõ ràng, minh bạch. Vậy mà chúng tôi đã thông báo về việc giải chấp tài sản, yêu cầu ngân hàng tính toán rõ các khoản dư nợ của hợp đồng thế chấp mà vợ chồng bà Tú đã ký, cũng như nhiều lần đề nghị ngân hàng cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến khoản vay của Công ty KTCN, nhưng vẫn chưa thấy ngân hàng đáp ứng” - bà Loan bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi ngày 2/11, luật sư Nguyễn Quyết Quyền - Đoàn Luật sư TP.HCM - cho rằng, VietBank có dấu hiệu vi phạm các quy định cho vay và xử lý nợ. “Khi ký hợp đồng cấp tín dụng hạn mức, phía ngân hàng đã chưa có được sự chấp thuận của bên đảm bảo hai khoản thu hộ, nhưng vẫn giải ngân cho vay là không đúng quy định của pháp luật” - ông Quyền nói.

Việc này đã vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN. Theo đó, tổ chức tín dụng từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, không phù hợp với quy định pháp luật.

Theo ông Quyền, VietBank phải có trách nhiệm thông báo cho bên thế chấp là bà Tú các tài liệu giao dịch nhưng họ đã không làm điều này kể từ tháng 8/2010 đến nay, điều này vi phạm hợp đồng thế chấp mà hai bên đã ký. Đồng thời, với việc không đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chi tiết sao kê khoản vay, VietBank đã vi phạm Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Luật sư Quyền cũng cho rằng, về mặt pháp lý, có đến bốn bất động sản (trong đó có nhà của bà Tú) và hai khoản phải thu là các tài sản bảo đảm trong hợp đồng cấp tín dụng hạn mức lần thứ nhất cho công ty, nhưng khi xử lý tài sản, ngân hàng không đề cập đến các tài sản khác mà chỉ treo nợ tài sản của bà Tú là không đúng quy định.

Trong khi đó, bà Loan còn cho biết thêm, tổng nợ mà ngân hàng đưa ra trong công văn số 763/2017/CV-KSNB không khớp với nội dung mà bà thu thập được từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Theo CIC, tổng dư nợ gốc của công ty chỉ chưa đến 117 triệu đồng nhưng ngân hàng lại thông báo treo nợ lên đến hơn 52 tỷ đồng (?) và treo luôn tài sản của bà Tú. “Rõ ràng, có nhiều khuất tất trong việc cho vay và xử lý nợ của VietBank” - bà Loan nhận định.. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI