Những người truyền lửa

25/06/2016 - 11:03

PNO - Sáng 22/6, hội LHPN TP. HCM tổ chức hội thi kể chuyện gương sáng phụ nữ (PN) quanh tôi, chủ đề “tự hào thành phố mang tên Bác”.

27 câu chuyện được kể đã tái hiện sinh động cuộc đời, nghị lực và những cố gắng không ngừng của 27 người vợ, người mẹ, người bà, cũng đồng thời là các cán bộ hội cơ sở.

Bình dị mà cao cả

Sáng hôm ấy, hội trường A Hội LHPN TP.HCM chật kín người, không chỉ là hội viên, PN mà còn có nhiều em nhỏ. Ngoài hành lang, các thí sinh (TS) tranh thủ thời gian tập dợt lần cuối những điệu múa, câu hát minh họa. Giữa không gian ấy, có người mẹ ân cần nắm tay cậu con trai mắc bệnh Down, có nụ cười rạng rỡ của nữ “du kích Củ Chi” năm xưa, có bộ đồng phục còn đẫm mồ hôi của một nữ bảo vệ dân phố… Các dì, chị chính là những gương sáng, những bông hoa đẹp trong vườn hoa mang tên Bác.

Khi TS Phạm Thị Thanh Tuyền (Q.12) kể chuyện cuộc đời dì Sáu Trọng (Võ Thị Trọng, SN 1950, HV KP.2, P.Trung Mỹ Tây, Q.12) cả hội trường lặng đi vì xúc động. Dì Sáu Trọng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương “đất thép thành đồng” Củ Chi; gia nhập lực lượng vũ trang khi mới 15 tuổi (tháng 1/1965).

Từ năm 1972-1975, dù bị địch chặt đứt một cánh tay, người con gái kiên trung Sáu Trọng vẫn chỉ huy đội vũ trang Củ Chi chiến đấu anh dũng. Qua thời lửa đạn, dì gồng gánh mưu sinh. Ban ngày đạp xe chở thức ăn cho đàn heo 30 con, chăm sóc vườn rau, tối dì đốt đèn lật cỏ. Cứ kiên trì như vậy, giờ dì đã có một cơ ngơi khang trang và hai người con đều tốt nghiệp đại học. Ở tuổi xế chiều, dì Sáu Trọng vẫn miệt mài đi sớm về khuya lo việc Hội.

“Người giữ bình an cho khu phố”, “Người chị lá chắn” là những cách chị em hội viên, PN KP.6, P.3, Q.Bình Thạnh vẫn gọi chị Lê Kim Chung, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Lá Chắn P.3. Con trai qua đời vì ma túy, mang trong mình nỗi đau luôn giấu kín nhưng đồng thời đó cũng là động lực để chị Chung vượt qua khó khăn, quyết tâm kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tác hại của “cái chết trắng”. Hằng tháng, chị Chung và thành viên CLB đều dành thời gian đến thăm, mang theo gạo, mì tặng các đối tượng hồi gia đang tái hòa nhập cộng đồng.

Chị kiên trì tuyên truyền pháp luật, động viên người hoàn lương xóa bỏ mặc cảm, trở về với cuộc sống xã hội. Ngoài ra, chị Chung còn là thành viên của ban bảo vệ dân phố P.3. Cùng với các chiến sĩ công an phường, chị đã nhiều lần bất chấp nguy hiểm đương đầu với nạn mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Những hành động gan dạ và sự kiên cường của chị Chung được bà con khu phố cảm phục, ủng hộ. Có thời điểm nhận không ít tin nhắn đe dọa từ các đối tượng xấu nhưng chị vẫn kiên định với con đường đã chọn. Chị thổ lộ: “Mọi việc tôi làm vì sự an toàn của khu phố . Tôi được pháp luật, chính quyền và người dân bảo vệ, sao phải sợ những lời đe dọa đó”.

Lan tỏa lối sống đẹp

Trong 27 gương sáng được kể tại hội thi, có người tóc hãy còn xanh, nhưng có người tóc đã ngả bạc. Điểm chung ở các dì, các chị là lúc nào cũng lặng thầm nhưng đầy nhiệt huyết với lối sống “mình vì mọi người”. Dì Nguyễn Thị Đẹp (nhân vật trong bài dự thi “Hoa vẫn hồng trên đất thép” của TS Phùng Thị Thu Trang, H.Củ Chi) thật tình: “Nghe các cháu nói mình là “gương sáng”, tôi mắc cỡ quá chừng. Chuyện mình làm nhỏ lắm, có gì đâu mà kể”.

Nhung nguoi truyen lua
Dì Đặng Thị Út (bìa phải) nhận hoa do thí sinh Nguyễn Thị Thu Hà (Q.4) tặng

Dì Đặng Thị Út, gương sáng PN Q.4 bộc bạch: “Tôi lắng nghe từng TS kể chuyện, có lúc rớm nước mắt vì xúc động. Trong chúng tôi, ai cũng có cái khó, cái khổ riêng, nhưng các chị vẫn sống mạnh mẽ, can trường. Hội thi giúp tôi biết thêm nhiều “ngọn lửa” và thấy mình cần nỗ lực, phấn đấu thêm nữa để sống tốt, sống có ích”.

Rời sân khấu, thiếu úy Ngô Thị Thảo (hội viên Hội PN Công an Q.Bình Thạnh, người kể chuyện về chị Lê Kim Chung) xúc động: “Chị Chung đã sống một cuộc đời đáng sống. Tôi hy vọng gương sáng của chị sẽ được lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng”. Theo TS Phạm Thị Mai Xuân Uyên (Hội LHPN Q.Bình Tân): “Bên cạnh những câu chuyện nghĩa tình, nghị lực về các dì, các chị, hội thi còn là cơ hội để phát hiện những TS có khả năng kể chuyện. Nếu được bồi dưỡng kịp thời, đây sẽ là nguồn báo cáo viên tiềm năng giúp ích cho Hội PN rất nhiều trong công tác tuyên truyền”.

Dưới hàng ghế cổ động viên, ngồi cạnh cô con gái Thái Nguyễn Quỳnh Trâm (10 tuổi), chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Q.10) cho biết: “Trâm rất thích nghe kể chuyện nên tôi đưa cháu theo. Tôi tin những câu chuyện về nghị lực vượt khó, kiên trì, phấn đấu trong lao động, đời sống được kể ra hôm nay sẽ là tấm gương, bài học quý báu giúp cháu trưởng thành mai sau”.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải nhất cho đơn vị Hội LHPN Q.12, đồng giải nhì là Hội LHPN Q.10 và Q.1. Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó trưởng phòng Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, đại diện ban giám khảo nhận định: “Các TS đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; nội dung theo đúng chủ đề, cách kể chuyện đa dạng, đặc sắc với hình thức múa minh họa, sân khấu hóa đi vào lòng người. Những tấm gương được chọn đều rất tiêu biểu, là những PN có tấm lòng nhân ái, kiên trì, bền bỉ vượt qua nghịch cảnh, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP bày tỏ: “Hội luôn tôn vinh và trân trọng những việc làm bình dị của những tấm gương PN tiêu biểu. Chính họ là người truyền cảm hứng, “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Các cấp Hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc tìm kiếm, phát hiện gương điển hình, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất PN Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Việt Phương - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI